Thúc đẩy hợp tác đa phương phòng chống tội phạm xuyên quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tội phạm xuyên quốc gia - với các tội phạm mang tính truyền thống lâu nay như khủng bố, buôn bán ma túy, buôn bán người… và tội phạm mới nổi cùng sự bùng nổ của khoa học công nghệ như tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng - là một trong những thách thức an ninh phi truyền thống nghiêm trọng trên toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia và tổ chức trên thế giới phải cùng nhau hợp tác phòng chống.
Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an (hàng đầu thứ hai từ trái sang) phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị

Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an (hàng đầu thứ hai từ trái sang) phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị

Thách thức an ninh phi truyền thống nghiêm trọng

Hội nghị quốc tế lần thứ 12 Lãnh đạo cấp cao phụ trách an ninh đã diễn ra trong 3 ngày từ 23 đến 25-4 tại thành phố St. Petersburg của Liên bang Nga với sự tham dự của các thư ký hội đồng an ninh, cố vấn và trợ lý an ninh quốc gia, phó thủ tướng, người đứng đầu các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan tình báo của 106 quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng như đại diện của 10 tổ chức quốc tế. Đoàn đại biểu Việt Nam do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dẫn đầu.

Hội nghị quốc tế Lãnh đạo cấp cao phụ trách an ninh được tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội đồng An ninh Nga kể từ năm 2010 và năm nay là cuộc họp lần thứ 12 theo hình thức như vậy. Hội nghị năm 2023 diễn ra ở vùng Thủ đô Matxcơva với sự tham gia của đại diện hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hội nghị quốc tế lần thứ 12 Lãnh đạo cấp cao phụ trách an ninh tập trung vào đảm bảo cung cấp an ninh thông tin trong bối cảnh thế giới phân cực. Chương trình nghị sự cũng bao gồm vấn đề giữ gìn bản sắc dân tộc, các giá trị truyền thống như một yếu tố không thể thiếu trong việc hỗ trợ an ninh, hòa bình và ổn định quốc tế. Ngoài ra, đại diện của các nước đã thảo luận về hợp tác nhằm ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp cũng như bảo vệ người dân trong các cuộc xung đột và các tình huống khẩn cấp do thảm họa…

Phát biểu tại phiên tòan thể ngày khai mạc, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev cho rằng, Hội nghị này ngay từ đầu đã cho thấy sự cần thiết vì nó mở ra cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm những cách tiếp cận mới và các giải pháp tổng hợp chung cho các vấn đề cấp bách về an ninh khu vực và toàn cầu. Đề cập đến các vấn đề an ninh quốc tế, ông Nikolai Patrushev khẳng định, Nga sẽ tiếp tục bảo vệ quá trình tạo ra trật tự thế giới công bằng, đáp ứng lợi ích của đa số các nước, dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng bản sắc văn hóa-văn minh.

Đáng chú ý, Hội nghị quốc tế Lãnh đạo cấp cao phụ trách an ninh năm nay diễn ra trong bối cảnh bên cạnh thách thức an ninh truyền thống là xung đột quân sự tại Ukraine và Trung Đông, tội phạm xuyên biên giới vẫn là một thách thức an ninh phi truyền thống nghiêm trọng trên thế giới, nhất là chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng. Đặc biệt, nước Nga chủ nhà vừa phải hứng chịu một cuộc tấn công khủng bố nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm qua - vụ tấn công khủng bố vào Nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô Matxcơva khiến ít nhất 144 người thiệt mạng và khoảng 189 người bị thương.

Vì thế, trong thông điệp video chào mừng Hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, chủ nghĩa khủng bố quốc tế vẫn là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất của thế kỷ 21, đồng thời, một vấn đề an ninh cấp bách hiện nay là bảo vệ không gian thông tin trước những mối đe dọa bên ngoài và bên trong. Theo nhà lãnh đạo Nga, chủ đề này có liên quan đến tất cả các nước, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công cuộc bảo đảm an ninh quốc gia, ổn định xã hội và phát triển kinh tế.

