Căn cứ quân sự bí ẩn nhất của Mỹ và thuyết âm mưu liên quan máy bay MH370

ANTD.VN - Đảo Diego Garcia thuộc Ấn Độ Dương - nơi có một trong những căn cứ quân sự bí ẩn nhất của Mỹ, nhiều năm nay vướng vào tranh cãi và thuyết âm mưu. Thậm chí, có người còn tin rằng hòn đảo này là nơi giấu chuyến bay 370 của hãng hàng không Malaysia mất tích từ năm 2014.

Diego Garcia là một trong 60 đảo san hô thuộc quần đảo Chagos, từng thuộc chủ quyền của Mauritius. Năm 1965, Anh trao trả độc lập cho Mauritius, đổi lại nước này phải giao các đảo cho Anh. Từ đó tới nay, London đã cho đồng minh Mỹ thuê đảo này làm căn cứ quân sự.

Là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Chagos, căn cứ quân sự tuyệt mật Diego Garcia có vị trí chiến lược đối với các chiến dịch của quân đội Mỹ ở Trung Đông và châu Á.

Diego Garcia là căn cứ phát động tấn công Iraq trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 và máy bay quân sự được điều đi thực hiện các nhiệm vụ khác ở khu vực châu Á.

Ước tính có khoảng 3.000 - 5.000 nhân viên quân sự đóng tại căn cứ quân sự Diego Garcia, chủ yếu là người Mỹ

Khác với đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương, những nhân viên làm việc trên đảo Diego Garcia đều không mang theo gia đình. Ngoài nhân viên quân sự, người ngoài được phép tiếp cận chỉ là nhân viên hợp đồng làm công việc nấu ăn và dọn dẹp.

Năm 2008, bài viết trên tạp chí Time tiết lộ rằng một nhà tù bí mật trong “cuộc chiến chống khủng bố” đã tồn tại trên đảo từ năm 2002 đến 2006.

Quân đội Mỹ tuyên bố chưa bao giờ sử dụng hòn đảo cho mục đích như vậy, nhưng một số nguồn cấp cao cho rằng các tù nhân chiến tranh đã bị giam giữ và thẩm vấn trên đảo.

Ngoài ra, Diego Garcia còn trở thành chủ đề của một thuyết âm mưu nổi tiếng. Đó là hòn đảo này có thể nắm giữ câu trả lời cho một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không dân dụng: sự biến mất của chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines vào năm 2014.

Ngày 8-3-2014, chuyến bay MH370 cất cánh từ sân bay Kuala Lumpur dự kiến ​​sẽ hạ cánh xuống Bắc Kinh. Có 239 người trên máy bay, bao gồm cả hành khách và phi hành đoàn.

Phi hành đoàn đã không báo cáo bất cứ trục trặc nào trước khi máy bay biến mất khỏi radar và ngừng liên lạc với bộ phận kiểm soát mặt đất. Hệ thống máy bay tự động cũng không gửi bất kỳ cảnh báo lỗi nào.

Tuy nhiên, một radar quân sự đã chứng minh rằng chiếc máy bay đột ngột quay trở lại Malaysia, sau đó chuyển hướng về phía Ấn Độ Dương và biệt tăm tích. Khoảng trống này đã được lấp đầy bởi các thuyết âm mưu.

Theo nguồn tin trên mạng xã hội, thân nhân của các hành khách đã cố gắng liên lạc với người nhà của họ bằng điện thoại di động và cho biết họ có thể nghe thấy tín hiệu cuộc gọi.

Thậm chí 3 ngày sau khi máy bay biến mất, một số hành khách đã xuất hiện trực tuyến trên ứng dụng nhắn tin QQ của Trung Quốc.

Một số giả thuyết về mối liên hệ giữa vụ máy bay mất tích với căn cứ quân sự Diego Garcia ngày càng được củng cố.

Theo đó, máy bay bị CIA buộc phải hạ cánh xuống đảo vì có một hành khách hoặc một vật thể đáng ngờ. Sau khi máy bay hạ cánh, máy bay đã bị tháo dỡ, đốt cháy và một phần thân máy bay bị ném xuống biển.

Một giả thuyết khác cho rằng chiếc máy bay đã đi chệch hướng vì tình huống khẩn cấp, sau đó bị quân đội Mỹ bắn hạ vì đi vào vùng trời xung quanh Diego Garcia mà không được chấp thuận. Sau đó, họ che đậy để tránh một sự cố mang tầm quốc tế.

Những giả thuyết này trở nên phổ biến đến mức chính quyền Mỹ phải đưa ra tuyên bố chính thức phủ nhận rằng chiếc máy bay đã hạ cánh xuống Diego Garcia.

Vài năm sau vụ việc, hơn chục mảnh vỡ được cho là của chiếc máy bay đã dạt vào bờ biển của nhiều quốc gia khác nhau ở Ấn Độ Dương.

Vẫn còn nhiều giả thuyết xung quanh sự biến mất bí ẩn của chuyến bay 370 của Malaysia Airlines, nhưng đáng buồn là gia đình của những hành khách và thành viên phi hành đoàn mất tích vẫn chưa có câu trả lời.

Từ một nhà tù được cho là của CIA cho đến các thuyết âm mưu về vụ mất tích của chuyến bay Malaysia Airlines, có một điều chắc chắn: hòn đảo Diego Garcia vẫn còn là một bí ẩn.