Triển vọng kinh tế thế giới năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp và khó lường, tâm dịch liên tục thay đổi, đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo thế giới đang bước sang giai đoạn mới và nguy hiểm hơn… Với sự lây lan nhanh và nghiêm trọng ở trên 200 nước trên thế giới, đại dịch này đã làm gián đoạn mọi hoạt động kinh tế thế giới do các biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới và giãn cách xã hội.
Dịch Covid-19 gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng tới nguồn cung lao động

Dịch Covid-19 gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng tới nguồn cung lao động

Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và nguồn cung lao động

Dịch Covid-19 gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng tới nguồn cung lao động. Công suất sử dụng máy móc thiết bị giảm do tình trạng đóng cửa nhà máy. Dịch Covid-19 còn ảnh hưởng tới kinh tế thế giới do sự giảm sút về nhu cầu tiêu dùng, đầu tư và thu nhập của người tiêu dùng.

Theo đó, các biện pháp giãn cách xã hội tác động tiêu cực tới nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tại các quốc gia, đặc biệt là đối với ngành du lịch, hàng không, dịch vụ giải trí và bán lẻ do các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại, mặc dù nhu cầu mua sắm trực tiếp có thể phần nào bù đắp thiệt hại này.

Thu nhập của người lao động giảm mạnh, dẫn đến giảm nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Giá trị tài sản bằng chứng khoán của các hộ gia đình và doanh nghiệp sụt giảm do sự lao dốc của thị trường chứng khoán. Giá dầu sụt giảm mạnh ảnh hưởng lớn tới nguồn thu và cầu của các nước xuất khẩu dầu mỏ và nhu cầu đầu tư giảm mạnh khi rủi ro đầu tư gia tăng.

Nói cách khác, các biện pháp phong tỏa, cách ly và giãn cách xã hội để chống dịch dù ngắn hay dài, ở phạm vi quốc gia hay quốc tế đều làm tăng sự đứt gẫy các chuỗi cung ứng, làm thu hẹp cả tổng cung và tổng cầu, giảm sút động lực tăng trưởng, nguồn thu ngân sách Nhà nước, tiền lương… Đồng thời, dịch Covid-19 còn làm giảm tổng cầu thị trường dầu mỏ thế giới, làm tăng nạn thất nghiệp và đổ vỡ các hợp đồng kinh tế; thu hẹp hoặc làm mất đi cơ hội kinh doanh vi mô và vĩ mô, tăng rủi ro cho cổ phiếu và trái phiếu của cả các doanh nghiệp to, nhỏ ở cả nước phát triển hay nước đang phát triển, không phân biệt thể chế chính trị và mô hình kinh doanh.

Đặc biệt, các biện pháp chống đỡ dịch Covid-19 cũng làm gia tăng xu hướng nới lỏng tài chính - tiền tệ thông qua sự bùng nổ các gói hỗ trợ tài chính lên tới hàng nghìn tỷ USD và cắt giảm lãi suất tiền tệ… Nếu đạt hiệu quả, các gói hỗ trợ này sẽ giúp tăng sức chống chịu của nền kinh tế, tăng niềm tin của xã hội vào triển vọng cơ hội đầu tư và duy trì tăng trưởng kinh tế, kiểm soát thất nghiệp… Từ đó giảm bớt sức hấp dẫn và dòng tiền “trú ẩn” vào vàng. Ngược lại, chúng cũng sẽ kéo theo nguy cơ giảm giá các đồng tiền và gia tăng sức ép nợ cộng và lạm phát tiền tệ trên cả phạm vi quốc gia và toàn cầu… Tất cả điều đó tạo cộng hưởng động lực biến vàng thành công cụ lựa chọn bảo toàn giá trị được tin cậy và ưa chuộng nhất hiện nay, cho cả Nhà nước và người dân.

Một loạt quốc gia và tổ chức kinh tế đã tung ra các gói hỗ trợ kinh tế lớn, nhỏ khác nhau. Trong đó, một số nước như Mỹ, Nhật Bản đã tung liên tiếp 3 gói hỗ trợ tổng cộng tới 20% GDP của mình. Điểm chung của các gói hỗ trợ này là hỗ trợ người dân, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch, phục hồi kinh tế, bảo đảm việc làm, tái đào tạo kỹ năng lao động và tài trợ vật tư, dịch vụ, sản xuất thuốc men y tế chống dịch.

Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch phục hồi kinh tế của toàn khối trị giá 750 tỷ Euro. Ngày 26-6, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, đại dịch Covid-19 có thể khiến quỹ này phải huy động 1.000 tỷ USD trong tổng nguồn lực của mình. Liên minh chống dịch Covid-19 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu cần 31,3 tỷ USD trong vòng 12 tháng tới để phát triển và tiến hành các thử nghiệm vaccine cũng như phương pháp điều trị.

