Kỳ thi đánh giá năng lực tại ĐHQG Hà Nội

Đổi mới “công nghệ” thi cử - Đỡ tốn kém, không phao thi, không sự cố

ANTĐ - Giá thành sẽ ngày càng giảm với công nghệ thi mới này nếu áp dụng trong diện rộng. Năm nay, với cách thi này, thí sinh chỉ mất 100.000 đồng cho một kỳ thi, thi xong sẽ được về ngay, không tốn kém chi phí sinh hoạt ăn ở như 3 buổi thi đại học các năm trước. Lãnh đạo ĐHQG Hà Nội chia sẻ như vậy khi kỳ thi đánh giá năng lực vừa khép lại.

Tổ chức kỳ thi với "cảm giác đặc biệt"
Nói về cảm xúc về kỳ thi đầu tiên của mùa tuyển sinh ĐH năm nay, PGS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết, kỳ thi năm nay được tổ chức với "cảm giác đặc biệt". Đặc biệt là vì, tất cả vào cuộc không phải để tuyển được bao nhiêu thí sinh mà với mục tiêu thúc đẩy một nền giáo dục toàn diện, đổi mới, tích cực.

Sau 8 ca thi, tổng số bài thi được 43.369 thí sinh có mặt thực hiện trên tổng số 45.350 thí sinh đăng ký dự thi, đạt xấp xỉ 96%. Số thí sinh bị đình chỉ thi là 9 người, đều do một lỗi là mang điện thoại vào phòng thi. Số thí sinh phải chuyển ca thi là 119 trường hợp, chiếm tỷ lệ 0,27%.

Sơ bộ tính toán về điểm, tại 4 cụm thi: ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Hồng Đức (Thanh Hoá), ĐH Vinh, ĐH Kiến trúc- Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên trong tổng số 10.337 bài thi thì có 72,8% đạt trên 70 điểm (mức trung bình). Có 2 thí sinh đạt điểm cao nhất 125 điểm/140 điểm tại cụm thi Vinh và ĐH Công nghiệp Hà Nội. Điều này cho thấy khả năng phân hoá, phân loại thí sinh đạt hiệu quả.

 Theo PGS Nguyễn Kim Sơn thì thang điểm 140 và thang điểm 10 khác nhau, không nên so sánh. Về phân biệt thang điểm thô và thang điểm tinh, ban đầu ĐHQG Hà Nội đã tính đến đến phương án này nhưng phải cân nhắc với nhiều phương diện. Đây mới là bước đi đầu tiên, nếu xã hội thấy cách tính điểm rắc rối thì sẽ khó tiếp nhận, vì vậy ĐHQG Hà Nội vẫn dùng phương thức tính mỗi câu một điểm.

Thí sinh thích ứng tốt với "công nghệ thi" mới
Việc chuẩn bị cho kỳ thi cho thấy sự quan tâm của xã hội. Với tỷ lệ thí sinh tham gia dự thi gần 96% cho thấy kỳ thi này thu hút sự quan tâm của xã hội, đặc biệt của các thí sinh tham gia dự thi. Qua thực tế tham gia dự thi, đa số thí sinh cho thấy có sự chuẩn bị tốt cho kỳ thi này.

Nhiều em đã làm trước bài thi mẫu, thích ứng, nhập cuộc tốt. Thí sinh không bỡ ngỡ, xa lạ. Các điểm thi tại các cụm thi ngoài Hà Nội, tỷ lệ thí sinh chậm thao tác, phát sinh lỗi hầu như không có. Tỷ lệ thí sinh phải chuyển chủ yếu là ở Hà Nội. Đáng nói, yếu tố kỹ thuật không phải rào cản cho kỳ thi này. Kỹ năng, năng lực học sinh phổ thông có thể thích ứng tốt cho cách thi mới này.

Các thí sinh thực hiện nghiêm túc, hợp tác, tuân thủ mọi quy định của ĐHQG Hà Nội không có hành vi thiếu nghiêm túc, các Hội đồng thi cho biết. Nói về những thuận lợi, thành công của kỳ thi này thì phải kể đến yếu tố hàng đầu là do thí sinh. Sự hợp tác và trách nhiệm của thí sinh là nhân tố quan trọng nhất làm nên thành công của kỳ thi đánh giá năng lực thí sinh với quy mô hơn 43.000 người dự thi.

Đổi mới “công nghệ” thi cử -  Đỡ tốn kém, không phao thi, không sự cố ảnh 1

Qua thực tế tham gia dự thi, đa số thí sinh cho thấy có sự chuẩn bị tốt cho kỳ thi này

6 cái được của một kỳ thi
Về phương án thi và cách tổ chức kỳ thi, PGS Nguyễn Kim Sơn cho rằng, với định hướng sử dụng CNTT, giảm thủ tục hành chính, một bài thi duy nhất, kiến thức tổng hợp, làm trên máy tính, có điểm ngay đã tỏ ra là một phương án đem lại kết quả tốt. 6 cái được của kỳ thi đánh giá năng lực này phù hợp với mục đích đề ra của kỳ thi tại ĐHQG Hà Nội, đồng thời phù hợp với sự thích ứng của thí sinh.

