“Cinema thùng” và những ký ức ấu thơ trên bến tàu điện Bờ Hồ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hồi những năm mới giải phóng Thủ đô, bến tàu điện hồ Hoàn Kiếm trước cửa tòa nhà “hàm cá mập” ngày nay có mấy rạp chiếu bóng lưu động mà chúng tôi hay gọi là “Cinema thùng”. Hình ảnh, ký ức về những rạp chiếu bóng lưu động ấy cho đến giờ vẫn còn in đậm dấu ấn mờ ảo của tuổi học trò.
Hai cậu bé xem “Cinema thùng” trên phố

Hai cậu bé xem “Cinema thùng” trên phố

Lạ lẫm “Cinema thùng” ở hồ Hoàn Kiếm

Khoảng những năm 1956-1957, tôi còn đang theo học trường Trung học Nguyễn Huệ ở phố Trần Nhật Duật. Hễ cứ trong túi rủng rỉnh tiền là lại chạy ra “Cinema thùng”. Ngày đó, chỗ bến xe điện tránh nhau ở hồ Hoàn Kiếm có khoảng 3 rạp “Cinema thùng” của 3 ông chủ ngồi sát nhau. Rạp chiếu phim lưu động thùng có dáng dấp giống như một… chiếc quan tài. Nhưng nó không phải bằng gỗ mà là tôn, dài khoảng 1,5m, rộng gần 1m, được kê cao lên độ 2 gang tay để khách ngồi vừa tầm mà xem phim. Mỗi bên “quan tài tôn” có bốn lỗ tròn nhô ra ngoài chừng chục phân vừa con mắt khách xem. Màn hình trong thùng cũng chỉ bằng quyển vở học sinh. Ghế ngồi là loại ghế gấp bằng 3 miếng vải bạt ghép kiểu các ông thợ cắt tóc dạo hay mang theo. Chủ rạp đồng thời là thợ chiếu phim, vừa là thuyết minh viên.

Đã hơn 60 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh ông chủ rạp này. Ông dáng gầy, cao lêu nghêu, tóc để dài đến gáy, suốt mấy tháng mùa hè chỉ độc bộ quần áo bà ba đen, đến mùa đông thì đánh thêm chiếc áo vét cũng màu đen sờn cổ, đầu đội chiếc mũ phớt dạ tím than. Khách hàng phần đông là lũ con trai choai choai như tôi, thi thoảng có một vài người lớn tuổi dáng thợ thuyền, họa hoằn thì vài bác nông dân dưới quê lên Hà Nội ngắm phố thấy lạ cũng ghé xem phim.

Khách xem đưa một hào được nhận ngay chiếc tích kê đánh số 1-2-3-4. Có tích kê ô cửa nào thì lập tức ô cửa đó được mở, nhìn vào trong thấy tối om om. Khi cả 2 bên ô cửa đều có khách xem thì máy quay phim bắt đầu chạy xè xè, đèn trong thùng chiếu phim bật sáng, lúc này mới nhìn thấy màn hình trắng to bằng quyển vở học sinh.

Giọng thuyết minh của ông chủ rạp bắt đầu cất lên, lúc trầm lúc bổng, thi thoảng lại la hét theo nhân vật tuỳ theo diễn biến trong phim. Đám choai choai chúng tôi đều rất hồi hộp mỗi khi ông cất tiếng: “Cuộc rượt đuổi bắt đầu! Cao bồi Texas phi ngựa quăng dây. Từ trên khe núi, thổ dân da đỏ đông nghịt, chúng bắn tên xuống như mưa. Úi chà! kinh khủng quá! Người, ngựa, cao bồi da trắng chết như ngả rạ… Xem này, từ trên triền núi, thổ dân da đỏ tay dao, tay cung la hét đổ xuống thung lũng bao vây đoàn người da trắng. Cuộc tàn sát đẫm máu bắt đầu…”.

