Gỗ trên các đảo Thái Bình Dương bị Trung Quốc “thâu tóm” thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo nhóm hoạt động về môi trường Global Witness, Trung Quốc là khách hàng lớn mua gỗ từ các quốc gia Thái Bình Dương như Papua New Guinea và Quần đảo Solomon, trong đó có giao dịch liên quan đến khai thác gỗ bất hợp pháp hoặc không bền vững.
Tàu chở gỗ trên sông Dương Tử thuộc Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

Tàu chở gỗ trên sông Dương Tử thuộc Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

Kết quả cuộc điều tra suốt 2 năm của tổ chức phi chính phủ Global Witness quốc tế đã tìm ra đường đi lắt léo của số gỗ lậu, từ các khu rừng ở Thái Bình Dương đến các ngôi nhà của các nước phương Tây thông qua tàu, sân bay và các nhà máy Trung Quốc. Cụ thể, một khi các khúc gỗ bị đốn hạ ở huyện Pomio của tỉnh Đông New Britain (Papua New Guinea), chúng sẽ được đưa lên một con tàu chở hàng lớn, lòng vòng trên biển khoảng 14 ngày trước khi đến Trung Quốc. Theo thống kê, hơn 90% lượng gỗ xuất khẩu từ Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Tonga và Vanuatu cuối cùng đến Trung Quốc. Số gỗ này đi thêm vài trăm km nữa lên sông Dương Tử, qua trung tâm tài chính Thượng Hải tới Trương Gia Cảng thuộc tỉnh Giang Tô, nơi tiếp nhận 75% lượng gỗ nhập khẩu của Trung Quốc.

Rất khó tìm thấy thông tin công khai về người sở hữu số gỗ trên các con tàu đó. Cuộc điều tra năm 2016 của Global Witness cho thấy, 15 công ty chịu trách nhiệm về khoảng 85% gỗ nhập khẩu của Papua New Guinea. Phần lớn gỗ xuất khẩu của quốc gia này - trị giá hơn 620 triệu USD vào năm 2019 - đến từ các hợp đồng thuê đất bị tuyên bố là bất hợp pháp vào năm 2016 nhưng hầu hết vẫn tiếp tục hoạt động. Nhiều công ty Trung Quốc cũng mua từ Công ty SABL thuộc sở hữu của Malaysia ở Papua New Guinea và vận chuyển gỗ trực tiếp đến nhà máy chế biến hoặc nhà phân phối của họ.

Đến thời điểm nguyên liệu gỗ được đưa tới nhà máy, nguồn gốc của gỗ vẫn có thể xác định được, với thông tin về loài hoặc số ID của khu vực khai thác trên thẻ mã vạch gắn ở cuối các khúc gỗ. Nhưng tới giai đoạn chế biến, các khúc gỗ bị cắt ra và trộn với nhau để thành ván lát sàn. Một số sau đó được xuất khẩu sang các quốc gia như Mỹ hoặc Australia (với giao dịch hơn 460 triệu USD gỗ xuất khẩu từ Trung Quốc vào năm 2019), trong khi hầu hết được bán cho thị trường trong nước.

Trong cuộc điều tra của mình, Global Witness đã xác định được 7 công ty xuất khẩu ván sàn sang Mỹ, có khả năng được làm từ gỗ Papua New Guinea khai thác bất hợp pháp, vi phạm luật nước Mỹ. Nhà cung cấp gỗ Home Legend nói với Global Witness rằng, họ đã quyết định ngừng mua ván sàn làm bằng gỗ Papua New Guinea và Quần đảo Solomon, “do những rủi ro liên quan đến việc tìm nguồn cung ứng từ các quốc gia này”.

Trong khi các quốc gia khác có luật ngăn chặn việc mua gỗ khai thác bất hợp pháp, Trung Quốc thì chưa. Nước này đang cố gắng bịt các kẽ hở đối với các nhà cung cấp gỗ bất hợp pháp. Vào năm 2019, Trung Quốc đã thông qua các sửa đổi đối với luật lâm nghiệp, với quy định “không tổ chức hoặc cá nhân nào được mua, chế biến và vận chuyển gỗ khi biết rõ về nguồn gốc bất hợp pháp của chúng như chặt hạ trái phép hoặc phá rừng bừa bãi”. Bà Beibei Yin, thành viên của Global Witness cho biết, luật này có hiệu lực vào tháng 7-2019 nhưng không biết nó có áp dụng với nhà nhập khẩu gỗ hay không. “Theo quan điểm của chúng tôi, sẽ rất khó nếu không muốn nói là không thể áp dụng luật sửa đổi này để xử phạt hàng nhập khẩu bất hợp pháp, đặc biệt là do các yêu cầu chứng minh rằng các công ty đang cố ý tham gia vào việc này”, bà Beibei Yin nói.