- Đông Nam Á tập trung thúc đẩy mô hình thành phố thông minh
- Mô hình "thành phố thông minh" trong tương lai
Thiết kế khu vực hành chính cốt lõi của Thủ đô mới Nusantara, Indonesia |
Mục tiêu đầy tham vọng
Khoảng 11.900 công chức Indonesia đang thu dọn hành lý để chuyển đi vào tháng 9 tới và khởi động một trong những kế hoạch đầy tham vọng: Di dời Thủ đô vì Jakarta hiện tại rơi vào cảnh thường xuyên tắc nghẽn giao thông và có nguy cơ bị nhấn chìm do biến đổi khí hậu. “Nusantara” được hình dung là thủ đô đầu tiên trên thế giới có khái niệm “thành phố rừng thông minh”. Thủ đô tương lai sẽ được xây dựng trên hơn 250.000ha rừng (gấp 3 lần diện tích Jakarta) ở trung tâm đảo Borneo.
Tổng thống Joko Widodo cho biết, kế hoạch di dời diễn ra dần dần từ năm 2024 đến 2025. Khu vực hành chính của chính phủ sẽ được hoàn thành trong năm nay và khánh thành tại lễ kỷ niệm Ngày Độc lập của Indonesia vào ngày 17-8-2024.
Nusantara đặt mục tiêu khai thác một số yếu tố bao gồm số hóa, tính bền vững, khả năng phục hồi và hòa nhập. Ông Tonny Setiono, Giám đốc Hệ sinh thái kỹ thuật số tại Cơ quan quản lý Thủ đô Nusantara cho biết, quy hoạch chi tiết thành phố thông minh Nusantara không chỉ bao gồm các kế hoạch phát triển cơ sở vật chất mà còn tạo ra một tương lai nơi công nghệ, con người và môi trường hỗ trợ lẫn nhau. Điều đó sẽ biến Nusantara thành một nơi thoải mái và hấp dẫn để sống, nhưng cũng đòi hỏi quá trình phát triển thành phố phải được tích hợp, cởi mở, toàn diện và bền vững.
Kế hoạch xây dựng Nusantara được nêu rõ ở một số khía cạnh: ngành công nghiệp thông minh và nguồn nhân lực hướng tới phát triển kinh tế dựa trên công nghệ và đổi mới; quản trị thông minh nhằm thúc đẩy số hóa trong quản trị để tăng năng suất và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư; cuộc sống thông minh, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua môi trường an toàn và lành mạnh; giao thông thông minh và tính di động để tiếp cận và hiệu quả; cơ sở hạ tầng và môi trường được xây dựng thông minh bằng cách sử dụng công nghệ để mang lại sự thuận tiện cho người dân; tài nguyên thiên nhiên và năng lượng thông minh tập trung vào việc sử dụng bền vững tài nguyên và năng lượng.
Hiện thực hóa một thành phố thông minh hỗ trợ công nghệ
Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, mạng viễn thông tốc độ cao sẽ được lắp đặt tại Nusantara, bao gồm mạng cáp quang cố định và mạng không dây để hỗ trợ truyền dữ liệu đáng tin cậy. Công nghệ mạng 5G cũng sẽ hỗ trợ kết nối nhanh giữa các hệ thống và thiết bị thành phố thông minh khác nhau. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu sẽ đóng vai trò là nơi xử lý và lưu trữ dữ liệu và sẽ hỗ trợ các dịch vụ công cộng khác nhau. Hiện tại, Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông Indonesia đang xây dựng Trung tâm Dữ liệu Quốc gia lớn nhất tại Nusantara với dung lượng lưu trữ 160 petabyte để hỗ trợ nhu cầu kỹ thuật số của các thành phố thông minh như công nghệ dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT) cho đến các hoạt động xử lý AI khác nhau.
Các thiết bị IoT và AI sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển Nusantara thành một thành phố thông minh ưu tiên năng suất. Các công nghệ mới nhất sẽ đơn giản hóa quá trình thu thập dữ liệu và hỗ trợ việc đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu. Ví dụ: Cơ quan quản lý Thủ đô Nusantara sẽ cung cấp xe buýt tự hành hoạt động tại một số điểm nhất định, thử nghiệm tại khu vực cốt lõi của Chính phủ. Được hỗ trợ bởi mạng 5G, xe buýt không người lái sẽ tự động di chuyển để đón khách sau khi đọc dữ liệu về lượng khách tại điểm dừng xe buýt. AI có thể tối ưu hóa việc sắp xếp để hành khách không phải đợi xe buýt quá lâu. Dữ liệu về số lượng hành khách và công suất sử dụng điểm dừng xe buýt được thu thập trong một khoảng thời gian sẽ được xử lý thông qua phân tích dữ liệu lớn để cải thiện hệ thống.
Hiện tại, Trung tâm chỉ huy và điều khiển tích hợp (ICCC) cũng vừa được thành lập, chức năng chính là lắp đặt các cảm biến và camera giám sát hỗ trợ AI để thuận tiện cho việc giám sát các hoạt động đô thị như camera an ninh và giao thông, đồng thời giúp các dịch vụ khẩn cấp và khiếu nại của công chúng được phản hồi nhanh hơn. Ngoài ra, ICCC còn sử dụng phân tích dữ liệu để dự đoán và ứng phó với thiên tai.
Về chính phủ kỹ thuật số, Nusantara sẽ là nơi các giải pháp kỹ thuật số mang lại dịch vụ tốt hơn cho người dân. Tương tác giữa chính phủ và người dân sẽ được tối ưu hóa thông qua các ứng dụng dịch vụ công một cửa nhưng đa ngành như y tế, giáo dục, an ninh và giao thông. Người dân cũng có thể tích cực tham gia vào quá trình lập kế hoạch và phát triển cũng như gửi đề xuất và khiếu nại trong khu vực Nusantara thông qua ứng dụng.
Tuy nhiên, thách thức chính trong việc phát triển hệ sinh thái kỹ thuật số ở Nusantara là sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng cơ bản. Việc xây dựng đường hầm đa tiện ích (MUT), bao gồm cáp quang, cần có thời gian trước khi có thể vận hành bình thường. Thách thức tiếp theo là chính sách. Sự phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan là chìa khóa để tránh sự dư thừa và khác biệt trong quá trình thực hiện.