Hàng hóa Trung Quốc nhập vào châu Âu: “Của rẻ là của ôi”

ANTĐ - Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp thực phẩm chính cho thị trường châu Âu. Điều làm cho hàng hóa Trung Quốc hấp dẫn các công ty châu Âu là giá rẻ. Tuy nhiên, sau những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thời gian gần đây, các công ty nhập khẩu châu Âu đã quay lưng với các sản phẩm từ Trung Quốc. 

Hơn 80% số lượng tỏi tiêu thụ trên thế giới đến từ Trung Quốc

Không đảm bảo chất lượng 

Thành phố Khúc Phụ ở tỉnh Sơn Đông, tây nam Trung Quốc nổi tiếng với những cánh đồng tốt tươi trải dài đến tận chân trời, cung cấp lương thực cho đất nước có số dân đông nhất thế giới. Cách đây vài tuần, một lô hàng dâu tây đã được vận chuyển từ những cánh đồng này tới Đức. Nhà chức trách Đức cho biết, vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng chục nghìn người mắc bệnh hồi tháng trước là do dâu tây nhiễm norovirus được nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Nhà chức trách đã rất khó khăn khi điều tra nguyên nhân vụ việc. Loại dâu tây này đã được trồng, thu hoạch và đóng gói ở tỉnh Sơn Đông và do một công ty của Trung Quốc vận chuyển từ Thanh Đảo đến Hamburg. Tại Hamburg, một nhà phân phối Đức, Elbfrost Tiefkuhlkost đã nhận và phân phối 44 tấn dâu tây. Công ty này vận chuyển dâu tây đến Mehltheuer, thành phố miền đông bang Saxony. Người mua chính là Sodexo, một công ty cung cấp thực phẩm quốc tế có trụ sở tại Pháp. Công ty này cung cấp cho 65 nhà bếp ở Đức, trong đó có nhiều học sinh. Elbfrost nói rằng họ sẽ không nhập sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc nữa vì không thể đảm bảo được chất lượng hoàn hảo. 

Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là nếu chất lượng không đảm bảo như vậy, tại sao Elbfrost đặt hàng các sản phẩm có nguồn gốc ở Trung Quốc? Công ty này cho biết điều đó phụ thuộc vào nhà nhập khẩu và nhấn mạnh sản phẩm Trung Quốc có “giá cả hấp dẫn”. Năm ngoái, Đức đã nhập khẩu hơn 31.000 tấn dâu tây thành phẩm từ Trung Quốc với giá trung bình 1,2 euro/kg, thấp hơn nhiều so với giá từ các nước châu Âu.

Hấp dẫn về giá cả và khối lượng

Nhiều nơi ở Trung Quốc, người dân vẫn không đủ ăn. Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc đã mua đất nông nghiệp ở châu Phi và nhập khẩu với số lượng lớn các loại thực phẩm như sữa bột, thịt gà, thịt lợn. Trong khi đó Trung Quốc lại là một trong số nước xuất khẩu nhiều loại hàng hóa thực phẩm vào châu Âu nhiều nhất. Nếu như trước đây, hàng hóa nước này được bán ở Đức chủ yếu là các loại đặc sản nổi tiếng, thì giờ đây, thị trường ngày càng tăng các loại hàng hóa giá rẻ như lương thực, nguyên liệu chế biến... 

Hai điều làm cho hàng hóa Trung Quốc hấp dẫn các công ty lớn như Nestle, Unilever hay Metro là giá cả và khối lượng. Giám đốc một công ty công nghiệp thực phẩm Đức nói, công ty của ông có thể mua hành tây hoặc nấm từ 10 nhà cung cấp khác nhau, nhưng điều đó đòi hỏi một nỗ lực rất lớn. Trung Quốc có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, nguồn cung cấp lao động giá rẻ dồi dào. “Nhặt, rửa và cắt dâu tây đòi hỏi rất nhiều lao động vì sử dụng máy móc trong các công đoạn này gần như là không thể” - ông Felix Ahlers, người đứng đầu Công ty Thực phẩm đông lạnh Đức Frosta AG nói. Điều này làm cho giá cả trái cây có nguồn gốc từ châu Âu đắt hơn và có những nhà sản xuất chỉ quan tâm đến giá cả. 

Hơn nữa, các sản phẩm do Trung Quốc cung cấp rất đa dạng thể loại với số lượng gần như không hạn chế. Đất nước nổi tiếng với món vịt quay Bắc Kinh giờ đây còn sản xuất pizza đông lạnh cho thị trường toàn cầu với giá chỉ bằng 1/5 so với Đức. Trung Quốc là nước cung cấp hơn 80% số lượng tỏi cho thị trường thế giới. Nước này cũng trở thành nước xuất khẩu mật ong lớn nhất thế giới.

Khách hàng chỉ biết tự trách mình

Ông Châu Lập, một giảng viên  Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nghiên cứu về an toàn thực phẩm cho biết, nông dân Trung Quốc trước đây cũng sử dụng những loại thực phẩm họ bán ra. Nhưng giờ đây, họ đã tách riêng phần để bán và phần để gia đình sử dụng. Sự khác biệt ở đây là thực phẩm dành riêng cho gia đình được sản xuất bằng các biện pháp truyền thống. Thực tế, nhiều gia đình giàu có ở Trung Quốc đã mua trang trại riêng để không bị phụ thuộc vào đồ bán trong các siêu thị.

Là một giáo sư hóa thực phẩm, ông Ulrich Nohle đã nhiều năm làm người đại diện cho các nhà bán lẻ Đức kiểm tra hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Nohle nói rằng, khách hàng sẽ có được tất cả những gì đặt hàng từ Trung Quốc với mức giá cạnh tranh. Các công ty Trung Quốc có thể đưa ra mức giá rẻ nhất. Tuy nhiên, trong những trường hợp xảy ra sự cố, khách hàng chỉ biết trách mình khi không nhận được hàng hóa như mong đợi vì đã không kiểm tra kỹ lưỡng.

Một trong những nguyên nhân khiến khách hàng phải chịu rủi ro khi nhận hàng từ Trung Quốc không đúng chất lượng như mong đợi là do chế độ kiểm tra. Khi các sản phẩm đã vận chuyển tới nước khác, chúng rất ít khi bị kiểm tra. Tại cảng Hamburg (Đức), nơi trung chuyển số lượng lớn các sản phẩm thực phẩm ở nước ngoài vào thị trường châu Âu, hơn 15% các lô hàng chứa sản phẩm động vật và 20% sản phẩm thực vật có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các kiện hàng chỉ bị mở kiểm tra khi bị nghi ngờ. Các sản phẩm nguồn gốc thực vật thậm chí còn được giám sát lỏng lẻo hơn, và chúng thường được nhập vào EU mà không có bất cứ kiểm tra nào, cho dù là sản phẩm tươi, đông lạnh hay bảo quản đóng hộp. Và vì thế, các công ty EU nhận hàng từ Trung Quốc không ít lần nhận “quả đắng” vì không kiểm tra kỹ càng và tin tưởng vào nhà cung cấp.