Vì sao Mỹ vội cử đoàn quan chức đến Quần đảo Solomon?

ANTD.VN -  Nhà Trắng mới đây thông báo, 1 phái đoàn bao gồm “các đại diện từ Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ” sẽ đến Quần đảo Solomon trong tuần này khi Washington tìm cách ngăn cản quốc đảo này ký kết thỏa thuận an ninh với Trung Quốc.
Quần đảo Solomon nằm cách Australia khoảng 2.000 km về phía Đông Bắc

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, phái đoàn do Điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Kurt Campbell và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink - đứng đầu - sẽ “gặp gỡ các quan chức cấp cao” tại Quần đảo Solomon, Fiji và Papua New Guinea.

Theo Nhà Trắng, động thái này nhằm “đảm bảo các mối quan hệ đối tác của chúng tôi mang lại sự thịnh vượng, an ninh và hòa bình trên các quần đảo Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Hãng Reuters đưa tin, phát biểu trước các phóng viên tại 1 cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói rằng, các quan chức Mỹ sẽ thảo luận về với chính quyền Quần đảo Solomon về “mối quan ngại của họ đối với Trung Quốc”. Theo ông Price, “việc ký kết 1 thỏa thuận như vậy có thể làm gia tăng sự bất ổn tại quần đảo Solomon”.

Hiện Quần đảo Solomon và Trung Quốc chưa bình luận gì về thông tin trên.

Theo dự thảo thỏa thuận an ninh được tiết lộ hồi tháng trước, tàu thuyền Trung Quốc sẽ được phép thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại Quần đảo Solomon.

Thỏa thuận này cũng nêu rõ, Quần đảo Solomon có thể “yêu cầu Trung Quốc điều động cảnh sát vũ trang, binh sĩ và lực lượng hành pháp của nước này” tới quốc đảo Thái Bình Dương trong trường hợp bạo lực bùng phát.

Quần đảo Solomon gồm khoảng 700.000 dân, nằm cách Australia khoảng 2.000 km về phía Đông Bắc, thời gian qua hứng chịu một số bất ổn chính trị và xã hội.