Toạ đàm trực tuyến:

Đi tìm sự thật về "quả bom tấn" E102

ANTĐ - Sau DEHP, formol, các phụ gia thực phẩm, và giờ đây là chất tạo màu E 102 đang trở thành những “quả bom tấn” ném thẳng vào bữa ăn của mỗi gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vậy sự thật là thế nào?

Vấn đề ATVSTP trong thời gian gần đây luôn được bạn đọc quan tâm hàng đầu.

Đi tìm sự thật về "quả bom tấn" E102 ảnh 1

Một số sản phẩm có chứa E102

Nếu phần lớn các chất phụ gia đều bị điểm mặt chỉ tên rõ ràng, thì câu chuyện về E 102 lại không hoàn toàn đơn giản như vậy. Người tiêu dùng đang bị tung hỏa mù bởi những thông tin nhiều chiều, được phát ra từ chính các cơ quan chức năng cũng như các nhà khoa học chuyên ngành thực phẩm.

Chính vì thế. cho đến giờ phút này, E 102 đích thực là gì? Mức độ độc hại đến đâu? Con người ăn các sản phẩm có chứa E 102 bị đe dọa sức khỏe thế nào?, vẫn chưa có câu trả lời chuẩn xác.

Đặc biệt, tranh cãi “Việt Nam cấm hay không cấm sử dụng E 102” cũng chưa đến hồi ngã ngũ.

Để giúp bạn đọc có cái nhìn thấu đáo về “câu chuyện E102”,  buổi tọa đàm trực tuyến mang tên “E102 và tận cùng sự thật” được tổ chức với sự tham gia của:

- Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư kí, Giám đốc văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam

- TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục VSATTP

- Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng

Đi tìm sự thật về "quả bom tấn" E102 ảnh 2

Dưới đây là nội dung buổi tọa đàm. Các nội dung sẽ được cập nhật liên tục, mời các bạn đón đọc...

-Theo khẳng định của các chuyên gia về an toàn thực phẩm, nếu chỉ ăn 1,2 gói mỳ tôm/ngày thì không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng theo tìm hiểu, tôi thấy chất E102 không chỉ xuất hiện trong mỗi mỳ tôm và các loại bánh kẹo khác mà còn xuất hiện nhiều trong đồ uống. Vậy trong thời gian tới có phụ gia nào có thể thay thế để vẫn đảm bảo an toàn mà sản phẩm vẫn bắt mắt? (maihoa@yahoo.com)

Đi tìm sự thật về "quả bom tấn" E102 ảnh 3

Ông Vũ Ngọc Quỳnh

Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư kí,Giám đốc văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam:

Tôi nghĩ số liệu 1-2 gói mỳ tôm/ ngày là không chính xác lắm. Vì chúng tôi tính toán theo lứa tuổi thì trẻ em 3 tuổi (nặng 15 kg), mỗi ngày ăn 29 gói mỳ tôm mới dược gọi là quá mức ADI (MỨC CHO PHÉP ĂN 1 NGÀY), còn người lớn thì phải ăn tới 109 gói mới vượt mức ADI.

Về việc có thể thay thế phẩm mầu E102 bằng một loại khác hay không thì còn phụ thuộc vào vấn đề công nghệ. Hiện tại chúng ta đã cố gắng tìm chế phẩm màu tự nhiên thay thế cho phẩm màu nhân tạo nhưng về mặt công nghệ và giá cả thì vẫn chưa đáp ứng được.

Có nghĩa là một khi phẩm màu E102 được đánh giá là an toàn khi sử dụng đúng mục đích và liều lượng thì chúng ta vẫn có thể tiếp tục sử dụng phẩm màu này.

- Với những tác hại của chất E102 đến cơ thể con người như các cơ quan thông tấn báo chí đã đăng tải, phải có yêu cầu như thế nào đối với nhà sản xuất để có thể bảo vệ người tiêu dùng, và công tác giám sát và báo cáo sẽ do cơ quan nào đại diện thông báo cho người dân? (nhuhoa1412@yahoo.com.vn)

Đi tìm sự thật về "quả bom tấn" E102 ảnh 4

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng:

Chất E102, sau quảng cáo mỳ Tiến Vua người tiêu dùng mới biết, chưa có 1 báo cáo chính thức của cơ quan chức năng. Một trong những quyền của người tiêu dùng mà luật bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu lực từ  1/7 phải được thông tin chính xác. Người tiêu dùng không an tâm, và cho tới nay họ cũng chưa được cung cấp thông tin chính xác. Người tiêu dùng cần có công bố của cơ quan chức năng xem nó có trong sản phẩm gì, hàm lượng cho phép ra sao, sử dụng như thế nào.

Rất tiếc là không phải ai cũng có thông tin về E102, tọa đàm không  có, hội nghị không có. Cơ quan truyền thông không cung cấp thông tin chính thức.

- Cứ cho rằng E102 là chất được phép sử dụng với một liều lượng hợp lý trong thực phẩm. Nhưng với mì gói, một sản phẩm mà rất nhiều trẻ em, và kể cả người lớn ăn hàng ngày ở Việt Nam, liệu các độc tố tích tụ lâu ngày có thể gây các bệnh nguy hiểm sau này?

- Đã có cơ quan nào ở Việt Nam nghiên cứu hoặc kiểm tra định kỳ xem lượng E102 trong thực phẩm mà mỗi người lớn và trẻ em Việt Nam tiêu thụ và hấp thụ hàng ngày là bao nhiêu chưa?

(Thaonguyenxanh@yahoo.com)

Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư kí,Giám đốc văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam:

Theo các tài liệu về mặt khoa học thì phẩm mầu E102 sau khi ăn vào cơ thể có một lượng rất thấp không quá 5% là hấp thụ trực tiếp. Đại đa số còn lại là được phân hủy do các vi sinh vật trong đường tiêu hóa, khoảng hơn 50% lượng ăn vào sẽ được thải ra qua đường nước tiều trong vòng 24h.  Sau 48h  thì hầu hết lượng ăn vào sẽ bị thải ra nên các nghiên cứu khoa học đã kết luận không có vấn đề tích lũy lâu dài. Hơn nữa số ADI ( lượng cho phép ăn vào mỗi ngày /1kg thể trọng) được tính cho việc ăn vào của một người trong suốt cuộc đời. Vì vậy, chúng ta không phải lo ngại về vấn đề tích lũy.

-Tôi được biết trẻ em khoảng 3 tuổi và 8-9 tuổi nếu sử dụng các sản phẩm thực phẩm có chứa E102 liên tục trong một thời gian dài thì sẽ bị ảnh hưởng? Vậy xin hỏi, "thời gian dài" như đã nói là trong bao lâu? Hoàng Hà (Hoangha@gmail.com)

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng:

Sau khi có vấn đề E102, Hội viên CLB Phụ nữ với tiêu dùng, cũng tìm hiểu thông tin trên mạng, rất quan tâm vấn đề này. Vì thông tin này chỉ nêu EU khuyến cáo từ 2008, ở VN đã có cách mấy năm, có Bộ công thương, có  Bộ Y tế, có ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm, những cái này đáng lẽ phải được trả lời ngay.

Các nước đã cảnh báo từ lâu về tác hại của E 102, nhưng tác hại của nó đối với cơ thể người Việt Nam như thế nào thì các nhà quản lý, các nhà khoa học, các cơ quan chức năng ... của Việt Nam phải trả lời.

Bởi vì, mì ăn liền là một thực phẩm không riêng với trẻ em, mà là loại thực phẩm thông dụng ngang gạo, hay nói cách khác là một thực phẩm rất phổ thông.

- Chất phụ gia màu vàng có thực sự độc hay không? Theo Bộ Y tế, mức cho phép là 75mg/kg. Vậy làm thế nào để biết được thực chất, hàng ngày người tiêu dùng Việt Nam hấp thụ bao nhiêu E102?

