Vì sao binh lính Ukraine có thể cầm cự dài ngày trong ‘pháo đài ngầm’ Azovstal?
Việt Hùng
ANTD.VN - Tổ hợp nhà máy gang thép Azovstal được xây dựng từ thời Liên Xô với hệ thống hầm ngầm đặc biệt, ngoài ra luôn có dữ trữ nhu yếu phẩm giúp lực lượng phòng thủ bám trụ lâu dài.
Nhà máy gang thép Azovstal là cứ điểm kháng cự cuối cùng của lực lượng Ukraine tại thành phố Mariupol, miền đông nam nước này. Binh lính Ukraine nới đây vẫn trụ vững dù bị hỏa lực Nga chế áp mãnh liệt.
Hệ thống boongke dưới nhà máy đã trở thành nơi cố thủ của các thành viên Tiểu đoàn Azov thuộc Bộ Nội vụ Ukraine cũng như đơn vị Thủy quân lục chiến của nước này kể từ khi bị lực lượng Nga vây hãm từ đầu tháng 3.
Để tìm hiểu cấu trúc của hầm ngầm bên dưới nhà máy Azovstal, phóng viên AFP gần đây tới thăm nhà máy Zaporizhstal tại thành phố miền nam Zaporizhzhia của Ukraine, được coi là cơ sở "chị em" với nhà máy ở Mariupol.
Cả hai nhà máy đều được Liên Xô thiết kế và xây dựng vào thập niên 1930, khi thế giới nỗ lực phục hồi sau Thế chiến I và những căng thẳng địa chính trị lúc đó sắp khiến Thế chiến II nổ ra.
Với tâm lý sẵn sàng ứng phó với một cuộc chiến tranh, các kỹ sư Liên Xô đã cho xây dựng hệ thống boongke bên dưới các nhà máy để có thể làm nơi trú ẩn cho hàng nghìn công nhân trong trường hợp khẩn cấp.
Các nhà máy này luôn tích trữ đầy đủ thực phẩm, nước sinh hoạt, máy phát điện, chăn đệm và thậm chí bếp củi trong boongke sâu dưới lòng đất.
"Chúng tôi có thể ở lại trong hệ thống hầm trú ẩn trong thời gian dài, tăng cơ hội sống sót", Ihor Buhlayev, 20 tuổi, công nhân nhà máy Zaporizhstal cho biết.
Thành phố Zaporizhzhia, miền nam Ukraine, không bị lực lượng Nga tấn công trong chiến dịch quân sự đặc biệt, song nhà máy Zaporizhstal đã phải ngừng hoạt động trước nguy cơ chiến sự lan rộng.
Có tổng cộng 16 boongke được xây dựng tại nhà máy gang thép Zaporizhstal, cùng hệ thống đường hầm chằng chịt.
Bên trên khu hầm ngầm là khuôn viên rộng khoảng 5,5 km2, bằng khoảng một nửa nhà máy Azovstal, với rất nhiều địa điểm có thể ẩn nấp giữa các dãy nhà. Khi giao tranh nổ ra, các tháp cao trong nhà máy cũng có thể đóng vai trò là đài quan sát hữu ích.
Cả hai nhà máy đều thuộc sở hữu của tập đoàn Metinvest Holding, "gã khổng lồ" khai thác và sản xuất thép do tỷ phú giàu nhất Ukraine Rinat Akhmetov điều hành.
Vì thế boongke - nằm sâu dưới lòng đất khoảng 10 mét - được bảo vệ bởi lớp cửa thép chống nổ dày 10 cm. Boongke được chiếu sáng đầy đủ, với nhiều hàng ghế gỗ và có thể chứa tới 600 người.
Bên trong hầm ngầm, nước đóng chai và thực phẩm khẩn cấp được tích trữ trong một nhà kho riêng. Các bồn chứa nước lớn có thể được sử dụng để xả nước nhà vệ sinh trong hầm. Đống củi dự trữ chất cao ngang ngực.
Boongke bên dưới nhà máy gang thép Azovstal cũng có cấu trúc tương tự. Nhà máy nằm tại phía đông thành phố cảng, trong khu công nghiệp nhìn ra biển Azov, có diện tích hơn 11 km2, gồm nhiều tòa nhà lớn, lò cao và đường ray nội bộ.
Theo giới chức Ukraine, toàn bộ phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi đã được sơ tán khỏi nhà máy, song còn ít nhất 100 dân thường và hơn 1.000 binh sĩ Tiểu đoàn Azov vẫn bám trụ bên dưới hầm ngầm.
"Bên dưới thành phố này còn tồn tại thành phố khác", Yan Gagin, cố vấn chính quyền Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, mô tả về hệ thống đường hầm chằng chịt dưới nhà máy Azovstal.
Ông Gagin nhận định nhà máy Azovstal đã được thiết kế để chống chọi mọi đợt không kích và pháo kích. Azovstal còn có hệ thống liên lạc nội bộ, tạo lợi thế rất lớn cho lực lượng phòng thủ, cả trong trường hợp họ bị áp đảo quân số.
Lực lượng Nga tới nay vẫn chưa thể tấn công vào nhà máy Azovstal sau hơn hai tháng vây hãm, dù đã kiểm soát được phần lớn thành phố Mariupol.
Thành phố thất thủ khiến Ukraine mất cảng biển quan trọng, trong khi Nga thông được hành lang trên bộ nối với bán đảo Crimea.