Đại dịch Covid 19 cũng làm giá dầu và giá vàng thế giới diễn biến thất thường theo hướng ngược nhau, giá dầu khó tăng vì cung vượt cầu, trong khi giá vàng luôn có mức cao nhất từ trước đến nay… Dịch Covid-19 đã “đốt” 41% tài chính, tương đương 157 tỷ USD giá trị vốn hóa của 116 hãng hàng không niêm yết trên toàn thế giới. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã kéo tụt 7 bậc của Mỹ và 6 bậc của Trung Quốc trong bảng xếp hạng các nền kinh tế cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2020.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 được dự báo không khả quan

Trong các báo cáo chính thức, tất cả các tổ chức quốc tế đều tỏ ra bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu thời gian tới trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid 19.

Báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 24-6-2020 cho biết, kinh tế toàn cầu có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930 và có thể tăng trưởng -4,9% trong năm 2020, không loại trừ cả các nước ASEAN vốn có tốc độ tăng nhanh nhất thế giới hàng năm. Cả châu Á chỉ có Trung Quốc tăng trưởng khoảng 1% GDP và Việt Nam tăng khoảng 2% GDP… Năm 2021, kinh tế thế giới có thể sẽ phục hồi với mức tăng trưởng từ 0,5-8,4% và cũng chưa chắc chắn. IMF khuyến cáo các Chính phủ cần tiếp tục tiến hành các gói hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình

Ngân hàng Thế giới (WB) trong dự báo tháng 6-2020 về triển vọng kinh tế toàn cầu cũng khẳng định, năm 2020 nền kinh tế Thế giới sẽ tăng trưởng âm tới -5,2% và đây sẽ là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thu nhập bình quân đầu người sẽ giảm 3,6% và khiến 100 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực (riêng Mỹ có 45,7 triệu người đã nộp đơn xin thất nghiệp). Nếu đại dịch bị đẩy lùi thì tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng trở lại mức 4,2% vào năm 2021 và triển vọng này cũng rất không chắc chắn. Chính phủ các nước phải tăng cường chất lượng dịch vụ y tế song song với chú trọng hỗ trợ khu vực tư nhân và trợ cấp tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng trực tiếp.

Theo JPMorgan (4-2020), nền kinh tế giới sẽ mất 5,5 nghìn tỷ USD, tương đương 8% GDP vào cuối năm 2021. Tất cả các nền kinh tế phát triển đều có mức suy giảm nghiêm trọng và tốc độ tăng trưởng âm trong năm 2020. Tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển được dự báo cũng sẽ bị suy giảm, song ở mức độ nhẹ hơn và sẽ phục hồi tốt vào năm 2021…

Thị trường tài chính tiền tệ dự báo chứa đựng nhiều rủi ro trong thời gian tới. Do các biện pháp can thiệp vào nền kinh tế. Đồng USD tăng giá gây rủi ro vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp châu Á. “Làn sóng” vỡ nợ tiêu dùng đang bắt đầu kích hoạt trên phạm vi toàn cầu do nợ vay tiêu dùng quá hạn thanh toán đang tăng nhanh một số nước khi tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng mạnh. Nợ công và thâm hụt ngân sách của các quốc gia cũng có thể tăng trong thời gian tới do các gói nới lỏng tài khóa và tiền tệ cứu trợ nền kinh tế.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng âm 7% trong năm 2020, còn khu vực Eurozone tăng trưởng âm 9%. Kinh tế Italia, Pháp và Anh có thể suy giảm tăng trưởng đến hơn 11%.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo thương mại toàn cầu có thể giảm từ 13-32% trong năm 2020, song sẽ phục hồi ở mức từ 21-24% nếu các nước phối hợp với nhau sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 được đẩy lùi.

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo dòng vốn FDI toàn cầu sẽ sụt giảm từ 30-40% trong giai đoạn 2020-2021, do những ảnh hưởng tiêu cực không chỉ từ phía cung mà cả phía cầu. Đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp, mặc dù có thể hồi phục trong nửa cuối năm nếu dịch Covid-19 được kiểm soát.

Hiệp hội Công nghiệp Điện tử (EIA) dự báo giá dầu thô Brent trung bình sẽ chỉ 23 USD/thùng trong quý II-2020, sau đó tăng lên 32 USD/thùng nửa cuối năm 2020 và trung bình cả năm sẽ đạt 34 USD/thùng giảm từ mức 64 USD/thùng năm 2019.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết 81% lực lượng lao động toàn cầu (3,3 tỷ người) hiện đang chịu tác động do nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ. ILO dự báo số giờ làm việc trên thế giới sẽ giảm 6,7% trong quý II-2020, tương đương 195 triệu người lao động làm việc toàn thời gian.