- Thực chất E102 là chất gì? Tại sao trên thế giới không dùng nữa mà VN vẫn dùng, và hàm lượng cho phép là bao nhiêu? Và nếu 1 quảng cáo mì không lôi chất này ra để quảng cáo cho chất lượng của mình thì các nhà quản lý có quan tâm và khuyến cáo người tiêu dùng hay không?

(giangriver257@yahoo.com) (Ngoisaokabi2008@yahoo.com)

Đi tìm sự thật về "quả bom tấn" E102 ảnh 5
TS Trần Đáng

TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục VSATTP:

- Chất E102 thực chất không phải là một chất gây hại trực tiếp cho cơ thể nếu dùng đúng liều lượng quy định.

- Liều lượng tiêu chuẩn do Bộ Y tế quyết định theo Quyết định 3742/2001/QĐ-BYT là từ 0 - 7.5mg/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.

E102 là một phụ gia thực phẩm có mầu vàng được tổng hợp nên từ nhựa than đá, từ cuối thế kỷ 19 ở Đức và Anh, khi phát hiện ra E102 thì các nhà khoa học thấy rằng đây là một phẩm mầu AZO, tổng hợp, bền vững với PH, nhiệt độ, ánh sáng và oxy. Đồng thời chúng tạo nên một mầu vàng tươi từ vàng than cho đến vàng chanh rất đẹp mắt. Giá sản phẩm lại rẻ, ngoài ra nếu kết hợp với mầu khác sẽ tạo nên những gam mầu rất hấp dẫn. Chính vì vậy, người ta đã sử dụng E 102 làm phẩm màu thực phẩm rất rộng rãi. Nếu sử dụng đúng qui định của Codex (đúng ADI, đúng ML) thì nguy cơ đối với sức khỏe rất thấp. Tuy nhiên, gần đây nhiều nước tiên tiến đã phát hiện những tác hại của E102 lên sức khỏe nên đã cấm sử dụng trong thực phẩm, ví dụ: Áo, Châu Âu, Na uy, Nhật, Hàn Quốc... Cộng đồng Châu Âu có chủ trương sẽ loại bỏ E102 ra khỏi thực phẩm và nước uống trong một thời gian xác định.

E 102 được sử dụng trong 3 lĩnh vực chính: trong thực phẩm dùng làm phẩm màu (phụ gia phẩm màu), trong mỹ phẩm  (sử dụng nhuộm màu trong ngành công nghiệp chế biến xà phòng, nước gội đầu, mỹ phẩm, son phấn, thuốc nhuộm tóc, chất làm ẩm, chất đánh màu móng tay...); trong dược phẩm (làm màu của các loại vitamin, vỏ viên nang và một số sản phẩm dược phẩm khác); trong công nghiệp tiêu dùng (làm màu vẽ, mực in, mực dấu...).

Trên thế giới nhất là ở một số nước tiên tiến có đủ điều kiện nghiên cứu như tiền bạc, công nghệ, khoa học, kỹ thuật... đã phát hiện nguy cơ mới của E102 nên đã cấm sử dụng E102 làm phụ gia thực phẩm. Đa số các nước, kể cả Codex vẫn cho phép sử dụng E102 làm phụ gia thực phẩm.

Theo Quy định (EC) số 1333/2008 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu ngày 16-12-2008 về các chất phụ gia thực phẩm, nhà sản xuất phải ghi dòng chữ “có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động và sự chú ý của trẻ em” nếu dùng E102.

(Nguồn: Cổng thông tin điện tử về Luật của Liên minh châu Âu)


Không phải chỉ vì một quảng cáo mà các cơ quan quản lý mới " lôi" vấn đề này ra. Theo nguyên tắc về sử dụng phụ gia thực phẩm của Codex cũng như của Bộ  tế VN, cơ quan quản lý thường xuyên xem xét giám sát và đánh giá không chỉ với E102 mà còn đối với phụ gia thực phẩm nói chung. Tuy nhiên, ở VN do điều kiện kinh tế, nguồn lực còn hạn chế đồng thời ngành ATTP mới được hình thành trên dưới 10 năm cho nên việc thực hiện các biện pháp theo nguyên tắc sử dụng phụ gia thực phẩm nói riêng và quản lý ATTP nói chung còn hạn chế. Điều này các cơ quan quản lý đang có những chiến lược để từng bước đưa quản lý ATTP nói chung và phụ gia thực phẩm nói riêng vào nề nếp, hướng tới bảo vệ tối đa sức khỏe cho NTD.

-Phẩm màu E102 liệu có tốt cho thực phẩm hàng ngày chúng ta dùng không? (Hoàng Hà - hoangha@gmail.com)

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng:

Là NTD nữ, những tác dụng của E102 chúng tôi chỉ được biết qua tham khảo trên mạng vì chưa có một công bố nào. Thực phẩm này sử dụng nhiều kể cả trong sơn, mực in, nhựa, da, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm. Riêng với thực phẩm có quy định hàm lượng cho phép. Vì chất này gây ra cho trẻ em quá hiếu động, không tập trung, đối với nam số lượng tinh trùng giảm. Ở Nhật Bản, năm 2003 nhà nước đã cấm dùng cho một số thực phẩm, trong đó có mỳ tôm. Năm 2008 ở Anh, Australia cảnh báo về tác hại như trên. Chất này tuy không tốt, nhưng vẫn có thể sử dụng nếu hàm lượng cho phép. Nhưng ở Việt Nam, hàm lượng cho phép là bao nhiêu thì chưa có ai công bố chính thức để người tiêu dùng nào cũng có thể biết.

Hội viên CLB Phụ nữ với tiêu dùng cho rằng, rõ ràng chất này không tốt cho sử dụng trong thực phẩm; vì thế nếu dùng thì phải rõ ràng hàm lượng là như thế nào, hàm lượng đó có trong những thực phẩm nào?

-Ở Việt Nam, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm có chức năng gì? Xảy ra những sự cố về an toàn vệ sinh thực phẩm thì cơ quan này phải chịu trách nhiệm gì? Chịu trách nhiệm đến đâu? (maianh@yahoo.com)

TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục VSATTP:

Ở Việt Nam, Cục ATVSTP có trách nhiệm giúp bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên toàn quốc.

Để xảy ra những sự cố về ATVSTP thì cơ quan này cũng có một phần trách nhiệm. Tuy nhiên trách nhiệm như thế nào, trách nhiệm đến đâu thì cần phải xem xét với quan điểm biện chứng, lịch sử và toàn diện. Ở Việt Nam xuất phát điểm của chúng ta là một nước nông nghiệp chưa phát triển, sản xuất nhỏ lẻ phân tán, nhà nhà chăn nuôi, nhà nhà trồng trọt, nhà nhà chế biến thực phẩm vv..., hệ thống cơ sở hạ tầng chưa phát triển: nhà cửa phố xá, chợ, siêu thị, cửa hàng, cửa hiệu, cung cấp nước sạch, ô nhiễm môi trường... còn ở mức rất nhiều nguy cơ. Cục ATVSTP cũng như chế tài luật pháp, tổ chức bộ máy quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm ATTP...  vừa mới được hình thành đang còn rất non yếu, đang còn rất thiếu đủ mọi mặt: tiền bạc, con người, trang thiết bị máy móc...

Chính vì vậy, không thể tránh khỏi các sự cố về ATTP. Vấn đề sự cố về ATTP là vấn đề thường xuyên xảy ra kể cả các nước công nghiệp phát triển, ví dụ như nước Mỹ đã có lịch sử trên 100 năm về luật ATTP cũng như bộ máy quản lý ATTP nhưng hiện nay hàng năm vẫn có 86 triệu lượt người bị ngộ độc thực phẩm và 5.000 người chết.