Ông chủ rạp lúc đóng vai thổ dân da đỏ, khi thì la hét thúc binh sĩ của chỉ huy da trắng khiến chúng tôi như đang xem một trận chiến ác liệt trên vùng sa mạc Texas. Tiếng máy quay vẫn xè xè, trên màn hình cuộc chiến ác liệt vẫn tiếp diễn, đôi bên đều có người chết. Máu me, súng ống, người ngựa nằm la liệt. Đang đến hồi gay cấn thì bỗng máy tắt phụt, màn hình tối đen, giọng thuyết minh thản nhiên: “Mời các bạn xem tiếp phần 2”.

Bến xe điện Bờ Hồ năm 1952

Bến xe điện Bờ Hồ năm 1952

Dư âm của bộ phim làm tan cơn đói

Phim mới chiếu chừng 15 phút, cuộc chiến giữa thổ dân da đỏ và cao bồi Texas bên nào giành chiến thắng? Tôi tần ngần rời khỏi ống nhòm phim thùng, bụng vẫn còn thèm thuồng tiếc nuối, cảm giác mới ăn được một nửa món quà ngon. Nhưng mà hết tiền rồi, sáng nay mẹ cho chỉ có ngần ấy. Nếu muốn xem phần 2 lại phải mua thêm tích kê. Đứng ngơ ngẩn một lúc cho đỡ cơn… thèm, chợt nghe tiếng thuyết minh của một máy quay ngay cạnh chỗ tôi đứng chừng 3m. Giọng thuyết minh của vị này mới hấp dẫn làm sao. Tiếng vang to, khi thì rủ rỉ mượt mà, lúc lại gay cấn ở những pha nguy hiểm.

Trước mặt tôi là mặt hồ xanh phẳng lặng mà cứ như thể đang trên thảo nguyên nước Mỹ. Có điều rất lạ là ông chủ “Cinema thùng” không hề ngó vào màn hình nhưng vẫn đọc vanh vách tên nhân vật và diễn biến hình ảnh trong phim từ đầu đến cuối, khớp đến từng chi tiết, như thể có mắt thần nhìn xuyên thấu qua chiếc thùng tôn. Miệng nói liến thoắng trong khi ánh mắt ông ta lơ đãng, tay vẫn quay đều chiếc cần máy chiếu khiến cho nó kêu xè xè. Tôi ngạc nhiên cực độ. Làm thế nào mà ông chủ rạp không cần nhìn vào màn hình mà vẫn nhận ra từng nhân vật trong phim, nhất là ở những đoạn giao chiến ác liệt, liên tục thay hình đổi cảnh?

Tôi tiến sát đến chỗ ông ta đang ngồi trên chiếc ghế gỗ cao, trước mặt là chiếc máy chiếu phim nhỏ bằng hộp bánh bích quy, có một ống kính đen chui tọt vào thùng “quan tài tôn”, trên chiếc máy có 2 đĩa bằng kim loại to bằng chiếc đĩa ăn cơm, bên trong có cuộn phim nhựa loại 8 ly. Hóa ra thi thoảng ông ta lại liếc mắt qua những đoạn phim nhựa đang chiếu để khi thì hùng hồn, lúc lại la hét mấy nhân vật đang trên màn hình nhỏ xíu.

Khác hẳn ông chủ “Cinema thùng” tôi vừa xem lúc nãy, vị này béo lùn, luôn tươi cười vồn vã với đám khách hàng choai choai đang xúm quanh để chờ đến lượt vào “rạp”. Ông ta mặc chiếc áo kaki nhà binh, trên đầu lại đội chiếc mũ nồi đen kiểu lính nhưng đã cắt dải tua đằng sau khiến trông như một tay lính thuộc địa. Ông ta có mấy chiếc răng vàng hàm trên, mỗi lần toét miệng cười lại lóe lên thứ ánh sáng kì dị khiến lũ trẻ đâm tò mò. Lúc ấy tôi cho rằng những người có nhiều răng vàng chắc hẳn phải giàu có lắm.

