Thủ tướng Armenia - ông Nikol Pashinyan đang là tâm điểm của những tranh cãi tại quốc gia này, sau khi vị lãnh đạo trên liên tiếp đưa ra những lời giải thích nhằm biện minh cho thất bại của họ trong cuộc chiến Nagorno-Karabakh trước Azerbaijan.
Theo Sputnik Armenia, phát biểu tại khu vực Aragatsotn với người dân làng Ohanavan, ông Nikol Pashinyan tuyên bố rằng ban lãnh đạo Armenia trước đây đã mua từ Nga máy bay chiến đấu Su-30SM mà không có tên lửa đi kèm.
Theo ghi nhận, Thủ tướng Pashinyan đã phẫn nộ và đưa ra những lời buộc tội này trước đám đông: "Do ai mà đất nước của chúng ta đã không có máy bay chiến đấu trong tình huống chiến tranh"?
Mặc dù vậy, ông Konstantin Makienko - một chuyên gia quân sự, đồng thời giữ cương vị Phó giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) của Nga đã cho biết như sau:
"Một lần nữa, tuyên bố của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan gây bất ngờ lớn. Thứ nhất, máy bay chiến đấu, đặc biệt là tiêm kích hiện đại hầu như không bao giờ được chuyển giao mà không có đạn dược".
"Thông thường ít nhất cũng phải có một bộ vũ khí hàng không tiêu chuẩn được cung cấp đồng thời với phương tiện sử dụng, trong trường hợp này là máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM", tức là phải đủ cả vũ khí đối không và đối đất.
"Về nguyên tắc, trong lịch sử đã có trường hợp một nhà nhập khẩu mua vũ khí hàng không muộn hơn một chút so với chính máy bay đó. Nhưng đây là trường hợp rất đặc biệt".
"Cá nhân tôi chỉ có thể đưa ra một ví dụ, lần đầu tiên người Indonesia mua máy bay chiến đấu Su-30MK, và sau đó một thời gian rất ngắn họ đã ngay lập tức mua thêm vũ khí trang bị cho chiếc tiêm kích", ông Makienko cho biết.
Trong trường hợp của Armenia, hoàn toàn chắc chắn rằng Yerevan đã nhận được máy bay chiến đấu Su-30SM cùng với vũ khí hàng không. Nhân tiện, chính Thủ tướng Pashinyan đã cho biết về thực tế này.
Hơn nữa, ông ta không chỉ nói mà còn viết trên Facebook cá nhân vào ngày 3/7/2020: "Su-30SM đã thực hiện các chuyến bay huấn luyện đầu tiên, đã thử nghiệm tên lửa đối với các hoạt động tấn công, tất cả mọi mục tiêu đều bị bắn trúng với độ chính xác cao". Đó là 3 tháng trước chiến tranh.
Trong lúc này, giới chuyên môn lại liên hệ tới tuyên bố của Thủ tướng Pashinyan về chất lượng kém của tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-E nhập khẩu từ Nga, khi nói rằng "chỉ 10% phát nổ".
"Nó là như thế nào? 10% tên lửa Iskander đã phát nổ? Hay 10% đầu đạn tên lửa đã nổ? Cho dù ông ta muốn nói đến điều gì, phát ngôn trên vẫn thành ra vô nghĩa và thể hiện sự kém hiểu biết về khí tài quân sự", chuyên gia Nga nhấn mạnh.
Tuy vậy, nếu tiêm kích Su-30SM thực sự đã có đầy đủ vũ khí thì tại sao nó lại "mất hút" trên chiến trường trong khi Quân đội Armenia rất cần nó, đây là một câu hỏi khác cần lời giải đáp.
Nguyên nhân chính liệu đến từ chất lượng vũ khí được Nga cung cấp cho Armenia, hay chỉ đơn giản là các phi công của họ thiếu kinh nghiệm cũng như kỹ năng khi vận hành phương tiện tác chiến tối tân, có lẽ sẽ cần thêm thời gian để có câu trả lời.