Cấm quảng cáo sữa - Ác mộng giá vẫn ám ảnh

ANTĐ - Phải gọi đúng tên là ác mộng, cơn ác mộng đang diễn ra trong đời sống một cách phi lý. 

Trong lúc giá sữa nguyên liệu trên thế giới đang giảm đến 50%, trong khi Chính phủ đang thi hành nhiều chính sách để có thể giảm giá sữa, trong đó có quy định cấm quảng cáo, khuyến mại các mặt hàng sữa dành cho trẻ em, đáng lẽ giá sữa phải giảm, thì đột nhiên từ đầu tháng 5-2015, hàng loạt các loại sữa thiết yếu dành cho trẻ em tăng giá. Các bà mẹ trẻ ngơ ngác. Sao vậy? Tại sao mọi chính sách đều bất lực với các doanh nghiệp kinh doanh sữa? Tại sao những doanh nghiệp vẫn có thể kiếm lợi nhuận cực cao trên những cơ thể nhỏ bé của trẻ em?

Giảm chi phí quảng cáo ư? Đừng mơ giảm giá sữa!

 Nghị định 100/2014 quy định cấm doanh nghiệp (DN) quảng cáo khuyến mãi sữa dành cho trẻ dưới 2 tuổi với mọi hình thức. Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu từ ngày 15-4 các DN phải đăng ký lại giá sữa dành cho trẻ dưới 2 tuổi sau khi loại chi phí quảng cáo ra khỏi cơ cấu giá. Tuy nhiên, đến hôm nay thị trường chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá sữa cho trẻ dưới hai tuổi sẽ giảm, các cửa hàng cũng chưa nhận thông tin nào liên quan đến việc giảm giá từ các DN. Ngược lại, một số DN còn bất ngờ thông báo tăng giá.

Các cửa hàng đều cho biết trước khi có Nghị định cấm quảng cáo sữa cho trẻ dưới hai tuổi và trước khi thực hiện áp giá trần thì khi nào doanh nghiệp sữa ra sản phẩm mới, giá đều cao hơn sản phẩm cũ. Dĩ nhiên, cái cớ để tăng giá là thay đổi bao bì, nhãn hiệu hoặc bổ sung thêm hoặc điều chỉnh tỷ lệ một vài vi chất như DHA, ARA, canxi calcium, vitamin D3…

Cấm quảng cáo sữa - Ác mộng giá vẫn ám ảnh ảnh 1

Ảnh minh họa

Một vài hãng sữa lại chọn cách thay đổi độ tuổi của dòng sữa để tăng giá. Hãng Mead Johnson đã ra sản phẩm mới cách đây hơn 2 tháng và cùng với đó thay đổi luôn phân chia độ tuổi dành cho trẻ.

Cụ thể, nếu trước đây dòng sản phẩm Enfamil A+3 Brain Plus dành cho trẻ từ 1-3 tuổi, thì nay chỉ dành cho trẻ từ 1-2 tuổi. Còn nếu trẻ từ 3 tuổi trở lên sẽ chuyển sang dùng bước số 4. Đối với các dòng sữa Enfamil 360 độ Brain Plus bước số 3 dành cho trẻ từ 1-3 tuổi, các đại lý đều báo “đã hết hàng”.

Khi hỏi về sự khác nhau giữa 2 dòng sản phẩm “song sinh” nhưng khác về sự phân chia độ tuổi, nhân viên quầy sữa siêu thị trên giải thích là dòng Enfamil 360 độ Brain Plus mới thay đổi độ tuổi sẽ thay thế dần dòng Enfamil 360 độ Brain Plus ra mắt cách đây gần 1 năm. Quan sát đối chiếu công thức sữa bao bì mới loại dành cho trẻ từ 1-2 tuổi và bao bì cũ (loại dành cho trẻ 1-3 tuổi), dễ dàng nhận thấy sản phẩm mới không hề có đột phá, khác biệt nào về công thức. Cơ bản, hàm lượng các thành phần không thay đổi hoặc có thay đổi không đáng kể. Cùng với sự thay đổi độ tuổi, giá bán cũng cao hơn trước.

