Nghịch lý một “cơn khát”

ANTĐ - Chẳng khác nào một nghịch lý khi châu Á - Thái Bình Dương đang là một trong những khu vực kinh tế phát triển nhanh, đội ngũ lao động dồi dào nhất song đây cũng là nơi đang thiếu hụt trầm trọng lao động chất lượng cao.

Ấn Độ là một trong những nền kinh tế mạnh của châu Á nhưng đang thiếu trầm trọng lao động kỹ thuật cao

Lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu của Australia vừa lên tiếng cảnh báo rằng lực lượng lao động của nước này chưa được chuẩn bị đầy đủ để nắm bắt các cơ hội mới trong thế kỷ 21, thế kỷ của châu Á-Thái Bình Dương. Tờ The Age (Thời đại) dẫn kết quả nghiên cứu của Asialink Taskforce cho thấy, một trong những trở ngại lớn nhất trong quá trình thúc đẩy doanh nghiệp Australia hướng tới thị trường châu Á là việc lực lượng lao động của nước này còn thiếu hụt kỹ năng liên quan tới châu Á.

Asialink Taskforce xác định, nhiều lĩnh vực tại Australia đang thiếu hụt trầm trọng lao động có tay nghề. Báo cáo của tổ chức có sự tham gia của nhiều giám đốc điều hành lớn tại Australia này ước tính trong thập niên tới, giá trị nền kinh tế Australia có thể tăng đến 275 tỷ USD nếu lực lượng lao động nước này có đủ kỹ năng liên quan tới châu Á để khai thác thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng này.

Cảnh báo của lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu của Australia cũng là cảnh báo chung với hầu hết các quốc gia châu Á hiện nay, từ những quốc gia công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc… cho tới những nước mới phát triển như Thái Lan, Malaysia… Đặc biệt, trong thời buổi kinh tế suy giảm hiện nay thì thất nghiệp đang là nỗi đau đầu của nhiều quốc gia khu vực song nghịch lý ở chỗ, hàng triệu chỗ làm đòi hỏi chuyên môn lành nghề và kỹ thuật cao vẫn đang chờ người lao động. 

Theo một cuộc điều tra của ManpowerGroup - một tập đoàn hàng đầu thế giới về nhân lực, bất chấp ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng và suy giảm kinh tế thế giới, châu Á vẫn đang thiếu hụt rất nhiều lao động có trình độ chuyên môn và kỹ thuật. Khoảng 45% chủ sử dụng lao động được hỏi ý kiến cho biết, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đúng người, cao hơn khá nhiều so với tỷ lệ 17% của năm 2006.

Khá ngạc nhiên khi đứng thứ 2 trong số các công ty tại châu Á sau Nhật Bản, các công ty Ấn Độ có mức thiếu hụt lao động có trình độ lên tới 48%. Cùng lúc đó, một báo cáo gần đây của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy, thiếu hụt nhân lực chất lượng đã khiến ngành xuất khẩu phần mềm của Ấn Độ chỉ tăng 15% thời gian qua, một mức tăng thấp khá xa so với những năm cuối 1990 và đầu 2000 cũng như so với kỳ vọng.

Cùng chịu “cơn khát” thiếu lao động kỹ thuật song cách  xử lý của các nước châu Á-Thái Bình Dương tương đối khác nhau. Nước có điều kiện sống và thu nhập cao như Australia thì chọn cách nhanh và dễ nhất là tuyển lao động chất lượng cao từ nước ngoài khi kết quả khảo sát gần đây của Viện Quản lý  Australia (AIM) cho thấy, 70,2% các công ty lớn của nước này sẵn sàng tuyển dụng lao động người nước ngoài để bù đắp việc thiếu hụt lao động có trình độ hiện đang phổ biến ở hầu hết các ngành nghề. 

Song đa phần các quốc gia khác ở châu Á chọn giải pháp căn cơ hơn là bắt tay vào thiết lập các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai. Đi đầu trong số này là Trung Quốc và Ấn Độ khi lên kế hoạch thành lập thêm hàng trăm trường đại học, trung tâm đào tạo chất lượng cao.