Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF 2021):

Vượt qua đại dịch, khôi phục niềm tin

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 25-1-2021, Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF 2021) được khai mạc theo hình thức trực tuyến, thay vì hình thức truyền thống thường niên tại Davos, Thụy Sĩ.

Hội nghị kéo dài từ ngày 25 đến 29-1, với sự tham dự của 25 nguyên thủ quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in; Thủ tướng Đức Angela Merkel; Tổng thống Pháp Emmanuel Macron; Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide; Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi; Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen…, cùng hơn 2.000 lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức Chính phủ và dân sự trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chìm sâu trong khủng hoảng vì đại dịch Covid-19, chương trình nghị sự của WEF năm nay tập trung vào các chủ đề là tình trạng thất nghiệp và nợ tăng cao, bất bỉnh đẳng thu nhập gia tăng cũng như vấn đề biến đổi khí hậu.

Mối đe dọa nghiêm trọng ngắn hạn và dài hạn

Năm nay, Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF 2021) chọn chủ đề: “Một năm quan trọng để khôi phục niềm tin”. Trong bài diễn văn khai mạc sự kiện, ông Klaus Schwab - Người sáng lập và là Chủ tịch WEF khẳng định, 2021 sẽ là năm mà thế giới thoát khỏi đại dịch một cách linh hoạt hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn. “Việc xây dựng lại lòng tin và tăng cường hợp tác toàn cầu là điều rất quan trọng để thúc đẩy các giải pháp sáng tạo và táo bạo nhằm ngăn chặn đại dịch và thúc đẩy thế giới phục hồi mạnh mẽ. WEF 2021 là cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới vạch ra tầm nhìn và giải quyết những vấn đề quan trọng nhất của thời đại chúng ta” - ông Klaus Schwab nhấn mạnh.

Chương trình nghị sự WEF năm nay gồm các buổi hội thảo mang tên: “Chủ nghĩa tư bản vì tất cả: Xây dựng tương lai”; “Thúc đẩy một thỏa thuận xã hội mới” và “Cài đặt lại tiêu dùng vì một tương lai bền vững”. Được biết, trước các hội nghị thường niên, WEF thường tiến hành khảo sát các thành viên để xác định những vấn đề mà họ cho là những mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng nhất.

“Việc xây dựng lại lòng tin và tăng cường hợp tác toàn cầu là điều rất quan trọng để thúc đẩy các giải pháp sáng tạo và táo bạo nhằm ngăn chặn đại dịch và thúc đẩy thế giới phục hồi mạnh mẽ. WEF 2021 là cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới vạch ra tầm nhìn và giải quyết những vấn đề quan trọng nhất của thời đại chúng ta”.

Ông Klaus Schwab

(Người sáng lập - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF)

Khảo sát năm nay chỉ ra đại dịch Covid-19 là mối đe dọa nghiêm trọng nhất trong ngắn hạn. Cụ thể, báo cáo Nguy cơ toàn cầu (GRPS) 2021 do WEF công bố có nội dung nêu rõ đại dịch Covid-19 gây ra những tổn thất nghiêm trọng về con người và kinh tế. Đại dịch đe dọa đẩy lùi những tiến bộ đã đạt được trong nhiều năm qua trong giảm nghèo và bất bình đẳng, tiếp tục làm suy yếu gắn kết xã hội và hợp tác toàn cầu.

Hầu hết những ý kiến phản hồi khảo sát GRPS đều cho rằng các dịch bệnh truyền nhiễm và các cuộc khủng hoảng trong đời sống là những mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng nhất trong ngắn hạn. Nhưng nguy cơ suy yếu gắn kết xã hội do đại dịch Covid-19 và tình trạng mất việc làm là mối đe dọa nghiêm trọng trong dài hạn.

Báo cáo còn nhấn mạnh người trưởng thành trẻ tuổi đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng toàn cầu lớn thứ hai trong một thập niên, sống trong khủng hoảng tài chính và sự bất bình đẳng về kinh tế. Thế hệ này phải đối mặt với những thách thức lớn về giáo dục, triển vọng kinh tế và sức khỏe tinh thần, cảnh báo về một kỷ nguyên của những cơ hội bị mất cũng như bất ổn xã hội.

