Về làng “may mặc đệ nhất Hà thành”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Còn nhớ quãng mươi, mười lăm năm trước, một ngày đầu hè, anh Minh Sang - phóng viên truyền hình, người rủ rê tôi trong chuyến đi này tỏ ra thông thạo nói: “Vào tới xã rồi ông mới thấy cái hay của làng”…
Xã Vân Từ được công nhận là làng nghề du lịch của huyện Phú Xuyên

Xã Vân Từ được công nhận là làng nghề du lịch của huyện Phú Xuyên

Vào làng, người chúng tôi gặp đầu tiên là ông Nguyễn Văn Hòa. Ông Hòa tuổi trạc bát tuần, người thấp nhỏ nhưng nhanh nhẹn, ông ngừng tay kéo ngẩng mặt lên chào khách. Rồi nhận ra Minh Sang là chỗ quen biết nên ông vừa quàng sợi thước dây qua vai, vừa chỉ tay mời chúng tôi lại bàn uống nước. Anh Minh Sang giới thiệu luôn: “Muốn hỏi chuyện thế nào thì cứ ông Hòa đây mà hỏi”. Ông Hòa sau khi chiêu ngụm nước trà thì thủng thẳng nói: “Làng Vân Hoàng Cựu cùng với làng Từ Thuận đem hai chữ đầu hợp lại thì thành tên xã Vân Từ (Phú Xuyên, Hà Nội)”. Anh Minh Sang đế thêm: “Giờ nhắc đến Vân Từ là nhắc đến một làng nghề nổi tiếng”.

Làng Cựu trầm lắng ngày nay, xưa từng là “làng may đệ nhất Hà thành”

Làng Cựu trầm lắng ngày nay, xưa từng là “làng may đệ nhất Hà thành”

Làng Cựu xưa…

Từ làng Từ Thuận, ông Hòa dẫn chúng tôi sang làng Vân Hoàng Cựu (gọi nôm là làng Cựu) cách đó một thôi đường đất. Khác với thôn Từ Thuận hiện nay có chút nhộn nhịp làm ăn thì làng Cựu lại trầm lắng ẩn trong những ngôi biệt thự cũ mang phong cách Pháp. Ông Hòa bồi hồi cho biết: Những người thợ may đồ Tây đầu tiên của làng Cựu phải kể đến anh em nhà ông Phúc Mỹ, Phúc Hưng. Chính họ đã gây dựng nên những tên tuổi, những nhà may còn in đậm trong tâm tưởng người xưa. Rồi nhiều người làng Cựu thấy hay mà bảo nhau ra Hà Nội theo học nghề. Từ một, đến hai, rồi ba, và rất nhiều hiệu may danh tiếng như hiệu may Thuận, hiệu may Toản, hiệu may Thịnh…. đã biến tên làng Cựu thành “làng may đệ nhất Hà thành”.

Nhiều cụ già tại làng Vân Từ đã gắn bó với nghề may comple vài chục năm

Nhiều cụ già tại làng Vân Từ đã gắn bó với nghề may comple vài chục năm

Tài năng của thợ may đồ Tây làng Cựu đã giúp họ dần chiếm thị trường may đồ Tây ở Hà Nội. Hàng loạt các cửa hàng, hiệu may được mở ở các phố Hàng Gai, Hàng Trống, Hàng Ngang… rồi lan tới tận Sài Gòn - Chợ Lớn. Tôi ngẩn người nghe ông Hòa kể thêm, thì ra khoảng 100 năm trước, sau biến cố cả làng bị “bà hỏa” thiêu rụi, người làng Cựu tha hương kiếm sống. Và khi đã có tiền thì họ quay về cố hương mong lập lại làng xưa. Họ dựng lại nhà bề thế hơn, rộng rãi hơn, và dĩ nhiên như người ta nói là “làm nhà cao cửa rộng cho khỏi thẹn với đời, mở mặt, mở mày với xóm, với quê”. Như ông Hòa cho hay thì các ngôi biệt thự kiểu Pháp mà người làng Cựu xây cất dạo ấy đã tạo nên một dãy “phố Pháp” giữa vùng chiêm trũng. Những ngôi biệt thự ấy có cả chục, rồi tới trăm, chẳng ngôi nào giống ngôi nào. Mỗi ngôi biệt thự đều mang một kiểu dáng riêng nhằm nêu rõ nhân thân gia chủ. Người làng Cựu đã khéo kéo giữ lại cái đẹp của kiến trúc Việt và lồng vào kiến trúc Pháp.

