Biến thể Delta thách thức toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Covid-19 biến thể Delta được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, đang hoành hành tại Mỹ, càn quét tại Anh, Bồ Đào Nha và xuất hiện trong các ổ dịch tại nhiều nước châu Âu khác như Đức, Pháp, Tây Ban Nha và hàng loạt các nước châu Á. Biến thể Delta đang thách thức nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid-19 toàn cầu.
Biến thể Delta đang thách thức nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid-19 toàn cầu

Biến thể Delta đang thách thức nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid-19 toàn cầu

Dễ lây nhiễm hơn các biến thể khác tới 60%

Thế giới chỉ thực sự biết đến biến thể Delta từ khoảng tháng 3-2021. Tuy nhiên, loại biến thể này đã và đang rất nhanh chóng lấn át toàn bộ các biến thể còn lại, chiếm hầu hết số ca nhiễm tại Anh, Nga và nhiều nơi khác trên thế giới.

Theo Thời báo Ấn Độ, quốc gia này đã ghi nhận những trường hợp tái nhiễm. Thậm chí, có người tái nhiễm Covid-19 chỉ 30 ngày sau khi hồi phục khỏi lần nhiễm đầu tiên. Việc tái nhiễm sau khi đã từng nhiễm Covid-19 là dấu hiệu cho thấy biến thể Delta đang có khả năng thoát khỏi hệ thống miễn dịch của con người. Các nhà khoa học cho rằng, biến thể này tạo ra những đột biến khiến cho hệ thống miễn dịch không còn nhận ra đó là virus SARS-CoV-2 nữa. Còn các nhà khoa học cảnh báo rằng, Delta dễ lây hơn biến thể Alpha (nguồn gốc Anh) tới 60%, có thể khiến người mắc dễ phải nhập viện hơn.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky nhận định rằng, biến thể Delta có thể thống trị tại Mỹ vào mùa hè năm nay. “Nó dễ lây nhiễm hơn biến thể Alpha hay biến thể đến từ Anh, đang hoành hành tại đây. Chúng ta đã chứng kiến nó nhanh chóng trở thành biến thể thống trị chỉ trong vòng 1-2 tháng. Tôi cho rằng điều đó sẽ diễn ra tại đây” - bà Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết.

Giới lãnh đạo châu Âu cũng đã lên tiếng cảnh báo cần những biện pháp kiểm soát dịch mới vì diễn biến đáng lo ngại từ biến thể Delta. Phân tích dữ liệu từ Tổ chức Sáng kiến toàn cầu chia sẻ dữ liệu cúm (GISAID), báo Financial Times cho biết, biến thể Delta chiếm tới 96% các ca lây nhiễm theo chuỗi tại Bồ Đào Nha, hơn 20% tại Italia và khoảng 16% tại Bỉ. Tại Anh, số ca Covid-19 đã tăng gấp ba trong tháng trước và biến thể Delta chiếm khoảng 98% số ca nhiễm mới.

“Biến thể Delta đang dần trở thành biến thể chiếm lĩnh trên toàn cầu do khả năng lây lan của nó ngày càng gia tăng”.

Nhà khoa học Soumya Swaminathan (Tổ chức Y tế thế giới - WHO)

“Chính phủ Anh nhấn mạnh sự cần thiết phải hoàn thành chương trình tiêm chủng càng sớm càng tốt sau khi dữ liệu chính thức cho thấy, biến chủng Delta dường như làm tăng nguy cơ nhập viện gấp 2,2 lần so với biến chủng Alpha được phát hiện tại Anh”.

Nhà virus học Bruno Lina (Cố vấn của Chính phủ Pháp)

“Việc tiêm chủng vaccine Covid-19 đầy đủ sẽ giúp chống lại biến thể Delta”.

Rochelle Walensky (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ - CDC)

Nhiều lo ngại cho rằng, việc số ca nhiễm Covid-19 liên quan tới biến thể Delta đang ngày một tăng tại châu Âu có thể phá bỏ toàn bộ những bước tiến tích cực tại Liên minh châu Âu (EU) hơn 2 tháng qua trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phân loại biến thể Delta ở mức “biến thể đáng lo ngại”. Nhà khoa học của WHO Soumya Swaminathan cho hay: “Biến thể Delta đang dần trở thành biến thể chiếm lĩnh trên toàn cầu do khả năng lây lan của nó ngày càng gia tăng”.

Phải hành động để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng

Biến chủng Delta, được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ và đang bùng phát tại Anh, hiện đã lan rộng ở Bồ Đào Nha và xuất hiện tại một số khu vực ở Đức, Pháp và Tây Ban Nha, khiến các quan chức y tế châu Âu cảnh báo cần phải hành động để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng này.

Báo cáo phân tích dữ liệu của tờ Financial Times cho biết, mặc dù chủng virus mới - xuất hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ, chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng số ca mắc Covid-19 ở châu Âu, nhưng biến chủng này đang gia tăng, chiếm tới 96% các ca mắc mới Covid-19 tại Bồ Đào Nha, hơn 20% tại Italia và khoảng 16% tại Bỉ. Điều này làm dấy lên lo ngại biến chủng mới có thể cản trở những nỗ lực mà EU đã đạt được trong vòng hai tháng qua trong việc giảm các ca mắc và tử vong do Covid-19 xuống mức thấp nhất kể từ mùa thu năm ngoái.

