Mỹ có thể cung cấp 'xe tăng bay' A-10 cho Ukraine?

ANTD.VN -  Mỹ được cho là đang phát đi tín hiệu về việc có thể chuyển máy bay chiến đấu cho Ukraine, trong đó loại cường kích A-10 biệt danh "xe tăng bay" đã được nhắm tới.

Trang The Drive đưa tin, trong một sự kiện ngày 20/7, khi được hỏi về khả năng Washington chuyển cường kích "xe tăng bay" A-10 cho Ukraine đối phó Nga, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall không bác bỏ việc này.

Trước đó, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ Charles Q. Brown nói rằng, Không quân Ukraine sẽ bắt đầu "rời xa" các máy bay chiến đấu thời Liên Xô và dàn phi cơ kế tiếp không phải sản phẩm do Nga sản xuất.
Trong yêu cầu ngân sách gần đây nhất cho năm tài khóa 2023, Không quân Mỹ đề nghị cho 21 chiếc A-10 nghỉ hưu. Loại kích này đã hoạt động hiệu quả trong 20 năm qua nhưng Mỹ đang sở hữu các máy bay chiến đấu hiện đại hơn.
Khi được gợi ý về việc chuyển A-10 cho Ukraine, ông Kendall cho biết: "Tướng Brown đã nói về những tiêm kích nào mà Ukraine có thể quan tâm. Điều đó phụ thuộc phần lớn vào Ukraine nhưng các vũ khí cũ của Mỹ có thể là một khả năng. Chúng tôi sẽ sẵn sàng thảo luận với Ukraine về những yêu cầu của họ và cách chúng tôi có thể đáp ứng".
Tuần trước, các hạ nghị sĩ Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc phê duyệt tài trợ cho hoạt động đào tạo phi công máy bay chiến đấu của Ukraine trong một dự thảo của dự luật chính sách quốc phòng hàng năm cho năm 2023.

Phát biểu của 2 ông Kendall và Brown lần này đánh dấu sự đổi khác rõ rệt so với tuyên bố của các ông hồi tháng 3.

Lúc đó khi được hỏi về việc chuyển A-10 cho Ukraine, cả 2 ông đều nhấn mạnh Mỹ chưa có kế hoạch cụ thể, thậm chí chưa từng bàn bạc về khả năng này.

A-10 là loại chiến đấu cơ chuyên đánh mục tiêu mục đất đáng sợ nhất của Mỹ. Mặc dù ra đời đã lâu, nhưng những chiếc máy bay này vẫn rất hữu dụng và là bạn đồng hành đáng tin cậy của thủy quân lục chiến Mỹ.
Trong các cuộc chiến trước đây, Mỹ luôn điều động những chiếc A-10 bay trên đầu bộ binh để yểm trợ và tàn phá xe tăng cũng như công sự đối phương.
Điều làm cho A-10 trở thành đáng sợ chính là việc kết hợp giữa sức mạnh hỏa lực, khả năng bay chậm và bay thấp, đặc biệt là khả năng sống dai ngay cả khi bị bắn trúng.
Ra đời từ năm 1977, các cường kích cơ A-10 Thunderbolt II hay còn biết đến với biệt danh "lợn lòi" là một trong những loại máy bay cường kích đáng sợ nhất hiện nay trên thế giới.

Nhiều chuyên gia cho rằng sức mạnh của A-10 thậm chí còn vượt cường kích "xe tăng bay" Su-25 của Nga.

Quá trình sản xuất A-10 kéo dài từ năm 1972 tới năm 1984 thì kết thúc với hơn 700 chiếc được hoàn thiện.
Khác với nhiều loại máy bay được các nước đồng minh sử dụng như F-15, F-16, F-18, hiện nay chỉ có duy nhất không quân Mỹ đang vận hành những chiếc cường kích này.
Loại cường kích này nổi tiếng với khả năng yểm trợ chính xác, bọc thép tốt, mang được tới tối đa 7,2 tấn vũ khí tổng cộng bao gồm pháo, tên lửa, rocket và các loại bom.
Trong số đó khẩu pháo nòng xoay GAU-8/A cỡ nòng 30mm là một trong những vũ khí đáng sợ nhất.

Khẩu pháo 7 nòng này có khả năng bắn với tốc độ tối đa lên tới 3.900 viên mỗi phút. Tầm bắn hiệu quả của khẩu pháo này lên tới 3.600m.

Khẩu pháo của A-10 sử dụng cỡ đạn 30x173mm đủ khả năng để tấn công cả những phương tiện thiết giáp bọc thép của đối phương bao gồm xe thiết giáp chở quân, xe chiến đấu bộ binh hay thậm chí là chặt đứt xích xe tăng địch.

A-10 còn có khả năng mang một số lượng lớn tên lửa chống tăng như Hellfire, hay tên lửa không đối đất AGM-65.

Do chủ yếu hoạt động ở độ cao thấp, A-10 được thiết kế để có thể chịu được hư hại nặng gây ra bởi hỏa lực phòng không của đối phương, đặc biệt là pháo cao xạ và tên lửa tầm gần.
Nó được cho là có khả năng chịu hư hại gấp 10 lần các loại máy bay khác trong 1 số tình huống.

Trong chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 (1991), một chiếc A-10 bị trúng liên tiếp 4 phát đạn từ pháo phòng không 57mm. Trong đó 2 phát trúng đuôi, 1 phát nổ ngay trước mũi máy bay, 1 trúng vào cánh phải và gây kích nổ cho quả tên lửa đối không Sidewinder gắn ở đó.

Tổng cộng chiếc A-10 có 378 lỗ thủng trên thân, trong đó 17 lỗ ngay dưới buồng lái. Tuy vậy, viên phi công vẫn bình yên vô sự và có thể hạ cánh an toàn.

Có được khả năng này nhờ buồng lái của A-10 được bọc 1 lớp titan dày gần 4 cm giúp bảo vệ phi công khỏi hỏa lực phòng không từ mặt đất.
Năm 2015, một chiếc A-10 đã bị tấn công ít nhất bằng 4 quả tên lửa phòng không vác vai SA-7 từ các tay súng IS, trong cuộc không kích vào một căn cứ địa của IS gần thành phố Mosul, miền Bắc Iraq, tuy nhiên không hiểu bằng cách nào nó vẫn lết về được căn cứ và phi công bình an vô sự.
Chính nhờ khả năng sống dai này mà A-10 tiếp tục tung ra những đòn vũ bão vào khủng bố IS trong cuộc chiến chống lực lượng này của Mỹ tại chiến trường Syria và Iraq trong những năm vừa qua.