Và phố nay

“Trăm năm một cuộc bể dâu, làng Cựu xưa, làng của những thợ may trứ danh, làng của những ngôi biệt thự kiểu Pháp giờ vẫn còn nguyên, nhưng cũng đã phôi phai” - ông Hòa rơm rớm nước mắt. Chuyện của một thời đã làm người làng Cựu phải lần nữa tha phương, nhưng là cái tha phương để mong an toàn thân phận. Nửa cuối những năm 50 của thế kỷ trước, nhiều người làng Cựu đã bị quy đồng bằng mức độ giàu nghèo mà không cần biết nguồn gốc do đâu. Thế là những con người rất mực tài hoa ấy lại bỏ làng ra đi. Họ vào Nam, họ sang Lào, họ sang tận Paris mở hiệu may cho người Tây...

Thời trai trẻ, ông Hòa cũng được gia đình cho lên Hà Nội theo học nghề may, đơn giản cũng là vì người làng Từ Thuận gắng noi gương người làng Cựu. Anh thợ Hòa đang làm công cho một hiệu may tư nhân trên phố Hàng Gai thì bỗng một ngày trở thành xã viên hợp tác xã may mặc. Đầu những năm 1960 khắp Hà Nội sôi nổi phong trào hình thành hợp tác xã. Rồi dần dần, các hợp tác xã ấy teo tóp theo thời gian bởi mô hình không còn thích hợp. Những lớp thợ xã viên cũng tứ tán xa nghề. Riêng ông Hòa còn cố níu kéo, thực chất ông cũng không biết làm việc gì khác ngoài nghề thợ may, ông cặm cụi ngồi đạp máy kiếm sống qua ngày.

May thay, công cuộc “Đổi mới” cuối những năm 80 của thế kỷ 20 đã khơi nguồn cho ông và những người thợ may. Vì yếu sức khỏe nên ông Hòa thôi làm trên phố và trở về quê nhà, trở về cái làng Từ Thuận, xã Vân Từ nước nổi quanh năm để sinh sống. Đầu tiên ông bắt tay vào hướng nghiệp cho các con của mình bằng việc nhận may gia công hàng xuất khẩu. Việc tuy chẳng nhiều, nhưng ông Hòa hình như biết trước tương lai nên đã mời những người cùng làng, cùng xã đến học nghề may để chuẩn bị cho sau này. Rồi như duyên phận, ông chuyển sang may cắt đồ Tây. Những năm ấy cả làng cũng chỉ còn 2 cụ thợ già là biết làm.

Được khích lệ, những người thợ cũ từng bỏ nghề hay tứ tán cũng tụ về làng làm lại nghề xưa. Ông Hòa hợp sức cùng ông Phúc (con trai của nhà may Toàn Thuận danh tiếng) kết hợp để nuôi chí mở lại nghề may Âu phục (tức comple). Được đà, nghề may comple nhanh chóng lan ra toàn xã Vân Từ. Sự lan rộng này đã khác xưa bởi nó không còn bó hẹp trong một làng nữa. Cả xã Vân Từ hối hả rủ nhau cùng làm một nghề. Sau bao năm tháng vắng bóng, làng nghề nức tiếng một thời, dĩ vãng một thời lại rộn rã tiếng máy may, lạch cạch tiếng kéo cắt vải. Những bộ comple giá bình dân hay cao cấp xuất phát từ xã Vân Từ tỏa đi khắp thị thành.

Hôm tôi về làng cũng là ngày người con trai lớn của ông Hòa chạy xe xuống Hạ Long để kịp khai trương nhà may Vân Từ dưới đó. Ông Hòa vui chuyện cho biết thêm: “Những nhà may comple của người Vân Từ đã tới Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác”. Cái danh xưng “làng comple Vân Từ” chính thức hồi sinh.

Tin đọc nhiều