Xử lý hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội:

Liều thuốc mạnh cho doanh nghiệp chây ì

ANTĐ - Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến cuối năm 2014 tổng số tiền nợ bảo hiểm trên cả nước là 7.279 tỉ đồng, trong đó nợ BHXH 5.578 tỉ đồng (chiếm 76,63% tổng số nợ), còn lại là nợ bảo hiểm thất nghiệp và nợ BHYT.

Đáng chú ý, trong số các đơn vị nợ BHXH, BHYT, có đến trên 8.000 đơn vị (với số lao động lên đến hơn 30.000 người) đã ngừng hoạt động. Số tiền BHXH mà những doanh nghiệp này chiếm dụng, coi như khó mà đòi được, và đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ mất cân bằng quỹ bảo hiểm trong tương lai và ảnh hưởng lớn đến người lao động. Vì vậy, đề xuất xử lý hình sự hành vi trốn đóng BHXH đã nhận được sự quan tâm ủng hộ lớn của dư luận.

Liều thuốc mạnh cho doanh nghiệp chây ì ảnh 1

Hơn nửa số doanh nghiệp trốn đóng BHXH?

BHXH TP Hà Nội hiện đang quản lý khoảng 42.000 doanh nghiệp (DN), trong đó có khoảng 7%, tức là khoảng 3.000 đơn vị để tình trạng nợ đọng. Tính đến hết tháng 4-2015 tổng số tiền nợ bảo hiểm các loại của các DN là xấp xỉ 2.400 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH nhiều nhất lên tới gần 2.000 tỷ đồng. Một số DN để tình trạng nợ kéo dài lên đến nhiều năm như Công ty CP Cầu 14 - CIENCO 1 với số lao động sử dụng 471 người, hiện đã nợ bảo hiểm lên đến gần 3 năm với tổng số tiền trên 20 tỷ. Công ty TNHH May mặc XK VIT Garment sử dụng gần 450 lao động, nợ BHXH 40 tháng với số tiền gần 19 tỷ đồng. Công ty CP LILAMA 3 nợ trên 3 năm với 16,5 tỷ đồng tiền nợ. Thậm chí một số doanh nghiệp nợ bảo hiểm rất nhiều năm như Công ty CP 116 - CIENCO 1 nợ lên tới… 85 tháng với gần 10 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư & Xây dựng công trình 128 - CIENCO 1 nợ gần 9 tỷ đồng với thời gian nợ 81 tháng…

Ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội cho biết: “BHXH TP đánh giá số tiền nợ bảo hiểm lên đến 2.400 tỷ đồng là khá lớn, chỉ tiêu của chúng tôi là phải giảm nợ đọng, giảm số doanh nghiệp nợ, giảm số tiền nợ xuống mức 5%. Với những đơn vị nợ thời gian ngắn thì dễ vì người ta vẫn còn quan hệ giao dịch với BHXH. Tuy nhiên, hiện có một số lượng lớn các DN không đăng ký ngừng giao dịch, chưa công bố bố phá sản, tức là vẫn tồn tại trên danh nghĩa, nhưng thực tế đã ngừng hoạt động, không có khả năng thanh toán. Chúng tôi đang phải nỗ lực tập trung vào những đơn vị như thế”.

Ngoài ra, có một số lượng lớn các DN trốn đóng hoàn toàn BHXH cho người lao động. Ông Nguyễn Dương (Phó Trưởng phòng Thu, BHXH TP Hà Nội) cho rằng: Theo số liệu thống kê tổng số đơn vị có đăng ký mã số thuế hằng năm  ở cơ quan thuế thì đến nay Hà Nội có xấp xỉ 100.000 đơn vị. Thế nhưng trong số đó cơ quan BHXH mới quản lý được 42.000 DN, vậy thì hơn 50.000 DN còn lại phải đặt dấu hỏi, họ có trốn đóng BHXH hay không.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, hiện nay cả nước, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là 16 triệu người nhưng mới có gần 11 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc, còn khoảng 5 triệu lao động chưa được tham gia BHXH, BHYT. Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra con số, hiện có trên 300.000 DN đang hoạt động, cơ quan BHXH chỉ quản lý được gần 150.000 DN đăng ký tham gia BHXH, như vậy, có đến trên 50% số DN trốn đóng BHXH.

Kiện ra tòa vẫn chây ì

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng nợ BHXH là do tình hình kinh tế còn khó khăn, sản xuất kinh doanh đình đốn, sức mua thị trường giảm, nhiều DN phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động không có khả năng đóng BHXH. Tuy nhiên, còn một lý do quan trọng hơn theo các chuyên gia đó là do quy định mức phạt lãi suất chậm đóng BHXH (7,54%) thấp hơn mức lãi suất của ngân hàng, vô tình khuyến khích DN cố tình để nợ tiền BHXH nhằm chiếm dụng. Trong khi đó, cơ quan BHXH chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện những vi phạm về BHXH, nhưng lại không được quyền thanh tra, xử phạt nên hiệu quả công tác kiểm tra của cơ quan BHXH không cao.

Hiện ngành BHXH đã sử dụng hầu hết các biện pháp thu hồi nợ BHXH, BHYT như: thành lập các đoàn thanh kiểm tra liên ngành để đốc thu nợ, đến biện pháp cuối cùng là kiện DN nợ đọng ra tòa. Tuy nhiên việc thu hồi tiền nợ BHXH vẫn hết sức khó khăn. “Khó khăn nhất trong việc thu hồi nợ BHXH là chế tài xử phạt còn nhẹ, tối đa chỉ 75 triệu đồng, so với số tiền DN chiếm dụng bảo hiểm lên tới hàng chục tỷ đồng thì không thấm vào đâu. Việc khởi kiện các đơn vị vi phạm BHXH, BHYT ra tòa đã khó khăn, việc thu hồi tiền nợ càng nan giải hơn vì đây chỉ là vụ kiện dân sự, tính cưỡng chế thi hành bản án không cao nên nhiều doanh nghiệp vẫn chây ì, cố tình chiếm dụng nguồn tiền đó để sử dụng vào các mục đích khác nhau.