Đơn cử, giá mỗi hộp sữa Enfamil A+3 Brain Plus dành cho trẻ từ 1-2 tuổi có giá bán hiện tại là 424.000 - 429.000 đồng/hộp 900 gram, thì giá trước đây loại này dành cho trẻ từ 1-3 tuổi giá chỉ là 370.000 -380.000 đồng/hộp 900 gram tùy đại lý thêm khoảng 50.000 đồng/hộp. Hay như tại Siêu thị Lotte Mart (Tây Sơn - Hà Nội), dòng Enfagrow A+4 Brain Plus mới dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên giá bán 403.000 đồng/hộp 900 gram thì giá bán loại cũ dành cho trẻ từ 3 tuổi trở lên, giá bán chỉ là 371.000 đồng/hộp.

Kiếm lợi nhuận bằng mọi cách

Cấm quảng cáo sữa - Ác mộng giá vẫn ám ảnh ảnh 2

Tất nhiên, mục đích kinh doanh của DN là tìm kiếm lợi nhuận. Việc doanh nghiệp lách luật (nhưng không vi phạm luật) bằng cách tung ra sản phẩm mới có giá cao hơn sản phẩm cũ là điều hợp pháp. Để̉ đảm bảo lợi nhuận của mình, doanh nghiệp có cách để đưa ra cấu trúc giá mới để kể cả siết theo quy định thì mức giá mới không thấp hơn giá cũ bao nhiêu. Giá sữa tiếp tục tăng chứng tỏ các biện pháp quản lý giá của cơ quan quản lý Nhà nước chưa hữu hiệu, tác dụng thấp. Không dễ để xác minh là DN có hưởng lợi nhuận cao cho dù chi phí quảng cáo không được tính vào giá thành sữa.

Theo cung - cầu thị trường, quảng cáo sẽ tạo sự chú ý của người tiêu dùng nhiều hơn, doanh thu sẽ tăng lên và khi trừ đi chi phí quảng cáo rồi DN vẫn bảo đảm lợi nhuận khá hơn so với không quảng cáo. Nay quảng cáo không được phép nữa, sức cầu sẽ giảm kéo theo doanh thu cũng giảm tương ứng.

Để bảo đảm mức lợi nhuận như cũ, giá bán sản phẩm khó có thể điều chỉnh giảm xuống. DN  có thể dùng nguồn lực quảng cáo này để đầu tư vào các hoạt động sinh lợi nhuận khác tùy theo các cơ hội kinh doanh tiềm năng mà họ có thể tìm thấy. Việc bắt các DN  giải trình chi phí với cách làm theo kiểu ra văn bản yêu cầu giải trình… thì DN cũng có quá nhiều cách phân bổ để đưa ra giá khác nhau mà cơ quan quản lý không làm gì được. Do đó quy định mang tính hành chính sẽ không giải quyết được vấn đề. 

Trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính diễn ra ngày 7-4, lãnh đạo Cục Quản lý Giá cho hay, theo quy định mới về cấm quảng cáo đối với sữa dành cho trẻ em dưới 2 tuổi, Cục đã có công văn gửi tới Sở Tài chính địa phương trong quá trình tiếp nhận kê khai giá của DN thì phải loại trừ chi phí quảng cáo trong giá thành và yêu cầu các DN kê khai giá trước 15-4. Trên cơ sở kết quả kê khai giá của DN, Cục sẽ tiến hành kiểm tra, kiểm soát. Nhưng từ thực tế không thấy sự giảm giá đáng kể nào. 

Mới đây, một lãnh đạo DN sữa tiết lộ, từ sau khi áp trần giá sữa, sản lượng sữa tiêu thụ trên thị trường đã giảm tới 15%. Các DN sữa đã tồn kho tới vài chục triệu USD giá trị sản phẩm, chưa kể phải tốn hàng trăm tỷ đồng để tiêu hủy sữa quá thời hạn sử dụng, hoặc giảm chất lượng. Tiêu hủy thì được, DN tốn tiền cũng được, nhưng không thể giảm giá sữa. Vì trẻ em chúng ta không có quyền được dùng sữa giá thấp như trẻ em các nước khác?.