Leng keng tàu điện Bờ Hồ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tiếng chuông leng keng, tiếng rít của bánh sắt trên đường ray là những âm thanh ký ức mà có lẽ một lớp người Hà Nội không thể nào quên...

Ngày xửa ngày xưa

Những năm đầu giải phóng Thủ đô, giao thông Hà Nội chủ yếu là tàu điện và xe đạp. Hệ thống tàu điện Việt Nam được người Pháp xây dựng từ những năm 1900 và ở Đông Dương lúc bấy giờ mới chỉ có 2 đường tàu chạy trong thành phố là Sài Gòn và Hà Nội. Ở Hà Nội bến chính tàu điện đặt ở hồ Hoàn Kiếm (đối diện tòa nhà “hàm cá mập” bây giờ, lúc đó người ta quen gọi là văn phòng bến tàu điện Bờ Hồ) rồi tỏa đi 5 tuyến đường. Tuyến 1: Hồ Hoàn Kiếm - chợ Mơ. Tuyến 2: Hồ Hoàn Kiếm - Thụy Khê - Bưởi. Tuyến 3: Hồ Hoàn Kiếm - Cầu Đơ - Hà Đông. Tuyến 4: Hồ Hoàn Kiếm - Cầu Giấy. Tuyến 5: Yên Phụ - Bệnh viện Bạch Mai. Trước năm 1954, đường ray tàu điện đặt chìm ở những tuyến đường nội thành, ra khỏi phạm vi phố Huế, Quán Thánh, Thái Hà, Kim Mã, Hàng Than thì ray mới nổi trên mặt đường như ray tàu hỏa.

Hồi ức về tàu điện hằn sâu trong mỗi người Hà Nội, trong đó có tôi. Quên làm sao được những sáng sớm mùa đông giá rét, tay ôm cặp sách ngồi thu lu trong góc toa nhai mẩu bánh mì, mắt nhìn qua cửa sổ, mưa giăng giăng hắt những hạt nước lạnh buốt lên người. Từ xa, vài người co ro trong tấm áo bông sờn cũ đứng chờ, rồi vội vã bước lên khi tàu tới bến. Ngày ấy, sáng nào tôi cũng phải dậy từ 5h, nghe tiếng chuông tàu leng keng từ xa vọng lại là quàng vội dây đeo cặp sách qua vai, rồi ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh cho kịp chuyến. Đây là chuyến sớm nhất, vì vậy khách lên tàu cũng vắng, chỉ có vài bà buôn rau quả từ Hà Đông đi các chợ. Muốn đến trường tôi phải chuyển bến, tức là tới hồ Hoàn Kiếm sẽ sang tàu khác đi tiếp. Vì thế sợ nhất những đận phải chờ đợi ở bến tránh tàu, có khi 30 phút tàu mới đến nơi. Lâu nhất vẫn là bến tránh hồ Hoàn Kiếm. Khi con tàu uốn mình từ phố Hàng Gai vào bến chính thì đã có 4 - 5 đoàn tàu tránh nhau tỏa đi các hướng: Bờ Hồ - Chợ Mơ, Đồng Xuân - Bưởi…

Đến lúc ấy thì trời đã sáng bạch, không khí bến tàu nhộn nhịp, đông đúc vô cùng. Người lên, kẻ xuống, gồng gánh rau cỏ, gà vịt, mây tre đan. Ồn ào nhất là cánh quà hàng rong, đầu đội thúng, tay xách làn, họ nhảy cả lên các toa nhao nhao mời chào, rao bán với đủ các âm hưởng: “Xôi lạc vừng đê…ê…ê”, “Bánh khúc, bánh chưng nóng đê…ê…ê”, “Ai bánh mì chả nào… ai giầy giò nào…”.

Quãng thời gian chờ tránh tàu còn là cơ hội cho mấy bác bán thuốc dạo. Ngồi trong toa, lòng tôi như lửa đốt chỉ sợ nhỡ giờ học. Ấy vậy lại còn phải nghe một ông đầu đội mũ phớt, mắt đeo kính râm, miệng rao như súng liên thanh: “Nào các vị ai hôi nách, hắc lào, sâu răng chỉ cần một gói gia truyền khỏi ngay. Các vị mua 1 - 2 gói cho người nhà dùng thử, nếu khỏi lại gặp tôi tại bến tàu này mua thêm…”. Rồi ông ta đi dọc toa tàu, gí cái gói đen đen bọc trong giấy báo vào tay từng người chèo kéo. Lúc sau, trên tàu lại xuất hiện thêm 2 ông cháu hát xẩm. Đứa bé gái chừng 10 tuổi quần áo rách rưới dắt tay ông già mù đeo kính đen vai khoác chiếc nhị. Họ tiến vào giữa toa rồi tiếng nhị bắt đầu nỉ non những bài quen thuộc mà tôi nghe phát chán tai, nẫu lòng những lần chờ tàu.