Sau khi bản án có hiệu lực, khâu đầu tiên phải xác định điều kiện thi hành án, mà cơ quan BHXH lại không đủ điều kiện xác định mà phải nhờ đến các cơ quan thi hành án và các cơ quan khác cũng làm chậm quá trình thi hành án. Thêm nữa các đối tượng phải thi hành án đa phần đều có thái độ chây ì, không muốn thi hành án, làm các động tác tẩu tán tài sản, trốn tránh. Chưa kể số DN phá sản hoặc ngừng hoạt động thì việc thu hồi gần như không thể” - ông Nguyễn Dương cho biết.

Được biết trong năm 2014, có 50 cơ quan BHXH địa phương tiến hành khởi kiện 5.832 DN, đơn vị với số tiền nợ BHXH, BHYT là 2.445 tỉ đồng, thu hồi được 621 tỉ đồng (khoảng 40%). BHXH TP.HCM kiện 1.717 DN nhưng chỉ thu hồi được gần 130 tỉ đồng (chiếm 27% trên tổng số nợ). BHXH TP Hà Nội khởi kiện khoảng 360 đơn vị với gần 300 tỷ đồng tiền nợ, thu hồi khoảng dưới 20% số này.

Nếu không xử lý hình sự, suốt ngày chỉ chạy theo đòi nợ

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) mới đây đã đưa hành vi trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH gây hậu quả nghiêm trọng để lấy ý kiến đại biểu Quốc hội. Theo đó hành vi trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH có thể bị phạt đến 7 lần số tiền trốn đóng, bị phạt tù lên đến 10 năm. Quy định mới trong dự thảo đã nhận được sự đồng thuận của dư luận. Ông Trương Anh Tuấn (giảng viên Khoa Bảo hiểm, Trường ĐH Lao động - Xã hội TP.HCM) nhận xét: Chủ trương hình sự hóa một số vi phạm pháp luật về bảo hiểm rất đúng, rất kịp thời. Đây sẽ là liều thuốc đủ mạnh để trị các vi phạm về bảo hiểm hiện nay. Theo ông Tuấn, tình trạng chủ DN trốn đóng BHXH ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động và chính sách an sinh xã hội. Khi cơ quan BHXH khởi kiện các DN này đòi tiền bảo hiểm cho người lao động cũng thường chỉ thắng kiện trên giấy vì DN không có tài sản hoặc giá trị tài sản còn lại rất thấp. 

Ông Vũ Đức Thuật cũng nêu ý kiến: “Phải sửa ngay điều trong Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự. Hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH phải là hành vi vi phạm pháp luật, chịu chế tài của Bộ luật Hình sự, khi đó các đơn vị mới thấy sợ. Hiện hành vi trốn thuế thì đã bị xử lý hình sự, nhưng trốn đóng BHXH còn nguy hiểm hơn vì nó tác động trực tiếp đến an sinh xã hội, đến người lao động lại chưa bị xử lý hình sự. Nếu không xử lý hình sự thì suốt ngày cơ quan BHXH chỉ chạy theo thôi chứ không làm gì được”. 

Một diễn biến khác, nhằm tháo gỡ những khó khăn cũng như đẩy mạnh việc thu hồi nợ sau thi hành án, mới đây cơ quan BHXH Việt Nam và Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cũng đã kí kết chương trình phối hợp trong công tác thi hành án dân sự liên quan tới BHXH, BHYT và BHTN. Theo đó hai đơn vị sẽ phối hợp trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án liên quan đến BHXH như: xác minh điều kiện thi hành án; áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án… Bên cạnh đó, tìm các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, nâng cao kết quả thi hành án liên quan đến BHXH. Đặc biệt, trong thời gian tới, hai bên sẽ tập trung xử lý dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi hành nhất là những vụ án lớn, có giá trị thi hành án cao, tránh trường hợp tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.

Theo quy Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), hành vi trốn đóng BHXH BHYT cần phải xử lý hình sự theo hai phương án: 

Thứ nhất, không đóng đủ từ 3 tháng trở lên với số tiền từ 100 triệu đồng thì bị phạt gấp 3 lần; phạm một trong các trường hợp (không đóng từ 300 đến dưới 600 triệu đồng; không đóng từ 50 - 100 lao động; đã thu phần đóng nhưng không nộp), bị phạt tiền gấp 5 lần số tiền trốn đóng; gấp 7 lần với các trường hợp như trốn đóng từ 600 triệu đồng trở lên; từ 100 lao động trở lên; đã bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích...

Thứ hai, phạt tiền từ 3-5 lần số tiền trốn đóng, phải cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm với tội trốn đóng từ 100 đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng từ 30 - 100 người gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này nhưng chưa hết thời hạn được coi là xóa vi phạm mà tiếp tục vi phạm. Phạt tiền từ 5-7 lần số tiền trốn đóng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm với hành vi có tổ chức, phạm tội nhiều lần, trốn đóng từ 300 đến dưới 1 tỷ đồng, không đóng từ 100- 300 lao động và gây hậu quả nghiêm trọng. Phạt tiền gấp 10 lần hoặc bị phạt tù từ 5-10 năm với số tiền trốn đóng trên 1 tỷ đồng; trên 300 lao động không được đóng; gây hậu quả nghiêm trọng….