- Việt Nam là một câu chuyện thành công về kinh tế của thế giới
- Việt Nam chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm vào công việc chung của ASEAN
Điều phối viên của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kurt Campbell cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia góp phần định hình tương lai châu Á |
Nâng tầm vị thế ngoại giao
Phát biểu tại hội thảo trực tuyến do Viện Hòa bình Mỹ (USIP) có trụ sở tại Washington (Mỹ) tổ chức mới đây, điều phối viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kurt Campbell nhận định, Việt Nam cùng Ấn Độ và một số ít quốc gia khác đang đứng đầu danh sách những nước có vai trò quan trọng, sẽ định hình tương lai của châu Á. Là nhà ngoại giao kỳ cựu, am hiểu về châu Á và từng làm Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á - Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Kurt Campbell cho rằng, Việt Nam đang cải thiện vị thế ngoại giao của mình trong khu vực bằng cách tăng cường hợp tác với một số quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.
Nhìn nhận về triển vọng phát triển của Việt Nam, điều phối viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho biết, ngày càng nhiều tập đoàn sản xuất và công nghệ cao hàng đầu thế giới tìm đến Việt Nam để đa dạng hóa đầu tư và mô hình thương mại ở châu Á. Ông Kurt Campbell nhấn mạnh tới tốc độ tăng trưởng nhanh của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ và các lĩnh vực khác, đồng thời cho rằng Việt Nam đang “nâng tầm vị thế ngoại giao” khi đóng vai trò tích cực hơn trong ASEAN.
Vị quan chức thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cũng đánh giá, Ấn Độ sẽ là nhân tố chính trên vũ đài quốc tế thế kỷ XXI và các chính quyền Mỹ đều có chung quan điểm này. Ông Kurt Campbell tin tưởng về tương lai của Ấn Độ và cho rằng, quốc gia đông dân thứ hai thế giới này là thành viên rất quan trọng của “Bộ Tứ” (hay còn gọi là “Bộ tứ kim cương” (QUAD), là liên minh 4 quốc gia Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ).
Từ nhận định về triển vọng phát triển cùng vai trò trong tương lai của Việt Nam và Ấn Độ ở khu vực, điều phối viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho rằng, 2 quốc gia này nằm trong top đầu danh sách quốc gia quan trọng sẽ định hình tương lai châu Á. Ông Kurt Campbell tin rằng, “bất kỳ ai nắm quyền ở Washington, thuộc Đảng Dân chủ hay Cộng hòa, đều làm những gì cần thiết để xây dựng mối quan hệ” với Việt Nam và Ấn Độ. Vị quan chức Mỹ nêu rõ, Mỹ coi Việt Nam là một “quốc gia xoay trục” quan trọng, không chỉ về mặt chiến lược mà còn về mặt thương mại và công nghệ. Theo đó, khả năng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam sẽ là yếu tố quyết định để Washington đạt được những tiến bộ trong khu vực. Ông Kurt Campbell cũng cho rằng, lãnh đạo Việt Nam và Mỹ cần trở nên gần gũi hơn và hướng tới “chia sẻ mục tiêu chiến lược thực sự” bởi dù có hệ thống chính trị khác nhau, nhưng việc hợp tác chặt chẽ với Việt Nam sẽ có tính quyết định với Mỹ trong tương lai ở khu vực.
Cùng có lợi ích tương đồng ở khu vực
Điều phối viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đánh giá cao vai trò, vị trí của Việt Nam tại châu Á trong bối cảnh quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ đang không ngừng phát triển cho dù đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Việc Mỹ là một trong những nước hỗ trợ vaccine phòng Covid-19 nhiều nhất cho Việt Nam cũng là một minh chứng cho sự phát triển của quan hệ song phương trong lúc khó khăn, thử thách bởi đại dịch.
Một sự kiện quan trọng rất được quan tâm là chuyến thăm Việt Nam hồi cuối tháng 8 vừa qua của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Không chỉ là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm, việc Việt Nam cùng với Singapore là 2 chặng dừng chân của bà Kamala Harris trong chuyến công du châu Á đầu tiên sau khi nhậm chức đã cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden ở khu vực. Tổng thống Joe Biden ngay sau khi vào Nhà Trắng đã tái khẳng định chiến lược xoay trục về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nêu rõ nước Mỹ trở lại và cam kết lâu dài với khu vực. Chính quyền vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ cũng cam kết, coi trọng và củng cố các quan hệ đối tác khu vực; xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và dựa trên luật lệ.
Việc nhân vật quyền lực thứ hai trong chính quyền Tổng thống Joe Biden chọn Việt Nam là chặng dừng chân trong chuyến công du châu Á đầu tiên sau khi cầm quyền được đã khẳng định sự phát triển tích cực của quan hệ Mỹ - Việt Nam cũng như đánh giác cao vai trò, vị trí Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Những chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao thường xuyên giữa Mỹ và Việt Nam được tiếp tục đẩy mạnh dưới thời Tổng thống Joe Biden với việc ông Joe Biden đã trực tiếp gửi thư tới các lãnh đạo cấp cao Việt Nam; Ngoại trưởng Antony Blinken có cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Việt Nam...
Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink trong phát biểu trước khi kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam hồi tháng 4 vừa qua đã bày tỏ lạc quan về tương lai mối quan hệ Đối tác toàn diện Mỹ - Việt Nam. Ông nhấn mạnh, lợi ích của 2 quốc gia trong những lĩnh vực cơ bản phần lớn là tương đồng, 2 nước “cùng có chung một tầm nhìn chiến lược về hình thái khu vực mà chúng ta muốn sống”. Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink bày tỏ tin tưởng quan hệ Việt Nam - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển dưới thời của Tổng thống Joe Biden và nêu rõ, Tổng thống Joe Biden ủng hộ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập; tiếp tục phát huy mối quan hệ với Việt Nam dựa trên nền tảng vững chắc là sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau là ưu tiên hàng đầu của Mỹ.
Giới chuyên gia cho rằng, với sự phát triển năng động, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã khẳng định vị thế trong chính sách đối ngoại của Mỹ khi triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở. Theo như vị quan chức của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, Việt Nam là một trong các quốc gia định hình tương lai châu Á.