Đức và NATO nói chung đang tụt hậu so với Nga khi xét về tiềm lực và sức mạnh quân sự. Hơn nữa, quá trình này ngày càng trở nên tồi tệ hơn và trở thành mối đe dọa đối với phương Tây.
Ấn phẩm Der Spiegel của Đức đưa ra nhận xét trên sau khi trích dẫn một nghiên cứu của các chuyên gia từ Viện Kinh tế Thế giới tại Đại học Christian Albrecht ở Kiel.
Theo các chuyên gia, Đức sẽ cần nhiều năm để xây dựng tiềm lực quân sự đủ để kiềm chế Liên bang Nga. Đối với một số loại vũ khí, việc này sẽ mất khoảng 100 năm.
Tài liệu nghiên cứu nêu rõ:: "Nếu chúng ta muốn quay trở lại mức dự trữ năm 2004, chẳng hạn như xe tăng chiến đấu chủ lực, thì với tốc độ sản xuất hiện tại, điều này sẽ chỉ đạt được vào năm 2066, máy bay chiến đấu vào năm 2038 và các hệ thống pháo binh - vốn đang có nhu cầu lớn ở Ukraine, vào năm 2121".
Vì vậy các chuyên gia khuyến nghị cần đầu tư nhiều hơn cho các chương trình quốc phòng. Sau đó sẽ có thể giảm bớt tình trạng tụt hậu nói trên và đạt được kết quả tích cực, bài báo tóm tắt.
Giới chuyên gia Đức cho rằng việc chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz và những người kế nhiệm có đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng hay không còn là điều chưa thể khẳng định được, nhưng họ khuyến cáo Berlin nên làm điều này càng sớm càng tốt.
Nếu trước kia Quân đội Đức hài lòng với mức đầu tư như vậy bởi họ không cần gửi vũ khí đến giúp đỡ Ukraine, không thực hiện các biện pháp trừng phạt chống Nga thì bây giờ mọi thứ đã thay đổi quá nhiều.
Theo các chuyên gia, giờ đây, nếu các quan chức chính quyền Berlin quyết định tham gia vào một cuộc chiến khác chống lại Moskva mà không gia tăng tiềm lực cho Quân đội Đức thì một thất bại chắc chắn đang chờ đợi họ.
Nhưng có thực là Đức cần tới 100 năm để theo kịp Nga về quân sự là vấn đề đang gây tranh cãi trong cộng đồng quân sự quốc tế.
Đầu tiên, chúng ta hãy lưu ý rằng trong những năm gần đây, Nga đã mở rộng tổ hợp công nghiệp quân sự và tiếp tục tăng năng lực cũng như tốc độ sản xuất, dẫn tới lo ngại khoảng cách này sẽ được kéo giãn nhiều hơn.
Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có nhận xét cho rằng dưới hiệu lực của các lệnh cấm vận, Moskva không thể duy trì việc sản xuất vũ khí trong thời gian dài, bằng chứng là số vũ khí cũ từ thời Liên Xô đang có mặt ngoài chiến trường ngày càng nhiều.
Bên cạnh đó, việc Nga bị cáo buộc đang phải nhận tên lửa hay đạn pháo từ Iran và Triều Tiên cũng là dấu hiệu cho thấy rõ Moskva gặp phải tình trạng suy kiệt trong năng lực sản xuất.
Và nếu vẫn phải hứng chịu thiệt hại như ngoài chiến trường với tốc độ hiện nay, cự ly giữa Đức và Nga về quân sự sẽ sớm được san bằng, thậm chí nghiêng về phía Berlin.
Viễn cảnh trên còn đến sớm hơn nếu Đức nhận được hỗ trợ từ các đồng minh một cách gián tiếp, bằng cách đặt hàng các doanh nghiệp quốc phòng Đức sản xuất vũ khí, từ đó cung cấp nguồn tài chính quan trọng cho Berlin.