Hệ thống y tế Haiti “thoi thóp” trong làn sóng bạo lực băng đảng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hệ thống y tế Haiti gần như sụp đổ khi nguồn cung cấp thuốc cạn kiệt, các băng đảng tấn công bệnh viện, trong khi sân bay, bến cảng nhập hàng hóa thiết yếu đã bị tê liệt từ lâu.
Bệnh nhi được điều trị tại bệnh viện của Tổ chức Bác sĩ không biên giới trong khu vực Cite Soleil, Thủ đô Port-au-Prince, Haiti

Bệnh nhi được điều trị tại bệnh viện của Tổ chức Bác sĩ không biên giới trong khu vực Cite Soleil, Thủ đô Port-au-Prince, Haiti

Vào một buổi sáng tại bệnh viện trung tâm Thủ đô của Haiti, một phụ nữ bị co giật được đưa tới cấp cứu. Khi bác sĩ và hai y tá chạy đến thì bệnh nhân đã mềm nhũn. Họ dán các điện cực để sốc tim và bật máy tạo ôxy trong khi màn hình máy tính cho thấy mức ôxy thấp đến mức nguy hiểm. Không ai biết chuyện gì đã xảy ra với bệnh nhân. Đáng lo ngại hơn nữa, bệnh viện do Tổ chức Bác sĩ không biên giới đặt ở ở khu ổ chuột Cite Soleil đang cạn kiệt loại thuốc quan trọng để điều trị chứng co giật. Bác sĩ Rachel Lavigne cho biết: “Loại thuốc mà cô ấy cần, chúng tôi hầu như không có”.

Đó là một cảnh tượng quen thuộc lặp đi lặp lại hàng ngày tại các bệnh viện và phòng khám trên khắp Thủ đô Port-au-Prince, nơi thuốc và thiết bị cứu sống bệnh nhân đang cạn kiệt hoặc không còn khi các băng đảng tàn bạo siết chặt vòng vây ở Thủ đô. Họ đã chặn đường, buộc sân bay quốc tế chính phải đóng cửa vào đầu tháng 3 và làm tê liệt hoạt động tại cảng biển lớn nhất nước này, cho dù các container chứa đầy hàng hóa thiết yếu vẫn bị mắc kẹt.

Theo bác sĩ Lavigne, bản thân Tổ chức Bác sĩ không biên giới đã hết nhiều loại thuốc dùng để điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp cao và cả thuốc cho bệnh nhân hen suyễn. Gần đây, nhân viên y tế của bệnh viện đã cố gắng cứu một cậu bé lên cơn hen nặng bằng ôxy, nhưng cách đó không có tác dụng. Cuối cùng, họ tiêm cho cậu adrenaline, loại thuốc được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp để điều trị sốc phản vệ. “Chúng tôi ứng biến và làm hết sức mình cho người dân ở đây”, bà Lavigne nói.

Ông Jacob Burns - điều phối viên dự án tại Tổ chức Bác sĩ không biên giới chia sẻ, bất chấp nhu cầu cấp thiết về chăm sóc y tế, bệnh viện của họ ở Cite Soleil đã buộc phải cắt giảm số lượng bệnh nhân ngoại trú điều trị hàng ngày từ 150 xuống còn 50 để ưu tiên cho các trường hợp khẩn cấp. Mỗi ngày, hàng chục người xếp hàng bên ngoài bệnh viện và có nguy cơ bị các thành viên băng đảng kiểm soát khu vực bắn vào khi họ đang chờ chăm sóc y tế. Gần đây, 5 người bị thương do đạn đã đến bệnh viện sau khi nằm cả đêm trên một chiếc xe buýt công cộng không thể di chuyển vì tiếng súng dữ dội.

Hệ thống y tế của Haiti từ lâu đã rất mong manh, nhưng giờ đây nó gần như ngưng trệ sau khi các băng đảng phối hợp tấn công nhắm vào các cơ sở quan trọng ở Thủ đô vào ngày 29-2. Bạo lực đã buộc một số cơ sở y tế và trung tâm lọc máu phải đóng cửa, trong đó có bệnh viện công lớn nhất Haiti. Nằm ở trung tâm thành phố Port-au-Prince, Bệnh viện Đại học Haiti lẽ ra mở cửa trở lại vào ngày 1-4 nhưng các băng đảng đã xâm nhập vào đó. Một trong số ít cơ sở vẫn còn hoạt động là Bệnh viện Đại học Hòa bình, nằm gần sân bay. Từ ngày 29-2 đến 15-4, bệnh viện đã điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân bị vết thương do đạn. “Chúng tôi rất cần nhiên liệu vì chúng tôi vận hành bằng máy phát điện. Nếu không, chúng tôi có nguy cơ phải đóng cửa”, Tiến sĩ Paul Junior Fontilus - Giám đốc bệnh viện cho biết.

Theo một báo cáo gần đây của Liên hợp quốc, hơn 2.500 người đã thiệt mạng hoặc bị thương trên khắp Haiti từ tháng 1 đến tháng 3-2024, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả khi bệnh viện mở cửa, nhân viên y tế cũng thiếu người. Các băng nhóm cũng cướp bóc và phóng hỏa các hiệu thuốc ở khu vực trung tâm Thủ đô. Sự hỗn loạn này đã khiến ngày càng nhiều bệnh nhân mắc bệnh ung thư, AIDS và các bệnh nghiêm trọng khác không có cơ hội cứu chữa.