"Tất cả thay đổi cần thiết đã được đưa vào hệ thống Pantsir-S1, giúp tăng hiệu quả chống lại các loại mục tiêu khó bao gồm cả tên lửa hành trình Storm Shadow - loại tên lửa tầm xa khó phát hiện", Chuyên gia từ tập đoàn vũ khí Rostec nói với hãng tin TASS.
"Kết quả trong thực tế tác chiến đã chứng minh tính đúng đắn của các quyết định thiết kế trước đây", người đại diện nói tại diễn đàn Army 2023.
Tập đoàn vũ khí Rostec lưu ý rằng từ rất lâu trước khi có xung đột Đông Âu bùng phát, hệ thống phòng không Pantsir-S1 đã được thiết kế như hệ thống phòng thủ đa dụng, có thể công phá mọi loại mục tiêu.
Trước đó Giám đốc bộ phận vũ khí thông thường, đạn dược và hóa học đặc biệt của tập đoàn Rostec, ông Bekhkhan Ozdoyer ngày 13/7 nói rằng, hệ thống Pantsir-S1 được nâng cấp có khả năng bảo vệ 100% trước các rocket từ pháo HIMARS do Mỹ sản xuất.
"Các hệ thống Pantsir-S1 được nâng cấp hiệu quả tác chiến dựa trên kinh nghiệm từ chiến dịch quân sự đặc biệt, ở phiên bản mới có hiệu quả đánh chặn 100% với rocket HIMARS do Mỹ sản xuất", ông Ozdoyev cho biết.
"Bất cứ loại vũ khí nào cũng được hiện đại hóa và cải tiến sau khi được đưa vào thực chiến. Đây là một quá trình liên tục. Ví dụ, sau khi đối phương sử dụng hệ thống HIMARS, các chuyên gia đằng sau Pantsir-S1 đã cải tiến vũ khí để đánh chặn các tên lửa này", ông Ozdoyev nói thêm.
"Chúng ta có thể thấy ví dụ khi các cuộc tấn công bằng HIMARS của đối phương đã bị ngăn chặn. Đã có trường hợp tất cả 12 tên lửa phóng từ hệ thống phóng loạt HIMARS đều bị bắn hạ", ông Ozdoyev nhấn mạnh.
Pantsir-S1 là một trong những hệ thống phòng không chủ lực Nga sử dụng trong xung đột tại Đông Âu. Tổ hợp này đã phát hiện và bắn hạ nhiều mục tiêu của đối phương.
Đươc biết Nga phát triển pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 từ những năm 1990 nhằm thay thế tổ hợp Tunguska M1.
Pantsir-S1 hoặc tác chiến độc lập, hoặc phối hợp cùng hệ thống S-400 chuyên đánh tầm cao nhằm tạo ra chiếc lá chắn thép bảo vệ lực lượng Nga cũng như đồng minh.
Sức mạnh từ hệ thống phòng không Pantsir-S1 chính là sự kết hợp giữa pháo và tên lửa đem lại một lưới lửa dày đặc tầm thấp bảo vệ chắc chắn căn cứ trước sức tấn công của đối phương.
Hệ thống sử dụng radar bắt bám mục tiêu và theo dõi hai băng sóng 1RS2-1 có thể phát hiện mục tiêu ở cự ly 32-36km, theo dõi cách 24-28km với mục tiêu diện tích phản xạ radar 2m2.
Radar 1RS2-1 là thành phần đầu của hệ thống điều khiển hỏa lực, phần còn lại là kênh quang - điện với khí tài ảnh nhiệt và hồng ngoại.
Với hai kênh dẫn đường này cho phép Pantsir-S1 tấn công hai mục tiêu cùng lúc.
Pantsir S1 lắp đặt 12 ống phóng chứa tên lửa đất đối không 57E6 hoặc 57E6-E với tầm bắn tối đa 20km, độ cao bắn hạ 15km.
Ngoài ra còn có hai pháo tự động 2A38M cỡ 30mm có tốc độ bắn 2.500 phát/khẩu/phút, tầm bắn hiệu quả từ 20m tới 4km, độ cao từ 10m tới 3km.
Màn đạn dày đặc do pháo 30mm của hệ thống Pantsir-S1 bắn ra có thể nhanh chóng xé nát mục tiêu ngay trên không.
Với việc kết hợp cả pháo bắn tốc độ cao và tên lửa phòng không đánh chặn có khả năng diệt mục tiêu từ khoảng cách 20km, trần bay 15km.
Pantsir-S1 chính là mối đe dọa hàng đầu cho các mục tiêu bay hiện nay.