Sau loạt tên lửa chống tăng hiện đại, tới lượt lựu pháo M777 và giờ đây là pháo phản lực HIMARS của Mỹ đang khiến cho quân đội Nga e ngại tại chiến trường Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 20/7 ra lệnh cho cánh quân phía Tây, một trong các mũi tiến công chính trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, sử dụng "các vũ khí phản pháo mới" để chế áp triệt để pháo binh đối phương.
Hai ngày trước, khi thị sát cánh quân phía Đông, ông Shoigu cũng đưa ra mệnh lệnh tương tự, yêu cầu lực lượng này ưu tiên tìm kiếm và phá hủy pháo binh, tên lửa tầm xa của Ukraine.
Chuyên gia phương Tây cho rằng những mệnh lệnh liên tiếp của tướng Shoigu cho thấy Nga "ngầm thừa nhận tính hiệu quả" của Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS),
HIMARS - loại vũ khí hiện đại nhất trong các gói viện trợ phương Tây dành cho Ukraine đang thể hiện uy lực trên chiến trường miền Đông, khiến hàng loạt kho đạn pháo Nga phát nổ, cùng với đó đà tiến quân bị chậm lại tại khu vực Donbass.
Đại tướng Valerii Zaluzhnyi, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine, ngày 19/7 tuyên bố các tổ hợp pháo tầm xa do Mỹ cung cấp đang giúp "ổn định tình hình chiến trường".
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng bình luận của người đứng đầu quân đội hai nước cho thấy pháo phản lực HIMARS đang giúp quân đội Ukraine dần giành lợi thế trên chiến trường và khiến lực lượng Nga ngày càng e ngại hơn.
Ukraine đã nhận 12 trong số 16 tổ hợp HIMARS mà Mỹ cam kết viện trợ và gần đây tiến hành loạt đợt tập kích vào kho chứa đạn của Nga nằm sâu trong hậu tuyến.
Tướng Zaluzhnyi đánh giá pháo tầm xa là "yếu tố quan trọng trong ổn định các tuyến phòng thủ" của Ukraine.
Quân đội Ukraine đã "thực hiện các đợt "tấn công phẫu thuật" nhằm vào chốt kiểm soát, kho đạn và nhiên liệu và mới nhất là hệ thống giao thông huyết mạch của đối phương".
"Tấn công phẫu thuật" là thuật ngữ quân sự dùng để chỉ đợt tập kích có độ chính xác rất cao nhằm gây sát thương cho mục tiêu quân sự, trong khi giảm thiểu thiệt hại tối thiểu cho công trình, phương tiện hoặc hạ tầng xung quanh.
Để đạt được mức độ chính xác đó, HIMARS sử dụng đạn định vị vệ tinh với tầm bắn xa tới 80-90 km,
Điều này cho phép Ukraine nhắm vào các sở chỉ huy và cơ sở hậu cần quan trọng của Nga sâu trong vùng họ kiểm soát, trong khi lại tránh được phản pháo của đối phương, do pháo Nga có tầm bắn ngắn hơn.
Một số chuyên gia phương Tây cho rằng năng lực tập kích tầm xa của Ukraine có thể làm gián đoạn ưu thế về pháo binh tầm xa của lực lượng Nga.
Trước đó lợi thế về hỏa lực pháo binh giúp quân đội Nga tăng đà tiến tại chiến trường Donbass, miền đông Ukraine.
Pháo binh Nga được cho là đông gấp từ 8-10 pháo binh Ukraine cả về trang bị lẫn cường độ khai hỏa. Điều này khiến cho Ukraine thiệt hại nặng nề tại Donbass.
Tuy nhiên, sau khi kiểm soát thành phố lớn cuối cùng ở tỉnh Lugansk là Lysychansk, lực lượng Nga dường như chưa đạt được thêm bất cứ bước tiến đáng kể nào.
Dù nhiều chuyên gia quân sự cảnh báo rằng không một hệ thống vũ khí đơn lẻ nào có thể đảo ngược cục diện chiến sự tại Ukraine.