Nhìn nhận về nguy cơ tội phạm công nghệ cao, Người đứng đầu nước Nga cho rằng, cộng đồng quốc tế cần tạo ra một cách có hệ thống và nhất quán các chuẩn mực và nguyên tắc thống nhất, ràng buộc về mặt pháp lý cho hành vi của các quốc gia trong lĩnh vực thông tin. Ông cũng tái khẳng định Nga sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với tất cả các đối tác quan tâm nhằm đảm bảo an ninh khu vực và toàn cầu trong quá trình hình thành trật tự thế giới đa cực mới, đáp ứng lợi ích của đa số các nước trên thế giới.

Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia

Là quốc gia hội nhập ngày càng sâu rộng trong một thế giới mà tội phạm xuyên biên giới là một thách thức an ninh phi truyền thống và mối đe dọa nghiêm trọng, Việt Nam cũng đứng trước những thách thức, đe dọa về an ninh trật tự, đe dọa sự ổn định của đất nước, bình yên cuộc sống của người dân. Đặc biệt, lợi dụng chủ trương và sự hội nhập quốc tế sâu rộng của Đảng và Nhà nước ta, một số đối tượng trong nước đã liên lạc, móc nối với một số tổ chức phản động, chống đối ở nước ngoài hoạt động khủng bố, bênh cạnh đó là tội phạm xuyên biên giới như tội phạm mạng, tội phạm buôn bán ma túy...

Trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là vào ngày 11-6-2023, một nhóm đối tượng đã gây ra vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân tại tỉnh Đắk Lắk, làm 9 người thiệt mạng, 2 người bị thương. Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, vụ án khủng bố xảy ra do có sự hậu thuẫn, chỉ đạo từ một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, thậm chí cử đối tượng từ nước ngoài xâm nhập trái phép về Việt Nam để dàn dựng, chỉ đạo tấn công khủng bố.

Những diễn biến phức tạp của tình hình khủng bố trên thế giới và khu vực tiếp tục tác động tới nước ta, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện khủng bố. Theo Cục An ninh nội địa - Bộ Công an, trong những năm tới có những nguy cơ khủng bố quốc tế hiện hữu ở nước ta. Trong đó, trước sự truy quét của lực lượng chức năng các nước, không loại trừ việc một số tổ chức, cá nhân chọn Việt Nam làm nơi ẩn náu hoặc địa điểm trung chuyển đi nước thứ ba.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng internet, các mạng xã hội cao, Việt Nam đang phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng lớn hơn của tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng. Báo cáo tổng kết An ninh mạng Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024 của Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) cho biết, năm 2023 đã ghi nhận 13.900 vụ tấn công mạng vào các tổ chức tại Việt Nam, trung bình mỗi tháng xảy ra 1.160 vụ, tăng 9,5% so với năm 2022. Các mục tiêu chịu nhiều cuộc tấn công nhất trong năm qua là các cơ quan chính phủ, hệ thống ngân hàng, tổ chức tài chính, hệ thống công nghiệp và các hệ thống trọng yếu khác. Năm 2023, Bộ Công an đã cảnh báo, xử lý hàng chục triệu các vụ việc có liên quan đến xâm phạm cơ sở dữ liệu cá nhân.

Do đó, phát biểu tại phiên toàn thể của Hội nghị quốc tế lần thứ 12 Lãnh đạo cấp cao phụ trách an ninh, Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an - nhận định, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trên phạm vi toàn cầu đang đẩy nhanh các hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra trên diện rộng, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê của các hãng bảo mật quốc tế, Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước bị tấn công mạng nhiều nhất tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Hoạt động tội phạm công nghệ cao thường kết cấu với đối tượng ở nước ngoài, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Vì thế, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, cần thúc đẩy hợp tác đa phương hiện có trong các khuôn khổ như Interpol, Europol, Aseanpol và những cơ chế khác để điều tiết, hỗ trợ các nước trong công cuộc đảm bảo an ninh mạng, phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm mạng, tội phạm xuyên quốc gia. Đại tướng Tô Lâm khẳng định Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa của Hội nghị và mong muốn tiếp tục cùng các đối tác và bạn bè quốc tế chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến về phòng, chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.