Bến tàu điện giờ này chưa có tàu tránh, mấy cậu choai vai đeo thùng kem trong lúc chờ khách cũng đang đứng chầu hẫu tay cầm tích kê. Có 2 cậu choai khác đang ngồi trên thùng kem bằng gỗ, mắt nhòm qua ống tôn tròn say sưa xem phim. Dân bán kem dạo có kinh nghiệm, ngồi trên thùng kem xem sướng hơn, vừa tầm mắt, lại bảo quản được “tài sản”. Bởi cũng đã có thằng mải xem phim để thùng kem bên cạnh, khi phim kết thúc thì thùng kem cũng biến mất. Từ xa tiếng leng keng tàu điện vọng lại khiến tôi giật mình.

Xe đạp, xích lô đi lại tấp nập. Các toa tàu điện từ phố Hàng Đào đang uốn lượn tìm đường vào bến. Mấy thằng nhỏ vai đeo thùng kem vội rời chốn màn bạc thần tiên để nhẩy vội lên tàu: “Ai kem đê… kem đậu xanh, kem dừa, kem cốm 2 xu một que đê…”.

Tôi lên tàu tìm ghế ngồi nhưng đã kín chỗ đành đứng với lên tay vịn. Mọi ngày vào giờ này tôi đã phải có mặt ở nhà và đang ngồi trước mâm cơm trưa, nhưng hôm nay vì ham điện ảnh nên về trễ. Tàu điện chạy như rùa, cứ đi một đoạn lại dừng ở ga tránh. Đã quá giờ cơm mà bụng tôi vẫn còn… no. Có lẽ dư âm về cuộc chiến trong phim đã làm tan cơn đói từ lúc nào. Thêm nữa, trong đầu tôi chỉ còn những ý nghĩ làm cách nào để có thể xem tiếp những phần sau của bộ phim mà ông chủ rạp đã quảng cáo còn gay cấn hơn phần 1.

Trước khi xuất hiện tại Hà Nội, “Cinema thùng” đã xuất hiện tại Sài Gòn

Trước khi xuất hiện tại Hà Nội, “Cinema thùng” đã xuất hiện tại Sài Gòn

Trốn học đi xem 2 phim mà vẫn... thèm

Sáng hôm sau tôi vào lớp muộn. Thằng bạn ngồi bên cạnh quay sang hỏi bài tập thì tôi mới giật mình. Hóa ra do trưa qua xem phim Bờ Hồ về muộn, ăn cơm xong tôi ngủ đến chiều mới dậy quên cả làm bài. Cuối cùng khi thầy kiểm tra bài thì tôi được… 2 điểm.

Trưa, để có thêm chiến hữu đi cùng cho vui, tôi rủ thêm thằng bạn tên Quý đi xem “Cinema thùng”. Tôi và Quý thân nhau, khi tan học thường cùng về. Lần đó chúng tôi chuyển sang “rạp” ông răng vàng do ông này có vẻ vui tính hơn, lại thuyết minh hay. Bộ phim ông giới thiệu sắp công chiếu làm chúng tôi đứng ngồi không yên bởi tiêu đề cực hấp dẫn” “Tarzan nổi giận”.

Sau lần đó, tôi với thằng Quý thi thoảng lại tìm đến “Cinema thùng”, lâu dần thành nghiện, thậm chí nhiều buổi còn trốn học đi xem 2 phim liền mà vẫn thòm thèm. Giờ chúng tôi đã thành khách quen. Ông chủ răng vàng mỗi khi thấy 2 đứa tôi xuất hiện là lại niềm nở giới thiệu đủ loại phim cao bồi rồi kiếm hiệp hấp dẫn mới nhập về. Do mê mẩn “Cinema thùng”, cuối năm học ấy tôi và Quý xếp gần đội sổ. Buồn nhất là trong học bạ thầy giáo phê: “Học lực kém, hay nghỉ học không xin phép. Cần cố gắng nhiều hơn nữa”.

Tin đọc nhiều