Ấn Độ đẩy nhanh kế hoạch nâng cấp hạm đội tàu ngầm, đối phó Trung Quốc

ANTĐ - Hiện nay hải quân Ấn Độ có 13 chiếc tàu ngầm chạy điện và diesel đã cũ, và chỉ một nửa trong số đó có thể hoạt động vào bất kỳ lúc nào nhờ được trang bị lại. Năm ngoái, một tàu ngầm của họ bị chìm sau các vụ nổ và cháy khi neo ở Mumbai.

Chỉ vài tháng sau cuộc đối đầu ở biên giới Himalayas giữa Trung Quốc và Ấn Độ, tàu ngầm Trung Quốc đã có xuất hiện ở Sri Lanka, đảo quốc nằm ở duyên hải phía nam Ấn Độ. Trung Quốc cũng đã tăng cường quan hệ hợp tác với Maldives, một đảo quốc khác ở Ấn Độ Dương.

Những động thái này cho thấy Trung Quốc quyết tâm tăng cường sự hiện diện tại Ấn Độ Dương, nơi mà 4/5 trữ lượng nhập khẩu dầu của nước này đi qua. Những diễn biến trên xảy ra cùng thời điểm Trung Quốc gây ra căng thẳng ở biển Đông.
Ấn Độ đẩy nhanh kế hoạch nâng cấp hạm đội tàu ngầm, đối phó Trung Quốc ảnh 1Sự xuất hiện của tàu ngầm Trung Quốc tại Ấn Độ Dương đang làm Ấn Độ lo lắng

“Chúng ta nên lo lắng về hạm đội tàu ngầm yếu kém của mình. Cộng với cách mà Trung Quốc gây sức ép với chúng ta ở Himalaya và gần đây là Ấn Độ Dương càng làm chúng ta phải quan ngại hơn nữa”, cựu chỉ huy hải quân Ấn Độ, Arun Prakash cho hay.

“Thật may mắn, có những dấu hiệu chỉ ra rằng chính phủ đã bừng tỉnh trước cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, sẽ phải mất nhiều thời gian để xây dựng lại sức mạnh tàu ngầm. Chúng ta nên hy vọng Ấn Độ sẽ không phải đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, và các nhà ngoại giao cùng đồng minh sẽ giúp chúng ta đảm bảo điều này”, ông Arun Prakash nói thêm.

Chính phủ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ra lệnh đẩy nhanh kế hoạch đóng mới 6 tàu ngầm chạy điện-diesel với chi phí ước tính khoảng 8,1 tỉ USD, cùng dự án lắp đặt 6 tàu ngầm tương tự mà công ty DCNS của Pháp đang thực hiện ở cảng Mumbai, thay thế hạm đội tàu đã gần 30 năm tuổi của nước này.

Tàu ngầm hạt nhân nội địa đầu tiên của Ấn Độ, có trang bị tên lửa hạt nhân, sẽ được thử nghiệm trên biển vào tháng này  và gia nhập hạm đội vào cuối 2016. Hiện tại, Ấn Độ đang đàm phán nhằm thuê thêm một tàu ngầm hạt nhân của Nga, giới chức Ấn Độ cho hay.

Chính phủ Ấn Độ đang muốn hợp tác với tập đoàn công nghiệp Larsen & Toubro Ltd, công ty chịu trách nhiệm chế tạo vỏ cho chiếc tàu ngầm hạt nhân nội địa dầu tiên, sản xuất thêm 2 chiếc tàu ngầm khác.

Đối với những nước khác trong khu vực, Úc đang lên kế hoạch mua thêm 12 tàu ngầm tàng hình từ Nhật, trong khi Việt Nam cũng chuẩn bị nhận thêm nhiều tàu ngầm lớp Kilo từ Nga. Đài Loan cũng đang muốn mua công nghệ từ Mỹ để tự phát triển hạm đội tàu cho mình.

Nhật Bản, quốc gia đang có tranh chấp trên biển Hoa Đông với Trung Quốc cũng sẽ tăng cường hạm đội tàu ngầm tấn công chạy điện – diesel từ 16 lên 22 chiếc trong thập kỉ tới.