Khi “sát thủ” nhận là em... Lê Văn Luyện!

ANTĐ - Thú tính nổi lên, “sát thủ” Lê Tuấn Anh, SN 1995 ở xã Quảng Châu, Quảng Xương, Thanh Hóa đã giết em Nguyễn Thị Bích Ngọc, SN 1995, hiếp sau đó ném xác xuống sông phi tang. Vụ án mạng khiến nhiều người bàng hoàng, phẫn nộ. Càng phẫn nộ hơn, khi hung thủ thản nhiên nói rằng vì mình “là em họ của Lê Văn Luyện nên phải làm gì đó”. Hầu hết bạn đọc có chung đề nghị cần nâng hình phạt tử hình đối với những tội phạm kiểu này, cho dù chúng ở độ tuổi vị thành niên.

Nhiều người lo ngại tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng trong thanh thiếu niên

Tội phạm trẻ ngày càng manh động và man rợ

Gửi lời “chia buồn cùng gia đình nạn nhân, cầu mong linh hồn em Bích Ngọc sớm được siêu thoát”, bạn đọc Nguyễn Văn Long cho rằng: “Tên này có lẽ bị tâm thần nặng nên mới coi Lê Văn Luyện là thần tượng. Đúng là điên khùng! Nên loại bỏ tên này ra khỏi xã hội ngay”.

Lý giải hiện tượng trẻ vị thành niên phạm tội hết sức man rợ là “do bọn chúng biết mình không đủ 18 tuổi có vi phạm pháp luật thì cũng được giảm án” - bạn đọc Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh: “Để bọn như thế này sống khi ra tù chắc chắn một điều là sẽ càng nguy hiểm hơn cho xã hội”.

“Thằng này phải loại bỏ khỏi xã hội càng sớm càng tốt. Bị bắt mà còn ung dung nói ra những câu man rợ như vậy. Nếu để nó tự do ngoài đời thì không biết bao nhiêu con người lương thiện rơi vào tay kẻ man rợ này. Mong pháp luật Việt Nam trả lại sự công bằng cho gia đình bị hại” - bạn đọc Vutrikien đề nghị.

“Tên khốn kiếp này biết nó không thể bị tử hình nên nó càng hống hách như thế. Xã hội mà có nhiều sát thủ máu lạnh như nó, thì sẽ càng có nhiều người vô tội bị chết oan” - bạn đọc Kim Long bức xúc nêu quan điểm.

Tăng hình phạt với tội phạm vị thành niên là tất yếu

“Tôi đồng ý với ý kiến sửa luật. Chỉ cần phạm tội giết người một cách dã man hay có mục đích thì bắn bỏ cho dù là 16 hay 18 tuổi cũng vậy thôi. Có như vậy xã hội mới trong sạch được!” - bạn đọc Le Linh đanh thép khẳng định.

“Hàng ngày thấy những tin hiếp, giết nhiều như vậy thì những nhà làm luật, những người có trách nhiệm xây dựng luật cho nhà nước cảm thấy như thế nào?” - bạn đọc tên Trung đặt câu hỏi rồi khẳng định: “Nếu không gấp rút, nhanh chóng sửa đổi luật thì xã hội này sẽ ra sao đây? Hiện nay hình phạt của pháp luật chưa đủ sức răn đe, cộng với chính sách khoan hồng thì phạm tội hiếp, giết cũng chỉ phải đi tù một thời gian thôi. Pháp luật cần có hình phạt nghiêm trị bất kỳ ai kể cả người lớn đến trẻ em (không giới hạn tuổi)”.

 “Rồi chúng ta còn chứng kiến nhiều vụ “có họ hàng với Lê Văn Luyện” nữa, vì chúng rất hiểu là chúng chưa đủ 18 tuổi nên không bị tử hình, chúng còn coi tù là nơi mà chúng không phải lo về bát cơm manh áo, lúc nào cũng có người canh gác bảo vệ mình nữa!” - bạn đọc Trần Văn Thọ đưa ra cảnh báo và đề nghị: “Nhà nước cần xem lại luật để dân chúng được bình yên”.

Khẳng định “pháp luật nhân văn là đúng”, nhưng bạn đọc ký tên Fresh cho rằng: “Cần có quy định cho những trường hợp đặc biệt, không thể dung tha cho những kẻ như thế này được”.

Trong khi đó, bạn đọc Mai Đức Vinh đặt câu hỏi không dễ trả lời: “Xin hỏi vị chuyên gia rằng 1 tội phạm 17 tuổi 11 tháng 29 ngày (không bị xử tử hình) với 1 tội phạm vừa tròn 18 tuổi (có thể bị tử hình) thì cái gọi là nhận thức đúng đắn nó “chuyển biến” ra sao, chẳng lẽ chỉ trong 1 ngày đó mà “ác tâm” thành “thiện tâm” nhanh đến vậy???”.

Có vẻ như việc xem xét sửa đổi, tăng nặng hình phạt với tội phạm vị thành niên ngày càng được nhiều người đề cập hơn. Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin mượn bình luận về “tính nhân văn” của bạn đọc Hoàng Dũng: “Các chiến sĩ ra mặt trận tiêu diệt kẻ thù để giữ bình yên cho Tổ quốc. Vậy nếu ta tha cho kẻ thù thì liệu có còn hòa bình nữa không? Những kẻ tàn ác man rợ như vậy nếu chúng ta tha hoặc xử nhẹ thì những người dân tốt bụng luôn nơm nớp trong lo sợ. Vậy thì đâu còn hòa bình, đâu còn nhân văn. Hãy nhanh chóng sửa luật để trừng trị thích đáng những “ác thú” này cũng là thể hiện tính nhân văn đó”.