-Liều lượng E102 mà các doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền sử dụng liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng? Và ai là người kiểm soát liều lượng này khi các sản phẩm mì ăn liền được tiêu thụ rất nhiều ở Việt Nam như hiện nay? (biencan@yahoo.com)

Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư kí, Giám đốc văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam:

Hiện nay đối với Mỳ ăn liền thì lượng E102 sử dụng chỉ khoảng 4 - 4,5 mg/gói mỳ khoảng 70g, khảo sát mới nhất của Viện dinh dưỡng quốc gia VN và viện kiểm nghiệm thực phẩm quốc gia cho thấy số liệu trên là đúng. Phẩm màu E102 có độ màu rất mạnh nếu sử dụng nhiều sẽ ảnh hưởng đến màu sắc và các tính chất cảm quan của sản phẩm nên khó có chuyện sử dụng quá liều lượng E102. Kết quả khảo sát thực tế cũng đã chứng minh như vậy. Do đó chúng ta không nên lo lắng về việc ăn quá liều E102 trong mỳ ăn liền.

Cục ATVSTP - Bộ Y tế là cơ quan quản lý việc sử dụng phụ gia thực phẩm. Các sản phẩm thực phẩm đều có công bố tiêu chuẩn chất lượng và được cục ATVSTP chứng nhận cấp phép, và cục là cơ quan kiểm tra thanh tra việc tuân thủ các quy định được ghi nhãn và cấp phép theo đúng pháp luật.

- Hàm lượng chất E102 như thế nào thì không ảnh hưởng đến sức khỏe? Thông tin về hàm lượng chất E102 có được ghi trên bao bì sản phẩm hay không? Ai là người kiểm định và chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin về hàm lượng chất E102 ghi trên bao bì sản phẩm (nếu có)? (phamkimcuc85@gmail.com)

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng:

Là NTD, cho tới giờ phút này, chúng tôi chỉ biết được thông tin qua tra trên mạng, còn trên bao bì sản phẩm thì nơi có nơi không. Vì vậy, chúng tôi cũng thắc mắc là tại sao chưa ghi trên bao bì, phải chăng chất E102 trong thực phẩm ở Việt Nam chưa đưa vào tầm ngắm của các cơ quan quản lý, chức năng. Việc giám sát, kiểm tra... có lẽ còn bị bỏ ngỏ.

Chưa có 1 thông tin chính thức trên hội nghị, hội thảo, nhất là thông tin đại chúng về việc công bố hàm lượng ghi trên bao bì hay khuyến cáo NTD.

-Châu Âu các sản phấm chứa E102 đều phải ghi nhãn: “ Có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động và sự chú ý của trẻ em”. Trong thời gian tời, Bộ Y tể có yêu cầu doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có chứa E 102 ghi cảnh báo như vậy không?

HOA QUỲNH (hoaquynh@gmail.com)

Tại Mỹ, nhãn thực phẩm phải có lưu ý cảnh báo E 102 là “màu nhân tạo” và nó “có thể gây nên những hành động thái quá và những vấn đề về hành vi ở trẻ em”.

 -Trong thời gian tới, Bộ có ban hành văn bản chính thức nào qui định về việc sử dụng E102 không? KIỀU CHINH (kieuchinh145@gmail.com)

Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư kí, Giám đốc văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam:

Về câu hỏi này, các bạn có thể xem lại yếu tố 3 trong câu hỏi tôi mới trả lời trên đây.

Tôi có một số câu hỏi sau, mong được các chuyên gia giải đáp

- Nếu không sử dụng E102 thì có sản phẩm nào thay thế hay không?

- Quy định của VN có cho phép sử dụng E102 trong sản xuất không? Tại sao? Chất E102 nếu có sử dụng thì có được các nhà sản xuất ghi trên sản phẩm không? (ngoctu2910@gmail.com)

Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư kí, Giám đốc văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam:

* Nếu không sử dụng E102 thì vẫn có thể có sản phẩm màu tự nhiên thay thế. Tuy nhiên giá thành của sản phẩm và công nghệ chưa cho phép sử dụng phẩm màu tự nhiên ở quy mô công nghiệp.

* Theo quy định của Việt Nam, E102 được sử dụng trong sản xuất thực phẩm bởi vì vẫn được coi là an toàn nếu sử dụng đúng mục đích và đúng liều lượng. Theo quy đinh của VN thì E102 cũng như các phụ gia thực phẩm khác khi sử dụng phải được ghi nhãn.

- Không phải tất cả người tiêu dùng đều quan tâm tới E102 trong thực phẩm, do nhiều lý do. Vậy xin cho biết có những lưu ý gì với những người đang hàng ngày sử dụng thực phẩm có E102? (baogiochodenbaogioswallow87@yahoo.com)

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng:

Là NTD, chúng tôi mới quan tâm đến E102 sau vụ quảng cáo mỳ Tiến Vua, vì  vậy chúng tôi mới đi tìm hiểu những thông tin mà chủ yếu ở trên mạng. Chúng tôi vẫn còn lo lắng trong việc sử dụng bánh, kẹo, mỳ... hàng ngày đối với NTD VN. Vì vậy, không nên chậm trễ nữa đối với những thông tin chính xác về E102, việc sử dụng và khuyến cáo trong tiêu dùng.

-Tôi nghe nói ăn nhiều mỳ gói có chứa E102 sẽ ảnh hưởng đến "chất lượng tinh binh" của đàn ông? Xin giải thích rõ hơn về điều này? Một tháng mà ông xã tôi ăn mỳ có E102 tới 25 ngày sẽ ảnh hưởng như thế nào? Mong giải đáp. HÀ MY (hamy2011@yahoo.com)

TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục VSATTP:

Không chỉ đối với mỳ ăn liền có chứa phụ gia E102 mà với các loại thực phẩm khác cũng nên sử dụng luân chuyển trong tuần, trong tháng, không nên dùng một loại gì thường xuyên liên tục. Ví dụ, nếu sử dụng mãi một khẩu phần ăn đơn điệu sẽ gây chán, thậm chí gây các nguy cơ sức khỏe. Theo tôi, nên luân chuyển khẩu phần ăn trong tuần với các loại thực phẩm khác nhau, đặc biệt sử dụng khẩu phần có cá và thủy sản tối thiểu 3 bữa/tuần. Không ai có thể ăn rau muống luộc từ tuần này sang tuần khác, từ bữa này sang bữa kia mà cần phải hôm nay thì luộc, mai xào, ngày kia nộm có như thế mới tạo cho người ta có một cảm giác muốn ăn.

- Tôi đang trong niềm vui của người sắp được lên chức bố nên đọc các thông tin về chất tạo màu E102 trên một số báo thời gian vừa qua, tôi thấy lo ngại thật sự. Tôi không rõ E102 có hại hay không? Theo các thông báo mới nhất của cơ quan quản lý nhà nước là nó an toàn. Nhưng tôi tìm hiểu thì lại thấy có nhiều thông tin bảo rằng chất này có hại...

-Là người tiêu dùng, tôi thật sự lo lắng. Tôi sợ con mình sau này, vì không biết, vẫn tiếp tục ăn phải những thứ có E102. Làm sao để tôi biết được sản phẩm nào có E102 hay không và dùng như thế nào là đúng, là đủ? MẠNH HÀ (manhha842003@yahoo.com)

Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư kí, Giám đốc văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam:

Tôi chia sẻ vấn đề lo lắng của anh. Tuy nhiên chúng ta phải xem xét nguồn gốc các thông tin mà chúng ta tham khảo. Cho đến nay, các nguồn thông tin chính thống đều khẳng định tính an toàn của E102. Một số các website của các tổ chức phi chính phủ hay các doanh nghiệp quốc tế khác có đưa các thông tin trái chiều. Chúng ta nên căn cứ vào các nguồn tin của các cơ quan chính thống như CODEX,EU hay WHO/FAO.

