Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Ăn gì không chết” (How not to die) là tên một tác phẩm rất nổi tiếng của bác sĩ Michael Greger, nhà sáng lập Nutritionfacts.org, người lừng danh thế giới về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và các vấn đề sức khỏe cộng đồng. Ông cũng là Giám đốc về y tế công và chăn nuôi tại tổ chức nhân đạo Mỹ. Cuốn sách này do Nhà xuất bản Trẻ phát hành, đã tái bản nhiều lần và nhận được sự quan tâm rất lớn của bạn đọc vì nội dung bổ ích của nó.
Cuốn sách “Ăn gì không chết” của Michael Greger được kỳ vọng có thể giúp những người dễ bị bệnh có thể phòng ngừa được bằng dinh dưỡng hợp lý

Cuốn sách “Ăn gì không chết” của Michael Greger được kỳ vọng có thể giúp những người dễ bị bệnh có thể phòng ngừa được bằng dinh dưỡng hợp lý

Cơ bản, “Ăn gì không chết” là một cuốn sách cho chúng ta rất nhiều hiểu biết về dinh dưỡng, để điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống cho mình, bảo đảm một sức khỏe tốt tức là bảo đảm hạnh phúc cho cuộc sống của mình và người thân. “Ăn gì không chết” của Michael Greger đề xuất những biện pháp phòng ngừa và điều trị để xử lý những ốm đau bệnh tật mà tất cả chúng ta đều dễ mắc phải. Cuốn sách này được kỳ vọng có thể giúp những người dễ bị bệnh có thể phòng ngừa được bằng dinh dưỡng hợp lý.

Michael Greger đề cao ăn chay. Ông chứng minh sức mạnh chữa lành của thực phẩm với hầu hết bệnh tật của con người bằng phương pháp ăn chay. Ông chứng minh bằng các số liệu khoa học rằng ăn thịt làm giảm tuổi thọ thế nào. Thậm chí ông còn cho rằng nên loại bỏ hoàn toàn thực phẩm từ động vật, kể cả trứng và sữa, trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Nếu Michael Greger ở Việt Nam, ông sẽ thấy rằng ăn chay cũng có thể chết, nếu như ăn phải pa-tê chay có chứa chất cực độc thương hiệu Minh Chay. Tất nhiên đây chỉ là một câu đùa. Nhưng ăn chay ở Việt Nam đang trở thành phổ biến đến mức nở rộ trong một số năm gần đây. Số lượng các cửa hàng bán thực phẩm chay tăng lên nhanh chóng phục vụ đối tượng ăn chay ngày một đông đảo. Các nhà hàng chay cũng tăng lên rất nhanh, các món chay ngày một phong phú. Nếu xếp các sách hướng dẫn làm các món chay mới xuất bản gần đây lại với nhau, có khi phải dài hàng mét.

Song có một sự thật là, với việc ăn chay ở Việt Nam, yếu tố dinh dưỡng không quan trọng bằng yếu tố tâm linh. Ăn chay trường, ăn chay một tháng mười ngày, hay chỉ ăn chay mồng một, ngày rằm, khấn nguyện ăn chay vì một lời cầu xin sức khỏe người thân, ăn chay sám hối, ăn chay mùa Vu Lan… chẳng hạn thế.

“Ăn gì cũng quyết định bởi tâm. Ăn thực vật có khi cũng phải nghĩ đến việc ngắt cái lá khỏi cành, cái lá cũng đau. Ăn chay được thì quá tốt, tránh sát sinh thì quá tốt… Miễn trong lòng đừng quên câu “Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối” là được.

Nhà báo Phạm Thanh Hà

Ăn chay mang ý nghĩa về mặt tinh thần trước hết. Với những ai có ý định tu tập, ăn chay là việc đầu tiên phải thực hành. Ăn những món ăn có nguồn gốc từ thực vật, không ăn thực phẩm có nguồn gốc động vật, để tránh sát sinh, tăng trưởng lòng từ bi với động vật, tránh luân hồi nghiệp báo. Những con vật bị giết theo nhiều cách, cơ bản là dã man, để trở thành món ăn thường có chứa thêm uất khí, nộ khí, oán khí, bi khí, hoảng khí, bế khí…, sẽ không có lợi cho sức khỏe người ăn. Đấy là cách lý giải của đạo Phật, nó khác với việc chăm lo đánh giá chỉ số calori cao hay thấp mà các chuyên gia dinh dưỡng thường hay nói đến.

Theo cách nào, ăn chay vẫn là cách tốt nhất để giữ cho cả thân và tâm được an lành. Chỉ có điều, như trong bất cứ mọi lĩnh vực khác, làm gì cho thật với tâm mình cũng đều quan trọng hơn hết. Các cụ ngày xưa quá đúng khi nói rằng “Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối”. Và ăn chay, nếu chỉ nhìn từ quan điểm dinh dưỡng, thì mọi cách chế biến cho ngon miệng đều có thể hiểu được. Nhưng nếu ăn chay vì quan điểm tâm linh, bày tỏ lòng từ bi bác ái, thì nhiều những món chay giả mặn thật là điều rất khó hiểu trong việc ăn chay ở nước mình.

Nhà báo Phạm Thanh Hà

Nhà báo Phạm Thanh Hà

Tôi đã từng được ăn cỗ chay tại một ngôi chùa lớn, rất nhiều món, mà kinh ngạc nhất là có món dồi chó, tất nhiên là dồi chó chay, nhân đỗ xanh, lạc… quấn vào vỏ váng đậu, có vị riềng, lá húng, ăn khá giống. Thật sự ăn món đó tâm rất khó mà không động. Ăn chay mà cũng phải lẩm nhẩm: “Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó…”.

Lại đã từng nghe nói, và đọc thấy hướng dẫn, có món tiết canh chay làm từ nước ép củ dền. Nghĩ cũng lạ, đã tránh sát sinh, không ăn những thực phẩm từ động vật có màu đỏ, mà lại làm những món quá thể trần ai phàm tục như vậy. Các loại giò chả làm từ thịt lợn hầu hết đều có tên (là tên thôi) trong danh mục các món chay: giò lụa, giò nấm, chả chìa, sườn chua ngọt, xúc xích…, rồi nem, rồi cá kho, chả cá, rồi ốc chuối đậu. À đấy lại cả pate nữa. Chỉ kể vài tên thế mới thấy tâm ăn uống sân si còn nhiều quá, đỗ lạc vừng rau quả các loại không làm giảm bớt được.

Mà nói thế thôi, lạ thì nói, chứ chẳng bắt bẻ được. Tu tại chùa cũng còn ba bảy đường, nữa là tập tành tu tập tại gia. Ăn gì cũng quyết định bởi tâm. Ăn thực vật có khi cũng phải nghĩ đến việc ngắt cái lá khỏi cành, cái lá cũng đau. Ăn chay được thì quá tốt, tránh sát sinh thì quá tốt… Miễn trong lòng đừng quên cái câu “Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối” là được.

Tin đọc nhiều