Máy bay cường kích hạng nặng AC-130 của không quân Mỹ đang đứng trước ngã ba đường, tiếp tục nâng cấp, hay dần cho loại biên khi mà trọng tâm chiến lược của Mỹ đang xoay chuyển.
Khi trọng tâm chiến lược của Mỹ chuyển từ các hoạt động chống khủng bố sang xung đột tiềm tàng giữa các cường quốc, thì vai trò của dòng máy bay đánh đất hạng nặng này có thể không còn phát huy tác dụng.
AC -130 là một trong số ít vũ khí trên không được giao nhiệm vụ nặng nề nhất trong chiến tranh chống khủng bố. Loại máy bay này đã rất hiệu quả ở Iraq, Afghanistan, Syria và những nơi khác.
Giờ đây khi xoay chuyển trọng tâm sang các cuộc xung đột tiềm tàng với các cường quốc ngang hàng, đặc biệt là khu vựcThái Bình Dương, nơi mà đối thủ của Mỹ có chiếc ô phòng không cực mạnh, thì AC-130 với kích thước khổng lồ đã không còn hiệu quả.
Cường kích AC-130 một là phải nâng cấp để tồn tại, điều này sẽ tiêu tốn một khoản ngân sách không nhỏ, hai là sẽ dần cho loại biên dòng máy bay này để dành ngân sách cho các vũ khí công nghệ cao.
Kích thước khổng lồ của AC-130 cùng tốc độ bay chậm, mặt khác khi tác chiến buộc dòng máy bay này phải hạ độ cao, điều này sẽ rất nguy hiểm trước phòng không đối phương.
Để thích nghi, AC-130 buộc phải nâng cấp toàn diện và sâu rộng cả về hệ thống điện tử, hệ thống lực đẩy, cho tới hệ thống vũ khí. Điều này sẽ tiêu tốn một khoản ngân sách khổng lồ, trong khi hiệu quả được cho là không tương xứng.
Một số ý kiến cho rằng, AC-130 không còn phù hợp nữa, vì thế thay vì đổ tiền vào nâng cấp thì nên dành ngân sách đó để phát triển drone, vũ khí được cho là sẽ chiếm vị thế quan trọng trong chiến tranh hiện đại.
AC-130J Ghostrider là biến thể mới nhất của dòng cường kích lớn nhất hành tinh AC-130 của không quân Mỹ vốn ra đời từ năm 1966.
Loại máy bay này vốn được thiết kế sửa đổi từ khung gầm của máy bay vận tải hàng trung C-130J.
Cường kích hạng nặng AC-130J Ghostrider được thiết kế cho vai trò trinh sát và mở các cuộc tấn công bất ngờ ngăn chặn hướng tiến công mặt đất của đối phương.
Ngoài ra nó cũng đóng vai trò cứu hộ, hộ tống phòng không trong những nhiệm vụ cần thiết.
AC-130J Ghostrider được lắp đặt hệ thống điện tử hiện đại có thể bắt bám địa hình và phát hiện các mục tiêu trên mặt đất bất kể ngày đêm, trong mọi điều kiện thời tiết.
Ngoài ra khối lượng vũ khí mang theo trên chiếc cường kích này có thể chặn đứng một mũi tấn công của quân đối phương khi cần thiết.
AC-130J được trang bị kho vũ khí đồ sộ bao gồm pháo 30 ly, 105 ly, tên lửa AGM-114 Hellfire và AGM-179 Griffin, cũng như bom, đạn thông minh.
Tuy nhiên, với kích thước đồ sộ và tốc độ bay chậm, AC-130J thường dễ trúng đòn của hệ thống phòng không đối phương.
Cho tới thời điểm hiện tại, đây vẫn là chiếc cường kích mạnh mẽ nhất và to lớn nhất mà con người từng chế tạo.
Được biết dòng cường kích khổng lồ này đã từng được Mỹ cho tham chiến trong các cuộc xung đột mà nước này tham gia.
Tuy tạo được không ít tiếng vang, nhưng cũng có một số chiếc bị đối phương bắn hạ.