- Những gói mì nhà tôi ăn hàng ngày đều có chất E102, chúng tôi không biết liệu rằng gói mì mình ăn thì hàm lượng chất này có vượt quá tiêu chuẩn cho phép hay không? Nhật Vinh (nhatvinhnn@gmail.com)

Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư kí, Giám đốc văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam:

Như tôi đã nói ở trên người lớn phải ăn 109 gói mỳ / 1 ngày, trẻ em 3 tuổi phải ăn khoảng 29 gói mỳ/1 ngày thì lượng E102 mới vượt ADI (mức ăn vào cho phép trong một ngày / kg thể trọng).

Như vậy lượng ăn vào của E102 trong 1 gói mỳ là rất thấp.

- Theo tôi thấy thì các doanh nghiệp mải chạy theo lợi nhuận nên không coi trọng sức khoẻ của người tiêu dùng. Mọi người chỉ biết hàm lượng các chất phụ gia qua thành phần ghi trên sản phẩm. Vậy theo các chuyên gia thì người tiêu dùng có thể tin tưởng vào số liệu nhà sản xuất đưa ra được không vì không thấy có cơ quan thẩm định thành phần phụ gia? Như Lan (asflowervnh_vnh@yahoo.com)

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng:

Theo quy định, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phải theo các quy định của tiêu chuẩn cơ sở (do doanh nghiệp công bố nhưng đăng ký và có kiểm tra theo quy định trong hệ thống của tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam). Như vậy, đúng ra là họ không thể sản xuất chỉ theo lợi nhuận.... còn các chất phụ gia thì Ủy ban Codex Việt Nam cũng đã có công bố tiêu chuẩn sử dụng. Tôi chưa thấy có quy định  nào về việc bắt buộc phải ghi thành phần trên sản phẩm bao bì.

Vấn đề thực tế trong cuộc sống là hệ thống giám sát kiểm tra xử lý hoạt động có hiệu quả hay không trong việc chấp hành các tiêu chuẩn cơ sở và các quy định cho phép đối với các chất phụ gia.

Tôi được biết trẻ em khoảng 3 tuổi và 8-9 tuổi nếu sử dụng các sản phẩm thực phẩm có chứa E102 liên tục trong một thời gian dài thì sẽ bị ảnh hưởng? Vậy xin hỏi, "thời gian dài" như đã nói là trong bao lâu? Hoàng Hà (Hoangha@gmail.com)

Tính đến hội nghị lần 43 của ủy ban Codex về phụ gia thực phẩm 3/2011, Tartrazine vẫn chưa được phê chuẩn để đưa vào danh mục các chất phụ gia thuộc CODEX STAN 192 – 1995, vẫn đang xem xét ở bước 7 đối với các loại sản phẩm trong đó có mỳ.

(Nguồn: Website của Codex, FAO)

Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư kí, Giám đốc văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam:

Thông tin trên là dựa vào một nghiên cứu của nhóm nghiên cứu thuộc trường đại học Southampton (Anh quốc) do McCann chủ trì. Tuy nhiên nghiên cứu này đánh giá 2 hỗn hợp gồm 6 phẩm màu cộng với một chất bảo quản là SODIUM BENZOAT, vì thế không sử dụng để đánh giá riêng E102 được. Cơ quan quản lý ATTP châu ÂU (EFSA) cũng đã đánh giá kết quả của nghiên cứu trên và kết luận không thể dựa vào nghiên cứu McCann để thay đổi mức ADI 7,5mg/kg thể trọng một ngày đối với E102 .

-Tại sao tư duy cách nhìn nhận định hướng và những điều luật cho các sản phẩm này không được triệt để tôi nghĩ thứ nhất do luật pháp chúng ta quá lỏng lẻo không quy định rõ ràng danh mục chất cấm, người Việt chúng ta sống dựa trên cảm tính nhiều nên cái gì cũng dễ dãi mua hàng cũng dễ dãi. Thứ hai không có một hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng 1 cách tối ưu, kiểu tư duy không bao giờ đi trước sự phát triển lúc nào cũng "nước đến chân mới nhảy" ngay cả vấn đề này được đưa ra sau khi đài báo và các phương tiện đề cập đến. Tôi nghĩ các tổ chức cũng như nhà sản xuất hay người tiêu dùng phải hành động chứ không phải là chỉ đưa ra vấn đề rồi chỉ nói và nói. (conduongbaoto@yahoo.com)

TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục VSATTP:

Điều này theo tôi nghĩ là hoàn toàn đúng. Nhưng, như trên tôi đã nói xem xét một vấn đề cần phải với 3 quan điểm cơ bản: Quan điểm lịch sử; quan điểm biện chứng và quan điểm toàn diện. Ta phải biết VN là ai, đang ở cung bậc nào của sự phát triển, những nguyên nhân khách quan và chủ quan của các sự cố, sự kiện không chỉ đối với ATTP mà theo tôi nghĩ ở nhiều lĩnh vực khác, ví dụ như xây dựng đô thị, an toàn giao thông, giáo dục,… Vấn đề ATTP là một vấn đề liên quan chặt chẽ với sự phát triển kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng, dân trí và quan trí, với sự đầu tư nguồn lực, với luật pháp, với chế tài xử lý… cho nên những vấn đề được nêu ra trong câu hỏi sẽ dần dần được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như sự tham gia của người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.

-Chất phẩm màu E102 được đưa vào tất cả các thực phẩm ở Việt Nam như vậy, liệu thực phẩm nước ngoài có thành phần này không? Nguyễn Hùng (hungnguyen1988@yahoo.com)

Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư kí, Giám đốc văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam:

Danh mục các thực phẩm được sử dụng phẩm màu E102 được mỗi quốc gia quy định. Việt Nam dựa vào tiêu chuẩn chung của CODEX để xây dựng danh mục các thực phẩm được phép sử dụng E102. Ở nước ngoài tất cả các quốc gia đều cho phép sử dụng E102, tuy nhiên danh mục thực phẩm, điều kiện sử dụng, đăng ký, cảnh báo là khác nhau và phụ thuộc vào quy định pháp luật của mỗi quốc gia đó.

- Đứng ở vai trò người nội trợ, bà khuyên phụ nữ nên làm gì để bảo vệ mình và gia đình trong thời buổi ô nhiễm thực phẩm như hiện nay? MT - banmaixanh789@yahoo.com

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng:

Trong thời buổi thực phẩm khó an toàn như ngày nay, là người nội trợ, tôi luôn luôn ý thức về vấn đề phải đảm bảo sức khỏe cho gia đình mình và bản thân: luôn luôn cố nắm bắt những thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về thực phẩm; cẩn thận khi đi chợ; xem kỹ bao bì sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu và điều quan trọng là cần phải phát huy kinh nghiệm lựa chọn thực phẩm của bản thân (ví dụ như: mua thịt ở chợ dù thường mua ở những người quen ... nhưng bản thân phải biết lựa chọn từ màu sắc thịt, bì, mỡ, độ dính... chứ không thể chỉ tin vào mẫu mã... Mua hoa quả cũng thế. Vì vậy, hội viên trong CLB chúng tôi cũng thường trao đổi kinh nghiệm trong khi đi chợ hoặc có những dự án về hoa quả thực phẩm thường mời hội viên chúng tôi chia nhóm thảo luận, trao đổi những kinh nghiệm của cá nhân trong nhận biết và lựa chọn hoa quả, nông phẩm.....

