Ukraine muốn tiếp quản tài sản Nga bị đóng băng ở phương Tây như ‘khoản bồi thường’

ANTD.VN - Ukraine mong muốn và đề xuất được tiếp quản tài sản của Nga bị đóng băng ở phương Tây như một khoản "bồi thường thiệt hại".

Tài sản của Nga bị đóng băng ở phương Tây có thể sẽ được giải phóng và chuyển giao cho Ukraine nhằm giúp nước này khắc phục những hậu quả do cuộc xung đột để lại.

Các lệnh trừng phạt kinh tế đã khiến khoảng 415 tỷ USD dự trữ ngoại hối và vàng của Nga đã bị đóng băng ở phương Tây.

Mới đây Kiev đã đưa ra quan điểm của mình. Thứ trưởng thứ nhất Bộ Kinh tế Ukraine - ông Denis Kudin cho rằng số tiền nói trên nên được nộp vào kho bạc nước này như một khoản “bồi thường thiệt hại”, do hành động quân sự của Nga đối với Ukraine.

"Các khoản dự trữ của Nga bị phong tỏa với trị giá 415 tỷ USD nên được lên kế hoạch sử dụng để sửa chữa những thiệt hại do Moskva gây ra cho Ukraine", Thứ trưởng Kudin đề xuất.

Ngoài ra ông Kudin còn tin rằng Nga sau này sẽ phải bồi thường thêm cho Ukraine bằng tiền và hiện vật.

Về phần mình, Nga kiên quyết phản đối ý tưởng nói trên, đồng thời cảnh báo sẽ đưa ra những biện pháp đáp trả cực kỳ mạnh mẽ, khiến nền kinh tế phương Tây phải chịu thiệt hại nặng nề.

Trong một kịch bản như vậy, Nga cảnh báo họ sẽ có mọi quyền từ chối trả các khoản nợ nước ngoài tương đương với số tiền bị đóng băng. Bên cạnh đó, Moskva còn tiến hành quốc hữu hóa tài sản của những tập đoàn kinh tế rời khỏi thị trường nước này.

Mặc dù vậy, biện pháp quốc hữu hóa do chính quyền Nga cảnh báo bị nhận xét là quá cực đoan và về lâu về dài sẽ gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước, nhất là cho quá trình hội nhập trở lại với kinh tế toàn cầu.

Tỷ phú giàu nhất nước Nga Vladimir Potanin - Chủ tịch của tập đoàn kim loại khổng lồ Norilsk Nickel (NILSY), nói rằng Nga có nguy cơ quay trở lại những ngày hỗn loạn cách đây một thế kỷ nếu đóng sập cánh cửa đối với các công ty và nhà đầu tư phương Tây.

Ông kêu gọi chính phủ Nga hết sức thận trọng đối với việc tịch thu tài sản, bởi hậu quả của một bước đi như vậy sẽ gây ra sự mất lòng tin trên toàn cầu đối với Nga từ phía các nhà đầu tư, điều này sẽ kéo dài trong nhiều thập niên.

Ngoài ra nhà tài phiệt nói trên còn cho rằng việc các doanh nghiệp nước ngoài rút ồ ạt khỏi thị trường Nga chỉ là hiệu ứng tâm lý tạm thời, khi họ hứng chịu vô vàn chỉ trích, đến khi tình hình tạm ổn thì dự báo nhiều công ty sẽ quay trở lại làm ăn.

Ông Potanin nói thêm: "Tôi hiểu rằng trước những hạn chế kinh tế nhắm vào Nga, có thể xuất hiện một mong muốn là phải lập tức đưa ra hành động đáp trả để các nước phương Tây thấy rằng nền kinh tế họ phải gánh chịu hậu quả từ việc áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga".

"Tuy nhiên chúng ta phải khôn ngoan hơn và tránh một kịch bản mà các lệnh trừng phạt trả đũa giáng xuống chính mình, khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn", ông Potanin kết luận.

Nhận xét của ông Potanin sau khi được đăng tải đã thu về nhiều ý kiến đồng tình, mặc dù vậy, hiện tại Điện Kremlin chưa cho thấy phản ứng chính thức của mình trước đề xuất nói trên