Tại Bồ Đào Nha, biến chủng Delta đang lây lan trong cộng đồng tại khu vực Lisbon mở rộng, nơi chiếm hơn 60% tổng số ca mắc Covid-19 trong tuần qua tại nước này. Bồ Đào Nha hiện đã ban hành lệnh cấm rời khỏi khu vực này và các hoạt động đi lại không thiết yếu nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến chủng này sang các khu vực trong nước khác.

Tờ Financial Times dẫn lời Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết, biến chủng Delta chiếm từ 2% đến 4% các mẫu virus được phân tích ở Pháp. Ông nhấn mạnh dù con số này vẫn thấp, nhưng tình hình ở Anh vài tuần trước cũng tương tự như vậy. Nhà chức trách Pháp hiện đang nỗ lực ngăn chặn dịch bùng phát tại vùng Landes, gần biên giới Tây Ban Nha, nơi 125 ca mắc Covid-19 với biến chủng Delta đã được phát hiện qua giải trình tự gene và 130 ca nghi ngờ khác, chiếm khoảng 30% các ca mắc mới gần đây tại khu vực này.

Các nhà khoa học châu Âu hiện đang tập trung vào Anh - nơi số ca mắc Covid-19 đã tăng gấp 3 trong tháng qua với biến chủng Delta chiếm khoảng 98% tổng số ca mắc Covid-19 - để dự báo về diễn biến của đại dịch cũng như tìm ra những biện pháp ứng phó. Sau khi dữ liệu chính thức cho thấy biến chủng Delta dường như làm tăng nguy cơ nhập viện gấp 2,2 lần so với biến chủng Alpha được phát hiện tại Anh, Chính phủ Anh đã lùi lộ trình dỡ bỏ phong tỏa đất nước thêm 4 tuần. Nhà virus học Bruno Lina, cố vấn của Chính phủ Pháp cho biết, các quyết định mở cửa trở lại của Anh sẽ là một thí nghiệm đối với châu Âu. Nghiên cứu gần đây của chính phủ Anh nhấn mạnh sự cần thiết phải hoàn thành chương trình tiêm chủng càng sớm càng tốt.

Dữ liệu của Cơ quan Y tế Công cộng Anh cho thấy việc chỉ tiêm 1 mũi vaccine ngừa Covid-19 tỏ ra kém hiệu quả đối với biến chủng Delta so với các chủng trước đó. Trong khi đó, việc tiêm đủ 2 mũi tăng khả năng bảo vệ đối với biến chủng Delta từ 33% lên tới 81%. Trong khi ở Anh, khoảng 46% dân số đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, tỷ lệ này ở hầu hết các quốc gia châu Âu khác chỉ dao động ở mức 20-30%.

Một số nhà khoa học lo ngại biến chủng Delta có thể đã lan rộng nhưng chưa bị phát hiện do việc giải trình tự gene để xác định các biến chủng ít được thực hiện tại châu Âu bởi chi phí cao và tốn thời gian. Trong khi Anh đã giải trình tự hơn 500.000 bộ gene SARS-CoV-2, con số này lần lượt chỉ đứng ở mức khoảng 130.000, 47.000 và 34.000 tại Đức, Pháp và Tây Ban Nha. Các chuyên gia tin rằng, biến chủng Delta sẽ thống trị tại bất cứ nơi nào nó xuất hiện, và cho rằng, chìa khóa để giải quyết vấn đề là tăng tỷ lệ người dân được tiêm đủ 2 mũi vaccine, đồng thời làm chậm quá trình lây lan của virus càng nhanh càng tốt.

Việc tiêm chủng vaccine Covid-19 đầy đủ sẽ giúp chống lại biến thể Delta

Việc tiêm chủng vaccine Covid-19 đầy đủ sẽ giúp chống lại biến thể Delta

Trông chờ vào “vũ khí” vaccine Covid-19

Theo các chuyên gia y tế, việc tiêm chủng vaccine Covid-19 có thể ngăn biến thể Delta lây lan mạnh. Phân tích từ cơ quan y tế công cộng Anh cho thấy, 2 liều vaccine của Pfizer và AstraZeneca có hiệu quả cao trong ngăn chặn người mắc biến thể Delta phải nhập viện.

Thời báo Kinh tế Ấn Độ cũng cho biết, các ghi nhận tại Ấn Độ cho thấy việc thoát khỏi hệ thống miễn dịch của biến thể Delta vẫn chưa phải là phổ biến. Những người đã tiêm vaccine Covid-19 như của AstraZeneca, khả năng ngăn chặn virus gây bệnh nặng là rất rõ ràng.

Thực tế cho thấy, đối với những người Ấn Độ đã tiêm vaccine dù mới chỉ 1 mũi, 70% không phải nhập viện, 94 - 95% không cần hồi sức tích cực. Với những người đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine, khả năng bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng bệnh trở nặng còn rõ ràng hơn rất nhiều, dù các nghiên cứu gần đây cho thấy, biến thể Delta có khả năng chống lại sự tấn công của hệ thống miễn dịch đã gấp tới 6 lần so với chủng virus phát hiện tại Vũ Hán, cao hơn các biến thể từ Anh hay Nam Phi, khả năng chống lại hệ thống miễn dịch gấp lần lượt từ 2,6 đến gần 5 lần chủng virus Vũ Hán.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky nhấn mạnh, việc tiêm chủng vaccine Covid-19 đầy đủ sẽ giúp chống lại biến thể Delta. Trong khi đó, nhà sản xuất vaccine Sputnik V của Nga cho biết, sẽ sớm sản xuất một loại vaccine được điều chỉnh, có thể tiêm nhắc ngay cả với những người đã được tiêm các loại vaccine khác để tăng khả năng miễn dịch với biến thể Delta.