Tại thời điểm có nhu cầu lớn nhất vào năm 2022, khí tự nhiên hóa lỏng đã trở thành "sự cứu rỗi" đối với châu Âu. Mặc dù vậy, hiện nay loại năng lượng này lại trở thành điểm yếu mới của họ.
"Tin tốt đối với EU là tình trạng nguy hiểm này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, mặc dù có vẻ sẽ không biến mất cho đến mùa đông năm sau", chuyên gia thị trường hàng hóa của hãng tin Bloomberg - ông Javier Blas đưa ra nhận xét
Ưu điểm lớn nhất của LNG là khí được làm lạnh rất nhanh để nạp lên tàu vận tải và đi khắp thế giới tương tự như dầu thô. Cách làm này mang lại khả năng cung cấp năng lượng cho những nơi xa xôi nhất trên thế giới, những địa điểm mà đường ống không thể vươn đến.
Chính vì vậy, châu Âu có thể nhận được khí đốt từ nhiều nhà cung cấp khác nhau như Mỹ, Qatar, Australia, Nigeria... Nhược điểm là mọi khách hàng trên thế giới đều làm được điều tương tự, đó là tìm nguồn cung từ bất cứ đâu, từ đó làm tăng sự cạnh tranh do thiếu hụt.
Việc nhiều nước tranh giành để mua LNG dễ dàng nhìn thấy trên thị trường ngày nay, khi mức giá chuẩn tại châu Âu gần đây đã tăng lên giá trị cao nhất trong gần 6 tháng - tới hơn 400 USD/1.000 m3.
Mặc dù mức giá nói trên đối với mặt hàng khí đốt cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm 2024 nhưng vẫn chỉ là một phần nhỏ so với đỉnh điểm hơn 3.000 euro ghi nhận vào tháng 8 năm 2022.
Nhiều nước châu Á đã mua gần hết lượng nhiên liệu mà bên sản xuất đưa ra thị trường. Kết quả là châu Âu hiện nhập khẩu ít LNG hơn so với năm 2022 và 2023. Mới đây khối lượng khí hóa lỏng đến EU đã giảm xuống mức thấp nhất vào thời điểm này trong năm, kể từ đại dịch.
Như vậy cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu vẫn chưa kết thúc. Đối với EU, giai đoạn mùa đông 2024 - 2025 có thể sẽ là thời điểm khó khăn nằm ngoài dự đoán lạc quan.
Nhưng dự kiến từ năm 2026, nhiều dự án mới sẽ được triển khai, đặc biệt là ở Qatar và Mỹ, từ đó làm giảm sự cạnh tranh toàn cầu về nguồn cung hàng hóa. Nhưng hiện tại, thị trường LNG sẽ vừa là sự cứu rỗi, vừa là nguồn gốc gây nguy cơ lớn cho Cựu lục địa.
Đối diện thực trạng trên, Cơ quan hợp tác điều tiết năng lượng châu Âu (ACER) cho biết, EU vẫn cần nhập khẩu LNG từ Nga, bất chấp sự phản đối của một số quốc gia trong khối, bởi điều này sẽ giúp tránh được một "cú sốc năng lượng".
Cần lưu ý đến thực tế là Moskva hiện đứng thứ hai về nguồn cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu, đứng sau nước Mỹ, trong khi Qatar chỉ đứng ở vị trí thứ ba.
Đại diện của ACER cho biết thêm, những nỗ lực nhằm hạn chế mức nhập khẩu LNG kỷ lục của Nga vào EU “cần được thực hiện một cách thận trọng”.
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia năng lượng, EU cần phải giảm dần nguồn cung từ Liên bang Nga, bởi vì dòng khí đốt qua đường ống sẽ gần như bị chấm dứt vào cuối năm nay.
Ngoài ra ACER cũng bày tỏ quan ngại về mong muốn của một số thành viên EU đó là tạm thời hạn chế nguồn cung khí đốt từ Nga, do vậy họ ủng hộ bước đi mới nhất của Mỹ nhằm chặn việc Moskva có thể tiếp tục đưa LNG tới tay khách hàng.
Tuy nhiên ACER gọi bước đi như trên là bất cẩn bởi vì chúng có thể gây tổn hại đến các hợp đồng dài hạn, trong đó việc vi phạm sẽ dẫn đến khoản tiền phạt khổng lồ mà những công ty châu Âu phải đối mặt.