Nga gọi tái ngũ hàng loạt pháo tự hành 2S5 Giatsint-S khi Msta-S tổn thất lớn

ANTD.VN - Pháo tự hành 2S5 Giatsint-S đang được Nga bổ sung cho tiền tuyến với số lượng lớn nhằm bù đắp hao hụt của 2S19 Msta-S.

Quân đội Nga đang tích cực đưa những khẩu pháo tự hành 2S5 Giatsint-S cỡ 152 mm ra khỏi các kho lưu trữ, phương tiện tác chiến này có biệt danh "Kẻ diệt chủng".

Biệt danh trên bắt nguồn từ việc Quân đội Liên Xô đã lên kế hoạch bắn đạn hạt nhân vào Lực lượng vũ trang NATO từ những khẩu pháo tự hành như vậy trong trường hợp xảy ra chiến tranh quy mô lớn.

Giới chuyên gia nhận xét, Quân đội Nga phải tái sử dụng 2S5 Giatsint-S để bù đắp cho những tổn thất mà họ phải gánh chịu. Theo ước tính, cho tới lúc này, Moskva đã mất ít nhất 100 khẩu pháo tự hành 2S19 Msta-S và ít nhất 78 đơn vị 2S3 Akatsiya.

Ngoài ra để xóa nhòa lợi thế về chất lượng của pháo binh Ukraine với những hệ thống tối tân do NATO viện trợ, Nga đang đi theo con đường lấy lượng bù chất, bởi vậy Moskva quyết định đặt cược vào 2S5 Giatsint-S.

Số liệu của Military Balance 2021 cho biết vào cuối năm ngoái, Quân đội Nga chỉ đang duy trì 100 khẩu pháo tự hành 2S5 trong đội hình tác chiến nhưng có tới 850 khẩu tại các căn cứ lưu trữ. Số lượng trên nếu được tái sử dụng sẽ tạo ra sức mạnh đáng kể.

Tầm bắn của 2S5 được công bố trong khoảng 8 - 33 km, với sự trợ giúp của máy bay không người lái để điều chỉnh hỏa lực thì vũ khí trên vẫn tỏ ra là một phương tiện tác chiến rất đáng gờm.

Về lý thuyết, Nga có một số lượng đủ lớn những người lính nghĩa vụ trong nhóm tuổi 40 - 50 được huấn luyện đặc biệt trong Quân đội Liên Xô trên 2S5 Giatsint-S. Theo đó, vấn đề đào tạo nhân sự không phải vướng mắc.

Việc bảo dưỡng pháo tự hành Giatsint-S cũng được đơn giản hóa phần nào nhờ khung gầm bánh xích GM-123 ra đời từ những năm 1950 vẫn được sử dụng rộng rãi trong Quân đội Nga.

Thậm chí không cần gọi tái ngũ toàn bộ 850 khẩu, Quân đội Nga theo dự báo sẽ dùng một phần như nguồn cung cấp phụ tùng để phục vụ cho khoảng 250 hệ thống trên chiến trường, điều này vẫn tạo ra sức mạnh rất lớn.

Tuy vậy loại pháo tự hành này cũng có nhược điểm lớn đó là không được trang bị tháp pháo, điều này gây nguy cơ lớn cho kíp chiến đấu khi bị đối phương phản kích, ngay cả khi chỉ sử dụng những loại đạn nổ phá mảnh.

Phần lớn những binh sĩ dự bị từng làm việc trên khẩu pháo tự hành này đều đã cao tuổi, vì vậy kỹ năng tác chiến cũng như sức khỏe của họ có theo nổi yêu cầu của một cuộc chiến tranh hiện đại cường độ cao hay không cũng là câu hỏi lớn.

Vấn đề nữa đó là cho dù có phối hợp cùng máy bay không người lái thì cơ cấu ngắm bắn của pháo tự hành 2S5 Giatsint-S vẫn rất "thủ công", thiếu hẳn một hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại như 2S19 Msta-S.

Theo ước tính thận trọng của các nhà phân tích từ cổng thông tin Oryx, trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 10/2022, quân Nga đã mất 9 hệ thống 2S5 Giatsint-S trong đó 4 khẩu bị phá hủy, 5 khẩu khác bị thu giữ làm chiến lợi phẩm.

Như vậy, số lượng pháo tự hành 2S5 Giatsint-S mà Quân đội Nga bị phía thu giữ còn nhiều hơn số lượng bị tiêu diệt, tình trạng tương tự cũng được ghi nhận với tổ hợp 2S19 Msta-S mới hơn.