Trừng phạt chống Nga có thể khiến Mỹ rơi vào cảnh phá sản

ANTD.VN - Mỹ rơi vào cảnh phá sản nếu quyết áp đặt trừng phạt chống Nga là nguy cơ hiển hiện trong trường hợp Moskva cắt nguồn cung khí đốt như biện pháp trả đũa.

"Mỹ rơi vào cảnh phá sản khi sẽ phải chi hàng tỷ USD trong trường hợp Nga cắt khí đốt của châu Âu để đáp trả các lệnh trừng phạt", đây là hệ quả được tờ Los Angeles Times dự báo

Theo ghi nhận của ấn phẩm Mỹ, những tin đồn ngày càng lan truyền rộng rãi trong thời gian gần đây về việc Nga có thể ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu đang gây ra nhiều lo lắng.

Trong trường hợp nổ ra cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, Mỹ cùng với các đồng minh EU chắc chắn sẽ giáng đòn trừng phạt kinh tế mạnh mẽ vào Moskva. Sau đó các nhà chức trách Nga sẽ phải tính đến phương án ngừng cung cấp "nhiên liệu xanh".

Đồng thời nhiều chuyên gia cũng chỉ ra thực tế cả Nga và châu Âu đều phụ thuộc như nhau vào nguồn cung năng lượng. Mặc dù Moskva đang tích cực đa dạng hóa danh sách các nhà nhập khẩu của mình, nhưng khách hàng chính vẫn là Liên minh châu Âu.

Điều tương tự cũng áp dụng đối với các nước châu Âu, nơi khí đốt của Nga mang lại nhiều lợi nhuận và giá cả phải chăng nhất. Do vậy có thể giả định một cách chắc chắn rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga.

Nga cũng sẽ tự bảo đảm cho mình theo cách tương tự - theo các chuyên gia, nếu ngừng cung cấp, nước này sẽ chỉ giới hạn ở khối lượng khí đốt được bơm qua lãnh thổ Ukraine, đây cũng là một khoản đáng kể.

Theo thống kê của S&P Global Platts, vào năm ngoái, Nga đã bơm tổng cộng 175 tỷ mét khối khí đốt sang châu Âu, gần một phần tư trong số đó thông qua hệ thống trung chuyển khí đốt (GTS) trên đất Ukraine.

Khối lượng mà Nga rút khỏi GTS của Ukraine có thể được bù đắp bằng sự gia tăng nguồn cung thông qua đường ống Nord Stream 2. Tuy nhiên trong trường hợp này, mọi thứ phụ thuộc vào quyết định của Đức.

Không có gì bí mật khi Berlin cực kỳ quan tâm đến việc triển khai dự án này, nhưng hiện tại Nord Stream 2 đang chịu sự đe dọa trừng phạt từ phía Mỹ và nếu Berlin nhất quyết cấp giấy phép hoạt động thì các công ty của họ bị đánh giá sẽ khó tiếp cận thị trường Mỹ.

Rõ ràng là việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga qua Ukraine, cùng với lệnh cấm vận hành Nord Stream 2 sẽ khiến toàn bộ châu Âu không còn nguồn nhiên liệu xanh.

Theo nhiều nhà phân tích, đây chính xác là điều mà Mỹ nhắm tới bởi ngày nay Washington là một trong những nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới. Tuy nhiên ngay cả nguồn dự trữ của họ cũng không đủ để cung cấp hỗ trợ cho châu Âu.

“Hiện nay Mỹ đang xuất khẩu khối lượng LNG kỷ lục và một sự gia tăng nguồn cung nhỏ sẽ không thể lấp đầy lỗ hổng đang được tạo ra trên thị trường khí đốt châu Âu nếu Nga khóa đường ống”, ông Ross Vayeno - nhà phân tích hàng đầu về châu Mỹ tại S&P Global Platts cho biết.

Điều này cũng được Washington hiểu rõ, vì vậy chính quyền Tổng thống Joe Biden bắt đầu đàm phán với các nhà cung cấp trên khắp thế giới, để xem liệu họ có thể cung cấp nhiên liệu xanh cho Liên minh châu Âu hay không.

Tuy nhiên cách tiếp cận như vậy chỉ thực hiện được nếu một quốc gia nào đó có kế hoạch nhận khối lượng khí đốt kỷ lục trong tương lai gần mà nước này không cần và sẵn sàng từ bỏ để ủng hộ châu Âu. Không khó để cho rằng một quốc gia như vậy đơn giản là không tồn tại.

Tất nhiên trữ lượng LNG trên thế giới là rất lớn. Nhưng ngay cả điều này cũng sẽ không cứu được châu Âu trong trường hợp nguồn cung cấp từ Liên bang Nga bị dừng lại.

Đầu tiên, tất cả đều liên quan đến tiền bạc. Các trạm bơm phục vụ xuất khẩu mà Mỹ đã tiêu tốn hàng tỷ USD để xây dựng đang hoạt động hết công suất. Để cung cấp khí đốt cho châu Âu, Mỹ ít nhất sẽ phải tăng gấp đôi số lượng các trạm nói trên, điều này sẽ kéo theo chi phí khổng lồ.

Nói cách khác, bằng cách cắt khí đốt đến châu Âu như một phản ứng nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt, Nga sẽ có thể làm Mỹ đối diện nguy cơ phá sản theo đúng nghĩa đen.

Thứ hai, việc phát triển các mỏ mới và mở các trạm cung cấp mới sẽ mất một thời gian rất dài, vì vậy người dân châu Âu sẽ phải học cách sống chung với tình trạng thiếu khí đốt.

Cuối cùng, các chuyên gia của Los Angeles Times tóm tắt, ngay cả khi tất cả các cơ sở nhập khẩu LNG của châu Âu hoạt động hết công suất, lượng khí đốt sẽ chỉ bằng khoảng 2/3 khối lượng mà Nga cung cấp thông qua các đường ống.

Có lẽ cũng đã nhận thấy rõ thực tế trên mà châu Âu đang rất tích cực thực thi các biện pháp ngoại giao nhằm ngăn chặn cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, để họ không bị buộc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moskva.