Báo cáo trên được thực hiện dựa trên khảo sát 841 thành viên của WEF bao gồm các doanh nghiệp, viện nghiên cứu học thuật, Chính phủ và các tổ chức phi Chính phủ. Quá trình khảo sát được thực hiện trong tháng 9 và 10-2020.

Hướng tới triển vọng tươi sáng hơn

Các nhà đầu tư trên thế giới hiện hướng tới triển vọng tươi sáng hơn trong năm 2021 dựa trên những hy vọng về vaccine phòng dịch Covid-19, các biện pháp kích thích tài chính và khả năng nền tinh tế trở lại đà tăng trưởng vào năm 2021. Do vậy, năm tới có thể đánh dấu sự phục hồi kinh tế giai đoạn đầu, tương tự như giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tăng trưởng toàn cầu được kỳ vọng sẽ phục hồi sau khi rơi xuống những mức thấp nhất trong nhiều năm do tác động của dịch bệnh Covid-19 và quá trình này có khả năng sẽ được đẩy nhanh nhờ triển khai thành công các chương trình chủng ngừa vaccine phòng Covid-19.

Theo các nhà phân tích kinh tế toàn cầu, tốc độ phục hồi kinh tế và thu nhập giữa các khu vực sẽ khác nhau đáng kể. Mặc dù dịch bệnh được kiểm soát tốt ở các khu vực chính của châu Á, nhưng tình hình ở các quốc gia và khu vực như Mỹ, châu Âu và Mỹ Latinh xấu hơn. Sự khác biệt trong khả năng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 giữa các quốc gia và khu vực này kéo theo mức độ ảnh hưởng về kinh tế sẽ không giống nhau, có xu hướng nghiêm trọng hơn ở các nền kinh tế phát triển phương Tây so với ở các nền kinh tế mới nổi của châu Á.

Như vậy, các nền kinh tế châu Á dự kiến sẽ khởi động năm 2021 trên một nền tảng vững chắc, trong khi các điều kiện tăng trưởng tồi tệ hơn sẽ làm chậm quá trình phục hồi của các quốc gia phát triển phương Tây.

Vai trò nổi bật của châu Á

Trỗi dậy mạnh mẽ sau sự tàn phá của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, châu Á được đánh giá sẽ chi phối cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) trong bối cảnh các nước phương Tây vẫn đang chật vật chống dịch, trong khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đối mặt với những thách thức hết sức khó khăn.

Hội nghị thường niên của WEF 2021 kéo dài một tuần với các sự kiện nhằm giúp các nhà lãnh đạo lựa chọn những giải pháp sáng tạo và mạnh mẽ để ngăn chặn đại dịch

Covid-19 cũng như dẫn dắt một quá trình phục hồi mạnh mẽ trong năm tới. Là khu vực đầu tiên hứng chịu sự tấn công của đại dịch Covid-19, trong năm 2021, Trung Quốc và các quốc gia châu Á được kỳ vọng sẽ có sự trở lại mạnh mẽ và sẽ trở thành tâm điểm trong cuộc họp trực tuyến của WEF. Trong nghiên cứu công bố trước đó, Tập đoàn bảo hiểm - tín dụng Pháp Euler Hermes nhận định “Trọng tâm lực hút của kinh tế thế giới” (WECG) đã và đang dịch chuyển sang châu Á kề từ năm 2002. Cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 có thể “đẩy nhanh sự dịch chuyển cán cân toàn cầu hướng về châu Á”. Theo nghiên cứu, đến năm 2030, Euler Hermes dự đoán WECG có thể tập trung xung quanh khu vực giao nhau giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan.

Trong báo cáo Nguy cơ toàn cầu (GRPS) 2021 được công bố ngày 19-1-2021, WEF nêu rõ, đại dịch Covid-19 gây ra những tổn thất nghiêm trọng về con người và kinh tế; đe dọa đẩy lùi những tiến bộ đã đạt được trong nhiều năm qua trong giảm nghèo và bất bình đẳng; tiếp tục làm suy yếu gắn kết xã hội và hợp tác toàn cầu. Hầu hết những ý kiến phản hồi khảo sát GRPS đều cho rằng các dịch bệnh truyền nhiễm và các cuộc khủng hoảng trong đời sống là những mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng nhất trong ngắn hạn. Nguy cơ suy yếu gắn kết xã hội do đại dịch Covid-19 và tình trạng mất việc làm cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng trong dài hạn.