Tàu điện chạy từ phố Hàng Ngang ra Bờ Hồ năm 1972

Tàu điện chạy từ phố Hàng Ngang ra Bờ Hồ năm 1972

Dạo qua ký ức

Ngay khi tiếng leng keng báo hiệu tàu vào bến, ai nấy đều sốt ruột nhìn ra ngoài và lập tức sẽ thấy đoàn tàu gồm 3 toa từ phố Hàng Đào đang uốn lượn vào bến. Lúc ấy, bác lái tàu từ trong bến bước ra nhảy lên đầu toa tra chiếc chìa khóa đồng to bằng cổ tay đứa trẻ vào ổ máy rồi xoay số 1, tay trái bác quay một vòng vô lăng tròn có chuôi cầm. Các bánh xe điện bắt đầu miết xuống đường ray làm rít lên những âm thanh chói tai. Tàu từ từ rời bến.

Do thường ngồi toa trên cùng gần đầu máy, tôi có thể quan sát được cách bác lái tàu làm việc. Tàu điện không thiết kế ghế ngồi cho người lái, họ phải đứng để quan sát qua cửa kính đằng trước. Bàn chân bác lái tàu luôn đặt trên chiếc chuông dưới sàn, tiếng leng keng liên tục phát ra để báo hiệu cho người đi trên đường biết mà tránh. Khi tàu chuyển bánh được một lúc thì người bán vé sẽ bắt đầu làm nhiệm vụ. Thường đó là một thanh niên trẻ với chiếc cặp vé bằng da bết mồ hôi, trong đó đựng các tập vé nhỏ bằng 2 đầu ngón tay. Tôi móc trong túi lấy ra đồng 5 xu, còn anh xé chiếc vé giúi vào tay trong lúc quay sang cười tít với cô gái buôn hàng xuống chợ.

Tàu điện qua chợ Đồng Xuân

Tàu điện qua chợ Đồng Xuân

Tàu điện gắn liền với nhiều kỷ niệm của người Hà Nội. Trong ấy có cả những người nổi tiếng và kẻ bình dân. Bà Sáu năm nay đã ngoài 80 tuổi, từng có hơn 30 năm ngồi tàu điện để đi đổ buôn ốc nhồi cho các mẹt bún ốc chợ Đồng Xuân, Bắc Qua. 60 năm trước, từ tờ mờ sáng, cô Sáu đã gánh hàng từ Hà Đông qua Cầu Đơ để đợi chuyến tàu sớm nhất.

Hai chiếc thúng đầy ắp ốc nhồi đựng trong bao tải, bên trên là những bó dọc mùng để che mắt mấy ông bán vé. Là bởi hồi ấy tàu điện cấm chở gia cầm và các đồ tôm cua, cá, ốc…

Ngày nào cũng đi từ Hà Đông ra Hà Nội, qua bến hồ Hoàn Kiếm rồi chuyển tàu đi đổ hàng ở chợ Đồng Xuân, Bắc Qua, sau đó lại tiếp tục lên Thụy Khuê, Bưởi, nên bà nhớ rõ từng bến tránh tàu. Đến giờ, hơn nửa thế kỷ qua đi, bà Sáu vẫn còn nhớ tên từng bác lái tàu, từng anh soát vé có nụ cười đa tình mà giờ đã thành ông lão, hoặc giả đã là người thiên cổ.

Bến tàu điện bên hồ Hoàn Kiếm

Bến tàu điện bên hồ Hoàn Kiếm

Cựu nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành hồi ấy ở phố Đinh Tiên Hoàng, cách phở Thìn chỉ 2 căn nhà. Ông bảo, ngày nào tàu điện cũng chạy qua nhà ông từ sáng tinh mơ đến tận đêm khuya. Cái tiếng chuông leng keng kèm tiếng rít của bánh sắt trên đường ray là những âm thanh thi thoảng lại gợi nhớ.

Tiếng leng keng ấy như một chiếc đồng hồ báo thức vào mỗi sáng để ông đi bộ sang bên kia hồ tập thể dục, sau đó ngồi trên ghế đá ngắm con tàu từ Hàng Bài chạy qua. Những đứa trẻ vai đeo hộp gỗ chứa phích kem bên trong cứ bám vào thành tàu nhảy lên thoăn thoắt và mất hút và trong toa, chỉ còn tiếng rao vọng lại: “Ai kem đê… Kem đậu xanh, kem cam, kem chanh đê…”. Đó là một thước phim sống động mà không nhà làm phim nào có thể tả thực hơn ký ức.

Tin đọc nhiều