- Theo thông tin mà bộ cung cấp nếu sử dụng E102 trong liều lượng cho phép sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe. Cụ thể mức ăn vào hàng ngày chấp nhận được ADI 0- 7,5mg/kg/thể trọng/ngày. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều thực phẩm sử dụng E102, vậy người tiêu dùng cùng một lúc sử dụng các sản phẩm này thì lượng E102 hấp thụ vào người có vượt quá tiêu chuẩn hay không? (VD: Một ngày ăn 2 gói mỳ tôm, 1 gói bim bim, 2 lon nước ngọt… có ảnh hưởng gì không?) PHƯƠNG DUNG - phuongdung562@yahoo.com

TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục VSATTP:

Cơ bản là đúng như vậy. Muốn xác định mỗi ngày một người đưa vào cơ thể bao nhiêu E102 cần phải có một cuộc điều tra về số lượng thực phẩm tiêu thụ mỗi ngày mà những thực phẩm đấy có sử dụng E102, trên cơ sở xác định hàm lượng của E102 trên mỗi loại thực phẩm, ta xác định được lượng E102 ở mỗi loại thực phẩm ấy. Cộng tất cả các thực phẩm với hàm lượng E102 đã xác định được ăn vào hàng ngày, so sánh lượng này với ADI, ta sẽ biết nguy cơ của E102 với sức khỏe. Nếu lượng ăn vào hàng ngày nhỏ hơn 7,5mg/kg/ngày thì có thể nói không có nguy cơ. Nếu lượng ăn vào hàng ngày lớn hơn 7,5 thì sẽ có nguy cơ đối với sức khỏe.

Tuy nhiên ta phải hiểu trong quyết định 3742 cũng như quy định của Codex, ADI bằng 0 – 7,5mg/kg/ngày có nghĩa là tốt nhất là không nên sử dụng sản phẩm này, nếu có phải dùng thì dùng càng ít càng tốt và tối đa chỉ cho phép đến 7,5 mg/kg/ngày/người.

- Xin hỏi: đối với loại phẩm màu  E102 ở liều lượng và nồng độ bao nhiêu thì gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Đặc biệt ở Viêt Nam hiên nay có nhiều loại thực phẩm có chứa chất màu này? DIỆU LINH - dieulinhpn@gmail.com

Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư kí, Giám đốc văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam:

Chưa có số liệu để đánh giá với mức bao nhiêu thì E102 ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Tuy nhiên thí nghiệm trên động vật cho thấy với liều lượng từ 10000-26000mg/kg thể trọng 1 ngày thì có thể gây tác động bênh lý: như dị ứng, rối loạn chuyển động...

Do vậy với liều ADI là 7,5mg/kg thể trọng 1 ngày thì liều lượng này rất an toàn và đã được CODEX và EU chứng minh.

- Tôi từng ăn rất nhiều mỳ tôm Hảo Hảo. Tôi chưa lập gia đình liệu sau này tôi sinh con thì bé có bị ảnh hưởng gì không? Vũ Ngọc Trang (trangvn@gmail.com)

TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục VSATTP:

Mỳ tôm Hảo Hảo có sử dùng phẩm mầu E102. Chị sử dụng rất nhiều Mỳ tôm Hảo Hảo không sợ bị ảnh hưởng  đến việc sinh con bởi vì E102 trên cơ bản là không có tính lũy. Tuy nhiên, theo tôi chị không nên sử dụng thường xuyên liên tục, đối với các thực phẩm xiên nướng nói chung và các sản phẩm có sử dụng E102 nói riêng

Khái niệm " NTD được bảo vệ" nên được hiểu như thế nào? Tôi chẳng thấy người tiêu dùng như tôi được bảo vệ gì cả. Nhất là những "vụ" lớn như E 102 này, vi phạm mang tính hệ thống, nhưng chẳng thấy ai đứng ra nghiêm túc nhận trách nhiệm trước người tiêu dùng gì cả. Phương Anh (anhphuong890@gmail.com)

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng:

Luật bảo vệ quyền lợi NTD Việt Nam đã có hiệu lực từ 1/07/2011. trong đó có quy định 8 quyền và 2 nghĩa vụ của NTD. Như vậy, từ pháp lệnh - ban hành 1998, đã nâng lên thành luật thì rõ ràng NTD được bảo vệ quyền lợi đúng theo luật. Nhưng đối với thông tin về phụ gia thực phẩm thì hiện tại NTD chưa được bảo vệ về quyền được thông tin chính xác về sản phẩm và doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa dịch vụ, nên cho tới giờ phút này NTD vẫn mơ hồ và không yên tâm về việc sử dụng các sản phẩm có liên quan đến phụ gia thực phẩm. Ví dụ như E102, nếu NTD không biết qua các phương tiện thông tin đại chúng, thì cũng chẳng có cơ quan chức năng nào cảnh báo cả.

Có lẽ khái niệm "NTD tự bảo vệ mình" được sử dụng nhiều hơn. Không gì tốt bằng  tự mình phải bảo vệ mình trước tiên. Muốn vậy, NTD phải có kiến thức trong tiêu dùng để có thể làm chủ được trong lựa chọn, mua sắm và quyết định hành vi tiêu dùng của mình.

Có phải hệ miễn dịch của người Việt Nam tốt hơn người nước khác hay không mà các cơ quan chức năng của Việt Nam không cấm sử dụng chất E102 trong chế biến thực phẩm, trong khi nhiều nước trên thế giới không cho phép sử dụng chất này? (hoangchuong123@gmail.com)

TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục VSATTP

Đúng như vậy, hệ miễn dịch của người Việt Nam rất tuyệt vời. Bởi vì người VN đã 3 đời nay tiếp xúc thường xuyên với các tác nhân gây bệnh ở môi trường nhiệt đới ô nhiễm. Tuy nhiên thông tin mà câu hỏi nêu ra ở vế thứ 2 là hoàn toàn chưa đúng. Hiện nay đa số các nước trên thế giới, kể cả Codex vẫn cho phép sử dụng E102 làm phụ gia thực phẩm. Chỉ một số nước tiến tiến phát triển do có đủ điều kiện về khoa học kỹ thuật, về nguồn lực đã nghiên cứu thấy rằng những nguy cơ tác hại của E102 đối với sức khỏe nên đã cấm sử dụng hoặc hạn chế sử dụng, hoặc sẽ cấm sử dụng ví dụ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Áo, Nauy…


Theo bà, các thói quen ăn uống, tiêu dùng của người lớn sẽ làm hại đến sức khỏe của trẻ em? Nguyễn Hoàng (nguyenhoang82@yahoo.com.vn)

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng:

Theo tôi điều này là rất rõ ràng.

Vì nếu trong gia đình, tổ chức ăn uống có nề nếp, cẩn thận, chu đáo thì rõ ràng sẽ tạo nên nếp sống ẩm thực không thể bừa bãi. Điều đó chắc chắn sẽ có tác dụng tích cực tạo nên thói quen ăn uống cho trẻ em, như sự điều độ, sạch sẽ, hạn chế ăn uống theo kiểu khoái khẩu...nên đã tạo cho trẻ em có ý thức trong ăn uống, sinh hoạt.

Các cháu nhà tôi thường rất thích ăn mì tôm sống và bim bim. Vậy các cháu sẽ bị những ảnh hưởng cụ thể gì cho sự phát triển của chúng? Phương Nga (phươngnga87@yahoo.com.vn)

TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục VSATTP:

Nếu cho các cháu ăn thường xuyên liên tục mỳ tôm, bim bim thì không có lợi cho sức khỏe vì bản thân mỳ tôm là những thực phẩm chiên sấy vốn tự nó đã có những nguy cơ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Nếu chúng lại được sử dụng E102 thì lại càng có nguy cơ hơn vì vậy không nên cho ăn liên tục và thường xuyên không chỉ với mỳ tôm mà với bất cứ  một loại thực phẩm nào.