Do ĐHQG đã chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, có nhiều phương án dự phòng, nên kỳ thi diễn ra đúng kế hoạch, đạt được mục tiêu đề ra. Không phát sinh vấn đề ảnh hưởng đến kỳ thi về an ninh, an toàn, không xảy ra hỏng hóc lớn về trang thiết bị. Hệ thống cơ sở vật chất, máy tính, máy chủ, phần mềm, đề thi đều được vận hành tốt.

Không phao thi, không sự cố

Thực tế coi thi cho thấy: không phát sinh hiện tượng tiêu cực từ phía thí sinh. Hiện tượng mang theo phao thi không có. Thí sinh vào phòng thi mang theo tâm thế mới, không trông chờ vào tài liệu, phao... Các trường hợp thí sinh bị kỷ luật đều là lỗi đáng tiếc, do mang điện thoại vào phòng thi.

Đáng chú ý, cán bộ tham gia kỳ thi này đều đã làm chủ được quy trình thi. Với hình thức coi thi khác căn bản hình thức truyền thống, nhưng các cán bộ kỹ thuật, giám sát, phần mềm đều đã làm chủ, thích nghi với yêu cầu vận hành một kỳ thi mới. Không có sự cố phát sinh từ cán bộ sơ suất trong quá trình tổ chức thi.

Kết quả thi tổng hợp nhanh với 72,8% đạt 70 điểm trở lên cho thấy tỷ lệ hợp lý theo lý thuyết khoa học kiểm tra đánh giá, xây dựng phần khó - dễ bám sát theo đúng trình độ thí sinh, chứ không phải từ sự nghĩ chủ quan của người làm đề thi. Có những thí sinh đạt 125/140 điểm chứng tỏ năng lực của các em rất tốt, được thể hiện rõ trên cơ sở một bài thi tổng hợp.


Đổi mới với tinh thần cầu thị
Kỳ thi đánh giá năng lực thí sinh vào ĐHQG Hà Nội năm nay là bước đi đầu tiên nhưng rất quan trọng. Chắc hẳn, khi thiết kế cách làm, cách triển khai "công nghệ thi cử" mới năm nay, đội ngũ những người tổ chức thực hiện được đòi hỏi phải làm sao vừa tiếp thu được triết lý, định hướng hình thức thi Đánh giá năng lực, vừa phải tương thích, phù hợp với tiến độ đổi mới chung của giáo dục phổ thông khiến học sinh thích ứng tốt và xã hội tiếp nhận được. Dù rằng, những nội dung đổi mới thi cử, đánh giá theo cách này vẫn sẽ phải tiếp tục được bổ sung điều chỉnh trong vài năm tới.

Ở tất cả các khâu từ phần mềm đến quy chế tuyển sinh, từ quy trình thao tác đến cấu trúc, ma trận các yêu cầu của đề thi, đều theo hướng hoàn thiện hơn. Hiện nay các nội dung đề thi đang nằm trong chương trình phổ thông. Có thể trong các năm sau, một tỷ lệ nhỏ nhất định được bổ sung thêm những nội dung kiến thức bên ngoài, chưa đề cập đến chương trình phổ thông. Đương nhiên, việc này sẽ cần có lộ trình và truyền thông thích hợp.

Bên cạnh đó, việc phân bổ thời gian, hỗ trợ thí sinh cũng còn nhiều điều cần làm tốt hơn. Được biết, ĐHQG Hà Nộ đã phát 1.500 phiếu điều tra, thăm dò phản hồi của thí sinh. Tất cả sẽ được phân tích và rút kinh nghiệm. ĐHQG sẽ lắng nghe ý kiến nhà chuyên môn, phụ huynh, xã hội để cải tiến tốt hơn. Kỳ thi đánh giá năng lực vẫn sẽ giữ ổn định về định hướng, phương pháp...

PGS Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, trong 4 ngày diễn ra kỳ thi đều không có sự cố về điện, an ninh tốt, giao thông thống suốt ở cả 7 tỉnh, thành phố diễn ra kỳ thi, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Các trường đại học đều vào cuộc và phối hợp với tinh thần rất cao, đều coi đổi mới là việc của mình.

Đấy chính là những tín hiệu đáng mừng từ một kỳ thi đánh giá năng lực vừa khép lại, nhưng đồng thời mở ra nhiều triển vọng đáng khích lệ! 

Tin cùng chuyên mục