Cái kết cho sự phản bội của tướng tình báo quân đội Liên Xô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Dmitri Polyakov đã tiết lộ cho các cơ quan tình báo Mỹ hàng trăm sĩ quan tình báo và người làm gián điệp cho Liên Xô. Sự phản bội của ông ta đã khiến nhiều người phải trả giá bằng mạng sống. Thiệt hại mà Polyakov gây ra không thể đo đếm được.
Dmitri Polyakov (thứ hai từ phải sang) khi bị bắt

Dmitri Polyakov (thứ hai từ phải sang) khi bị bắt

Dmitri Polyakov sinh ngày 6-7-1921 tại Ukraine, từng học ở Trường Pháo binh tại Kiev. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Polyakov tham gia chiến đấu và được nhận Huân chương Sao Đỏ, là trợ lý chỉ huy của đơn vị tình báo thuộc Tập đoàn quân 26. Sau chiến tranh, ông tốt nghiệp Khoa Tình báo Học viện Frunze và gia nhập Tổng cục Tình báo (GRU) thuộc Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô.

Vào đầu những năm 1950, Polyakov đã đến New York (Mỹ) với tư cách nhân viên phái đoàn Liên Xô tại Liên hợp quốc và bắt đầu tuyển mộ người làm việc cho GRU. Năm 1959, Đại tá Polyakov trở lại Mỹ với tư cách trưởng Ban thư ký Cơ quan đại diện Liên Xô trong Ban Tham mưu Quân sự của Liên hợp quốc…

Nhưng vào tháng 11-1961, Polyakov bắt đầu làm việc cho FBI. Nguyên nhân phản bội của ông ta được cho là không đủ tiền và không đưa được con đến Mỹ chữa bệnh khiến cậu bé tử vong. Ngày 8-11-1961, khi gặp “những người bạn Mỹ”, Polyakov đã phản bội 6 nhân viên mật mã của GRU, KGB và Bộ Ngoại giao Liên Xô làm việc tại Mỹ. Ông ta còn tiết lộ danh tính của những nhân viên tình báo bất hợp pháp của Liên Xô. Ngày 26-11-1961, Polyakov bán đứng 47 sĩ quan tình báo GRU, KGB hoạt động ở Mỹ và những người Mỹ làm gián điệp cho GRU...

Sau khi trở về nước vào mùa hè năm 1962, Polyakov được điều về Cục 3 thuộc GRU, chuyên giám sát hoạt động của các điệp viên Liên Xô tại New York, Washington và bắt đầu hợp tác với CIA theo thỏa thuận với FBI. Năm 1966, ông ta đến Myanmar công tác và đã cung cấp cho CIA thông tin về các tình báo viên cùng những người làm gián điệp cho Liên Xô ở đó.

CIA cũng nhận được nhiều tài liệu về đặc điểm của các hệ thống tên lửa mới nhất, về chiến lược của Bộ Tư lệnh Tối cao quân đội Liên Xô. Trở về nước vào tháng 12-1969, Đại tá Polyakov đào tạo tình báo viên để cử đi Trung Quốc và đã cung cấp cho CIA thông tin về các học viên này.

Năm 1973, Polyakov là trưởng nhóm điệp viên GRU ở Ấn Độ. Nhân viên KGB Leonid Shebarshin khi đó nghi ngờ Polyakov làm gián điệp cho Mỹ. Tuy nhiên, thông tin này đã bị bỏ qua. Polyakov được phong quân hàm Thiếu tướng và nhận Huân chương Sao Đỏ thứ hai. Năm 1976, ông ta trở về nước, nhận chức Trưởng khoa số 3 Học viện Ngoại giao Quân sự và đã trao cho tình báo Mỹ bản sao hồ sơ cá nhân của khoảng 1.300 sĩ quan tình báo tương lai.

Vào tháng 12-1979, Polyakov lại được cử tới Ấn Độ. Khi đó, ông ta là sĩ quan điều hành cấp cao của GRU tại Bombay và Delhi. Polyakov bị phản gián Liên Xô giám sát và bị triệu hồi về nước vào tháng 6-1980. Không lâu sau, căn hộ và biệt thự của gia đình Polyakov bị khám xét bí mật. KGB phát hiện nhiều đồ trang sức đắt tiền, thiết bị chụp ảnh mới nhất của Nhật Bản... Trong thời gian làm gián điệp cho Mỹ, Polyakov đã nhận được khoảng 75.000 USD.

Polyakov bị bắt vào ngày 7-7-1986. Là kẻ làm việc cho FBI và CIA trong 25 năm, ông ta đã phản bội 19 tình báo viên, 150 người làm gián điệp cho Liên Xô, khoảng 1.500 nhân viên của KGB và GRU… Thiệt hại mà Polyakov gây ra không thể đo đếm được. Khi biết bố mình là gián điệp, con trai ông ta - nhân viên của GRU đã tự sát.

Ngày 27-11-1987, Polyakov bị tòa tuyên án tử hình. Bản án được thi hành vào ngày 15-3-1988. Trong chuyến thăm Liên Xô vào cuối tháng 5-1988, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đề nghị nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev đổi Polyakov lấy bất kỳ điệp viên Liên Xô nào bị giam giữ ở Mỹ mà không biết rằng ông ta đã bị xử bắn 2 tháng trước đó.