Những nguy cơ của mỳ tôm, bimbim có sử dụng E102 cho đến hiện này đã được nêu ra là:

1) Gây dị ứng: đặc biệt với những người mẫn cảm với nhóm salycilat (như Aspirin) những người hen suyễn dễ bị nguy cơ hơn, biểu hiện là lo lắng, rối loạn giấc ngủ, đau nửa đầu, ngứa chảy mũi, đỏ da từng vùng, nổi mề đay.

2) Gây chứng tăng động ở trẻ em. Vấn đề này được nhiều công trình nghiên cứu nêu ra từ những năm 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên vẫn còn là vấn đề đang được các nhà khoa học tranh cãi.

3) Nguy cơ gây độc. Nhiều công trình đã công bố E102 do có nhóm AZO (-N=N-) nên vào cơ thể dưới tác động của các men đường ruột sẽ bị phân giải tạo thành các Amin thơm có thể gây viêm niêm mạc dã dầy với chứng tăng Lymphocyte và Eozinophils; tổn thương các cơ quan như gan thận, thậm chí có thể gây ung thư.

4) ảnh hưởng chức năng sinh dục, vấn đề này được các nhà khoa học của Úc đưa ra từ năm 1990. Nguy cơ có thể là: giảm khả năng tình dục ở nữ giới, tổn thương tinh hoàn, tinh trùng, và teo rượu mận.. Nhưng vấn đề này tuy chưa được Codex thừa nhận nhưng là kết quả nghiên cứu của các nước có nền kHKT phát triển, có đủ nguồn lực, đủ điều kiện để nghiên cứu khoa học, có các tiêu chuẩn về ATTP liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng rất khắt khe (như EU, Mỹ, ÚC, Nhật Bản, Hàn Quốc, vv…), chúng ta cũng cần phải tham khảo.

Đối với một số vùng sản xuất thủ công như bánh kẹo mứt, người sản xuất thường sử dụng nhiều phẩm màu công nghiệp để hạ giá thành sản xuất . Điều này gây tác hại gì? Có vi phạm luật hay không? Sẽ bị xử lý thế nào? Tú Giang (giangnhn@gmail.com)

Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư kí, Giám đốc văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam:

Việc sử dụng phẩm màu công nghiệp để sản xuất thực phẩm là một hành động cực kỳ nguy hiểm bị pháp luật nghiêm cấm bởi vì phẩm màu công nghiệp chứa nhiều chất độc hại không được phép có mặt trong thực phẩm. Luật an toàn vệ sinh thực phẩm mới ban có hiệu lực và nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP có nhiều điều khoản quy định về việc xử phạt các hành vi vi phạm quy định việc sử dụng phụ gia thực phẩm bị cấm trong đó mức phạt cao nhất là: 100 triệu đồng. Đối với hành vi nghiêm trọng gây hậu quả nguy hiểm đến tính mạng của người tiêu dùng hoặc thiệt hại kinh tế lớn còn có thể bị truy tố hình sự.

Để hạn chế tác hại của phẩm màu E102, khi xử lý chế biến thực phẩm cần chú ý điều gì? Nguyễn Nga (nguyenthinga345@gmail.com)

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng:

Là đại diện cho người tiêu dùng, tôi nghĩ rằng khi chế biến thực phẩm, doanh nghiệp cần phải nắm vững các quy định về đối tượng sử dụng (thực phẩm nào được sử dụng....); hàm lượng được sử dụng; và phải thông tin ghi trên bao bì cho NTD.

Người tiêu dùng phải đóng thuế để góp phần giúp các cơ quan Nhà nước hoạt động, trong đó có cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.Vậy khi xảy ra các sự cố về an toàn thực phẩm, người tiêu dùng có được bồi thường từ cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm không? Khiếu Huyền Thu (khieuhuyenthu@hotmail.com)

TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục VSATTP:

- Vấn đề này tôi đề nghị phải xem xét kỹ luật bảo vệ người tiêu dùng và luật an toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 1/7/0211. Trong điều 6 của luật ATTP có quy định xử lý vi phạm pháp luật về ATVSTP: Ai gây nên tổn thất thì phải bồi thường. Trong điều 9 cũng có quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm: người tiêu dùng được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra. Việc gây ra thực phẩm không an toàn do ai thì người đó phải bồi thường.

Nếu quả thực E102 gây nhiều nguy hại cho sức khỏe thì nên "ứng phó" thế nào với thực phẩm có chất này, nhất là mì ăn liền - món ăn thường nhật của người Việt? (Phạm Bảo - baopham@yahoo.com)

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng:

Tôi nghĩ việc ứng phó này phải có câu trả lời từ nhà khoa học, nhà quản lý về  hàm lượng, về độc hại và sử dụng như thế nào. Chỉ có trong phòng thí nghiệm mới xác định được hàm lượng bao nhiêu, từ đó chính thức khuyến cáo cho người tiêu dùng. Cách ứng phó duy nhất là phải tùy theo thể trạng, cơ địa của mình mà sử dụng.

Được biết, E102 dùng trong sản xuất viên nang của dược phẩm. Đã có kiểm soát nào về việc này chưa? Liệu người uống thuốc có bị ảnh hưởng không? Ngọc Trinh (vungoctrinh452@gmail.com)

Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư kí, Giám đốc văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam:

Như tôi đã nói phẩm màu E102 được sử dụng rất rộng rãi. Ngoài thực phẩm E102 còn được sử dụng trong mỹ phẩm, dược phẩm. Đáng tiếc là ở VN chưa có những khảo sát đánh giá về hàm lượng E102 sử dụng trong sản xuất dược phẩm. Tôi nghĩ các cơ quan quản lý dược phẩm, mỹ phẩm cũng nên tổ chức đánh giá, khảo sát để đưa ra các kết quả để người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng các  sản phẩm trên.

- Tôi đọc trên báo thấy Tiến sĩ Lê Đức Mạnh – Viện trưởng Viện Công Nghiệp Thực phẩm cho biết: việc một người ăn 2 – 3 gói mì ăn liền trong một ngày là hoàn toàn bình thường. Người tiêu dùng cũng không nên quá lo lắng về việc ăn nhiều gói mì như vậy trong ngày vì hàm lượng của chất E102 là rất ít. Xin hỏi điều này có đúng không? Hoàng Trung (trungntt@gmail.com)

- Tôi được biết, quy định dùng E102 là từ 0 - 7,5mg/kg thể trọng/ngày. Nhưng trong các sản phẩm có E102 hầu như không ghi rõ hàm lượng. Vậy làm sao để người tiêu dùng biết và dùng đúng hàm lượng? Cơ quan chức năng có quy định với nhà sản xuất không? (thanhcongtn@gmail.com)

Bộ Y tế quy định có thể dùng E102 ở mức 0 - 7,5mg/kg thể trọng/ngày. Vậy, con tôi một ngày ăn cả mỳ tôm, bim bim, bánh kẹo... (đều có E102) thì làm sao biết được lượng E102 đã vào cơ thể? (minhvu89@gmail.com)

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng:

Việc ăn uống vào cơ thể con người, như chị em vẫn quan niệm, phải thuộc vào thể trạng của người ăn. Vì trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng nói ăn mì ăn liền phải ăn thêm chất gì mới đủ chất, những gia vị kèm theo ko đủ dinh dưỡng. Người ta phải cho thêm rau, thịt, trứng. Riêng đánh giá ăn 3 gói mì về E102 để xem tốt hay không là không toàn diện vì còn phải tùy vào sự hấp thu, tùy điều kiện kinh tế từng người.