Song vẫn có bằng chứng về hiệu quả của pháo phản lực HIMARS trên chiến trường Ukraine. Một quan chức quân sự cao cấp của Mỹ cho biết HIMARS đang mang lại "những tác động đáng kể".
Lực lượng Nga được nhận định có hai lựa chọn để đối phó mối đe dọa từ pháo phản lực HIMARS. Họ có thể tiến hành các đòn tập kích phá hủy các tổ hợp pháo phản lực này, song câu hỏi đặt ra là họ sẽ làm chúng thế nào?
Ukraine coi HIMARS là loại vũ khí "quý giá nhất" hiện nay và triển khai các biện pháp bảo vệ, che giấu nghiêm ngặt.
Sau khi khai hỏa, tổ hợp pháo tự hành này lập tức có thể lao đi với vận tốc tối đa 90 km/h, khiến các loại khí tài trinh sát, phản pháo của Nga không thể xác định được mục tiêu.
Nga đã từng hai lần tuyên bố phá hủy tổ hợp pháo phản lực HIMARS của Ukraine, thậm chí phía Moscow còn đăng clip để minh chứng cho việc này.
Nhưng một số nhà phân tích độc lập sau khi so sánh dữ liệu từ clip của Nga và hình ảnh chụp thực tế hệ thống HIMARS, thì cho rằng rất có thể tổ hợp mà Nga tuyên bố không phải là HIMARS do nó có quá nhiều khác biệt.
Giải pháp tiếp theo của Nga là di chuyển hoặc phân tán kho đạn cũng như các khí tài quan trọng khác, khiến HIMARS khó tìm mục tiêu tập trung để tập kích.
Ông Phillips O’Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Anh, cho rằng sự xuất hiện của HIMARS "đã hạn chế đáng kể hỏa lực pháo binh tập trung của Nga".
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Michael Kofman nhận định bài kiểm tra cuối cùng của pháo phản lực HIMARS Mỹ là liệu chúng có giúp Ukraine phản công thành công và tái kiểm soát các vùng lãnh thổ hay không?
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 20/7 cho biết Ukraine sẽ được Washington viện trợ thêm 4 hệ thống phản lực tầm xa cơ động cao HIMARS, một phần trong gói hỗ trợ an ninh tiếp theo.
"Cuối tuần này, chúng tôi sẽ cho công bố gói viện trợ vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự tiếp theo cho Ukraine", Bộ trưởng Austin nói trong cuộc họp của Nhóm Liên lạc quốc phòng về Ukraine do Mỹ dẫn đầu.
Bộ trưởng Austin nhấn mạnh một phần của gói viện trợ mới sẽ bao gồm các hệ thống rocket tầm xa HIMARS đang được quân đội Ukraine sử dụng hiệu quả và tạo ra sự khác biệt trên chiến trường.
Kèm theo pháo phản lực HIMARS là số lượng lớn đạn rocket tầm xa dành cho hệ thống vũ khí này.
Theo Lầu Năm Góc, cùng với gói viện trợ vũ khí mới, Mỹ đã chuyển giao Ukraine tổng cộng 16 hệ thống pháo phản lực tầm xa HIMARS.
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov nói với tờ Financial Times rằng Kiev tin tưởng phương Tây sẽ gửi thêm viện trợ vũ khí cho nước này, bao gồm cả các loại đạn tên lửa chiến thuật có tầm bắn lên đến 300 km HIMARS.
Ông này còn mô tả các hệ thống rocket do Mỹ sản xuất như một thứ vũ khí thay đổi cục diện chiến trường.
Tuy nhiên, người phát ngôn lực lượng vũ trang của nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR), ông Eduard Basurin cho biết Mỹ có thể đã viện trợ đạn tên lửa tầm xa cho Ukraine từ trước đó.
DPR đã tìm thấy các mảnh đạn có tầm bắn từ 110km đến 120km của HIMARS, điều đó có nghĩa là Kiev đã có trong tay loại vũ khí này. Hiện cả Mỹ và Ukraine đều chưa bình luận về thông tin trên.