Với tư cách NTD, tôi thấy thắc mắc này chính xác. Khi đi mua, NTD phải nhìn bao bì theo 3 yếu tố chủ yếu: chất lượng, thời gian sử dụng, và những quy định về hàm lượng cho phép... Vì đây là những thông tin phải chính xác để cung cấp cho NTD, đó là 1 trong những quyền của Luật bảo vệ NTD ở VN.

NTD hay thắc mắc chất E102 đang sử dụng ở VN trong những loại thực phẩm nào? Không những chỉ sử dụng trong mỳ mà hầu như trong nhiều loại bánh kẹo ở VN. Câu thắc mắc này đúng, nhất là đối với trẻ em. Cần phải có một sự hướng dẫn thông báo cho NTD về những thông tin này mới biết được chúng ta đã đưa vào cơ thể bao nhiêu hàm lượng E102...

Ở nông thôn, bà con thường ham rẻ nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thường có xuất xứ Trung Quốc có phẩm mầu lòe loẹt, nhiều sản phẩm là đồ ăn trẻ em. Ông khuyến cáo người tiêu dùng như thế nào khi mua các loại thực phẩm này? Mai Linh (linhngo123@gmail.com)

Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư kí, Giám đốc văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam:

Nhìn chung không chỉ riêng tôi mà tất cả các chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm đều khuyến cáo không sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc. Điều này luật an toàn thực phẩm cũng quy định rất rõ. Các thực phẩm có mầu lòe loẹt càng không nên ăn nhất là trẻ em vì nguy cơ các loại phẩm mầu không được phép sử dụng trong thực phẩm.

Là hội có rất nhiều hội viên nữ, luôn quan tâm đến vấn đề ATVSTP. Bà có thể nói rõ tâm tư của những người đi chợ trong bối cảnh mất an toàn hiện nay? (ngochoang789@hotmail.com)

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng:

NTD nữ là những NTD thường nhật, những "nội tướng" trong gia đình, nên họ rất quan tâm đến vấn đề ATVSTP vì không chỉ đối với bản thân mà đối với sức khỏe của cả gia đình. Thực trạng đi chợ ngày nay là 1 mối lo lắng đối với NTD nữ. Vì, với cơ chế thị trường hàng hóa phong phú, hàng nội, hàng ngoại, hàng thật, giả... rồi các chiêu quảng cáo hấp dẫn... nên NTD đi chợ như trong một mê cung lựa chọn hàng hóa, sản phẩm, nhất là thực phẩm..... Khó có thể giữ được niềm tin, ngay cả đối với những sản phẩm mua ở trong siêu thị, những hàng hóa cung cấp trên mạng hoặc đi mua tại những chợ truyền thống, chợ cóc, mua ở những người quen.

Làm thế nào để biết được loại mì nào không có chất độc khi thông tin có được chỉ là từ quảng cáo? Phạm Huyền (huyenptt@gmail.com)

TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục VSATTP:

Muốn biết được thì xem trên nhãn mác của sản phẩm chứ không phải chỉ nghe thông tin từ quảng cáo. Các cơ quan quản lý luôn khuyến cáo tất cả mọi người: “Hãy trở thành người tiêu dùng thông thái”: biết cách chọn mua thực phẩm an toàn, biết cách chế biến thực phẩm an toàn, biết cách sử dụng thực phẩm an toàn và là một tuyên truyền viên và một thanh tra viên về ATTP.

Thực trạng sử dụng chất tạo màu E102 trong sản xuất thực phẩm ở Việt Nam hiện nay? Việt Nam đã, đang và sẽ có những biện pháp nào để hạn chế việc sử dụng E102? (ngocphananh@gmail.com)

Những biện pháp mà ở VN áp dụng để hạn chế sử dụng E102 nói riêng và phẩm màu tổng hợp nói chung:

1) Ban hành quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm trong đó xác định danh mục các phụ gia được phép sử dụng, giới hạn ADI, giới hạn MN và các loại thực phẩm được phép sử dụng. Trước đây đã ban hành quyết định 3742. Hiện nay cơ quan quản lý đang xem xét để sửa đổi bổ sung quyết định đó cho đầy đủ và cập nhật hơn trên cơ sở vì sức khỏe người tiêu dùng.

2) Ban hành những quy định pháp luật về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, đặc biệt là các quy định về tiêu chuẩn phụ gia, quy định về sử dụng, đánh giá liều tiêu dùng thực tế, sử lý nghiêm minh các vi phạm. Vị dụ bộ Y tế đã phối hợp với các bộ phận liên quan đã tổ chức nhiều nghành kiểm tra việc lưu thông và sử dụng phụ gia đặc biệt ở các vùng trọng điểm như chợ phụ gia Kim Biên – Quận 5 – TP HCM.

3) Tăng cường tuyên truyền giáo dục để các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện đúng quy định pháp luật về sử dụng phụ gia, ghi nhãn đầy đủ theo quy định. hướng tới càng sử dụng ít hoặc không sử dụng phụ gia thực phẩm là tốt nhất.

4) Tăng cường công tác kiểm ttra thanh tra và xử lý các vi phạm về sử dụng phụ gia thực phẩm.

- Cục ATVSTP & Uỷ ban tiêu chuẩn thực phẩm VN (Codex) thông báo người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng các loại thực phẩm có E102 đúng hàm lượng. Trong khi đó, kèm theo Quyết định số 3742/2011/QĐ-BYT là "Quy định danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm" thì mỳ ăn liền không có trong danh sách 26 loại thực phẩm được phép sử dụng E102. Ông lý giải ra sao về điều này? (hoangha@gmail.com)

- Nhiều người tiêu dùng vẫn mơ hồ về E102. Xin ông (bà) có thể đưa ra 1 kết luận cuối cùng về việc được phép hay không đựơc phép  sử dụng các loại thực phẩm có E102? Hoàng Ngọc (ngochtn@gmail.com)

- Ở VN có quá nhiều loại thực phẩm có E102, trong khi đó ở một số quốc gia như Anh, Nhật, Hàn, EU... đã cấm hoàn toàn. Thêm nữa, Quyết định số 3742/2011/QĐ-BYT của Bộ truởng Bộ Y tế do Thứ trưởng Lê Văn Truyền ký khẳng định: "Phụ gia thực phẩm có ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng". Vậy, theo ông (bà) Việt Nam có nên loại bỏ hoàn toàn E102 ra khỏi tất cả sản phẩm?  (yenduongk51ngonngu@yahoo.com)
 

Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư kí, Giám đốc văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam:

- Quyết định 3742 được xây dựng dựa theo danh mục của CODEX, Mỳ ăn liền trong Codex được quy định riêng trong tiêu chuẩn CODEX STAN 249:2006. Việt Nam đã ban hành TCVN 7879:2008 cho mỳ ăn liền, trong đó hàm lượng E102 được quy định là 300mg/kg. Như vậy cả CODEX và Việt Nam đều cho phép sử dụng E102 trong mỳ ăn liền. Một số thông tin cho rằng Việt Nam không có quy định sử dụng E102 trong mỳ ăn liền là không đúng.

- Dựa trên các văn bản chính thống của CODEX, EU, FDA (cơ quan thực phẩm Hoa Kỳ), thông qua tham khảo các nguồn tài liệu của nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia, dựa trên các quy định của Việt Nam, tôi khẳng định là E102 được phép sử dụng trong thực phẩm đúng mục đích và đúng liều lượng.

- Việc nên sử dụng hay không nên sử dụng E102 cần phải tính đến 3 yếu tố:

1. Tính an toàn cho sức khỏe con người - đến bây giờ thì E102 vẫn được coi là an toàn.

2. Những ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, vd: thiệt hại và chi phí không cần thiết nếu cấm E102 hoặc những thay đổi về yêu cầu ghi nhãn, gây khó khăn trong thương mại.

3. Khả năng sẽ nảy sinh các vấn đề trong thương mại quốc tế. Ví dụ có thể gây các khiếu nại liên quan đến các hiệp định WTO/SPS/TBT.

Cơ quan quản lý nhà nước cần phải cân nhắc 3 yếu tố trên nếu như muốn có các thay đổi quy định về E102.

Để hạn chế tác hại của phẩm màu E102, khi xử lý chế biến thực phẩm cần chú ý điều gì? Trang Lan (lantrang12345@gmail.com)

Hầu hết doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền đều sử dụng phẩm màu tổng hợp E102 để tiết kiệm chi phí sản xuất từ 50-100 VND/gói mì so với việc sử dụng màu chiết xuất từ tự nhiên. Nếu nhân với 5 tỷ gói mì ăn liền thì các nhà sản xuất kinh doanh đã thu được 1 khoản lợi nhuận rất lớn. Vấn đề an toàn sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng được đặt sau  lợi nhuận của nhà sản xuất là tình trạng chung ở rất nhiều doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng:

Với tư cách đại diện cho NTD, tôi nghĩ rằng khi chế biến thực phẩm, doanh nghiệp cần phải nắm vững các quy định về đối tượng sử dụng (thực phẩm nào được sử dụng....); hàm lượng được sử dụng; và phải thông tin ghi trên bao bì cho NTD.

Làm sao có thể biết được số lượng E102 của 1 người dùng trong 1 ngày để biết được không độc hại đến cơ thể? Trong khi đó, gần như sản phẩm nào sản xuất tại Việt Nam đều có thành phần E102?

Lan Anh (phamlananh@yahoo.com)

Muốn biết được số lượng E102 đưa vào cơ thể một người trong một ngày cần phải tiến hành điều tra lượng tiêu dùng thực phẩm mà có sử dụng E102 của một người mỗi ngày. Trên cơ sở hàm lượng E102 ở mỗi loại thực phẩm sẽ tính được số lượng E102 ở loại thực phẩm mà mỗi người ăn vào hàng ngày. Cộng tất cả các loại thực phẩm có E102 mà mỗi người ăn vào hàng ngày thì sẽ xác định tổng số lượng E102 mà người đó ăn vào hàng ngày, lấy tổng số lượng này chia cho số cân nặng của người đó sẽ xác định được lượng E102 đưa vào cơ thể /Kg cân nặng/ngày. So sánh số lượng này với ADI được quy định trong quyết đinh 3742. Nếu số lượng này nhỏ hơn 7,5 kg thì không có nguy cơ độc hại. Nếu số lượng này lớn hơn 7,5 sẽ có nguy cơ độc hại tới sức khỏe.

Còn rất nhiều câu hỏi mà bạn đọc liên tiếp gửi về, nhưng do thời gian có hạn, nên buổi tọa đàm "E 102 và tận cùng sự thật" khép lại ở đây. Cuối buổi tọa đàm, các khách mời đã có những khuyến cáo quý giá dành cho  bạn đọc Lao động thủ đô điện tử.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng:

Mỳ ăn liền như là một loại thực phẩm thông dụng của VN, có thể coi như ngang với gạo, vì giá cả, thuận tiện ăn uống... và đối tượng  NTD sử dụng rất rộng rãi, nhất là đối với người lao động, trẻ em, học sinh, công nhân, công an đánh án, hỗ trợ bão lụt, các gia đình hầu như đều sử dụng mỳ ăn liền cho bữa ăn sáng, trưa, thậm chí tối muộn.... rất thích hợp. Nhưng hình như loại thực phẩm quan trọng này lại chưa được đưa vào tầm ngắm của nhà nước và cơ quan chức năng quản lý.

Vì theo thông tin tôi biết được, Việt Nam là top đứng đầu châu Á, và là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới về sử dụng mỳ ăn liền. Nếu không có vụ việc E 102 vỡ lở thì người VN vẫn vô tư sử dụng mỳ ăn liền.

Vì vậy, chúng tôi nghĩ đã đến lúc VN không chỉ nghĩ đến an ninh lương thực mà còn phải đưa vào vấn đề chất lượng lương thực thì mới có thể đảm bảo được vấn đề kinh tế, sức khỏe của nguồn lao động đang và sẽ xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, bền vững.

TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục VSATTP:

Để đảm bảo an toàn sử dụng thực phẩm và mỳ tôm nói riêng, tôi xin khuyến cáo:

1. Đối với cơ quan quản lý:

Cần thực hiện đầy đủ các nguyên tắc của Codex cũng như các quy định về sử dụng phụ gia của Bộ Y tế, để bảo vệ tối đa sức khỏe của người tiêu dùng, cụ thể là:

a) Tất cả các phụ gia thực phẩm dùng trong thực tế đang được sử dụng hoặc sẽ được đề nghị sử dụng phải tiến hành đánh giá về độc học , như độc mãn tính, độc cấp tính, khả năng về hình thành khối u, khả năng nhiễm độc và đột biến gen, quái thai, khả năng tích lũy, chuyển hóa, bài tiết, tương tác hấp thu. Vấn đề này rất quan trọng cần phải được đánh giá độc tính hay độc học qua hai đời động vật, trong đó có một loại là gặm nhấm, suốt cuộc đời qua 2 thế hệ để xác định được NOEL (Giới hạn không phát hiện ra tác hại. Trên cơ sở tìm được NOEL thì sẽ xác định được ADI).

b) Chỉ phụ gia được đánh giá là an toàn ở các liều được đề nghị mới được sử dụng.

c) Các phụ gia đã được cho phép sử dụng vẫn phải xem xét, thu thập bằng chứng thực tế không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe ở mức ML đã đề nghị, Xem xét lại và đánh giá lại về độc tính ở các thời điểm khác nhau khi điều kiện sử dụng thay đổi và có những thông tin khoa học mới. Cần phải điều tra liều tiêu thụ thực tế hàng ngày, để có xem xét chỉ đạo việc sử dụng (rút ra khỏi danh sách cho phép sử dụng hoặc giảm ML, giảm ADI hoặc giảm các loại thực phẩm được phép sử dụng).

d) Tại các lần đánh giá: phải phù hợp yêu cầu kỹ thuật thống nhất.

e) Các phụ gia phải đảm bảo các yêu cầu sau:

Không làm thay đổi chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm, hỗ trợ quy trình chế biến, tăng khả năng duy trì tính ổn định của thực phẩm

2. Đối với người sản xuất kinh doanh:

Cần phải thực hiện nghiệm túc các quy định của sản phẩm về ghi nhãn số theo nghị định 89 của chính phủ:

- Công bố trên nhãn về tên, thành phần, SL, chất phụ gia được sử dụng (đối với mỳ tôm hiện nay có sử dụng E102 cần phải công bó rõ hàm lượng E102 trên mỗi gói mỳ tôm

- Cần phải ghi cảnh báo thông tin về an toàn sức khỏe. Ví dụ như có nguy cơ dị ứng, mẫn cảm vv…

- Về hướng dẫn sử dụng: lưu ý không nên sử dụng cho trẻ em với các sản phẩm có sử dụng E102 nói riêng, và phẩm mầu AZO nói chung liên tục, thường xuyên

3. Người tiêu dùng:

- Cần phải xem kỹ nhãn mác

- Xem xét mình có bị dị ứng với thành phần nào có trong thực phẩm hay không

- Không nên ăn liên tục thường xuyên

- Đối với trẻ em không nên cho các cháu ăn liên tục mỳ tôm có phẩm mầu E102 nói riêng và phẩm mầu tổng hợp nói chung

4. Kiến nghị chung:

- Xu thế tiến tới loại bỏ dần hoặc càng hạn chế càng tốt, các phẩm mầu tổng hợp.