Tin giả do AI tạo ra là mối đe dọa lớn trên toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), cách thức tạo ra tin giả (fake news) ngày càng tinh vi, không dễ để phân biệt thật giả, nên tin giả do AI đặt ra một trong những mối đe dọa lớn nhất trên toàn cầu trong năm 2024 này cũng như trong tương lai.
Hình ảnh giả do deepfeke tạo ra cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cảnh sát bắt

Hình ảnh giả do deepfeke tạo ra cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cảnh sát bắt

Tin giả được tạo ra bởi AI ngày càng tinh vi

Tại “Báo cáo Rủi ro toàn cầu 2024” công bố ngày 9-1 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã bày tỏ mối lo ngại về việc trí tuệ nhân tạo (AI) gây sai lệch kết quả bầu cử đứng đầu danh sách những rủi ro lớn nhất trong năm nay. Báo cáo này được WEF phối hợp với Tập đoàn Bảo hiểm Zurich tiến hành khảo sát hơn 1.400 chuyên gia nghiên cứu rủi ro toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo ngành vào tháng 9-2023 về những mối quan ngại lớn nhất trên thế giới theo đánh giá của họ.

Trong báo cáo, WEF đã đưa ra dự báo 10 nguy cơ lớn nhất trong một thập kỷ tới. Trong đó bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan; sự biến đổi quan trọng đối với hệ thống Trái đất; mất đa dạng sinh thái và hệ sinh thái sụp đổ; thiếu các nguồn tài nguyên quốc gia; thông tin gây hiểu lầm và tin giả; những vấn đề bất lợi do công nghệ AI; di cư miễn cưỡng; mất an ninh mạng; sự phân cực trong xã hội và ô nhiễm.

Đáng chú ý, trong 10 rủi ro lớn nhất được dự báo trong cả năm 2024 và thậm chí vào năm 2025, báo cáo của WEF xếp thông tin gây hiểu lầm và tin giả do AI gây ra mối đe dọa lớn hơn so với các vấn đề biến đổi khí hậu, sự phân cực trong xã hội, mất an ninh mạng, xung đột vũ trang, thiếu cơ hội kinh tế, lạm phát, di cư miễn cưỡng, kinh tế suy giảm và ô nhiễm. Nhìn nhận của WEF về mức nguy hại từ mối đe dọa của tin giả do AI được ra khi tin giả ngày càng trở thành một vấn nạn nghiêm trọng trên thế giới, trong khi đó với AI, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể dễ dàng và nhanh chóng tạo ra một fake news vô cùng tinh vi, không khác gì một thông tin thật.

Theo các chuyên gia quốc tế, tin giả trên không gian mạng là những thông tin sai sự thật được cố ý đăng tải, lan truyền nhằm mục đích không chính đáng, gây hiểu lầm cho người đọc, người xem. Hoặc đó là những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do không được kiểm chứng, xác minh hay bị phóng đại, suy diễn, làm thay đổi bản chất của sự việc, thường xuất hiện dưới dạng tin tức và được lan truyền chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là AI, cách thức tạo ra fake news ngày càng tinh vi như giả tiếng, giả hình, video và xuất hiện trên nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, TikTok... Nhiều thông tin dưới dạng bài viết được trình bày nhìn không khác gì một bài báo chính thống, gây nhầm lẫn cho người đọc.

Các sản phẩm được tạo ra bởi AI ngày càng tinh vi, đặc biệt là deepfake với nhiều hệ lụy khôn lường về nạn tin giả. Nạn nhân của tin giả bằng công nghệ này trên toàn cầu có thể là người tiếp nhận thông tin thất thiệt. Trong đó công nghệ deepfake dùng AI phân tích cử chỉ, nét mặt và giọng nói của một người, từ đó, tái tạo và chỉnh sửa để tạo ảnh hoặc video trông như thật. Các đối tượng này có thể tạo bất kỳ nhân vật nổi tiếng nào với khuôn mặt và giọng nói giống y hệt nhưng lại có những phát ngôn, hành vi sai trái… hay diện diện tại một sự kiện nào đó. Thậm chí, nhiều video deepfake còn đóng logo của kênh tin tức hay truyền hình, khiến người xem lầm tưởng là các tin xác thực.

Hợp tác toàn cầu ứng phó mối đe dọa từ mặt trái AI

Hồi cuối tháng 3-2023, công chúng Pháp giật mình khi thấy hình ảnh Tổng thống nước này Emmanuel Macron mắc kẹt trong cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở Thủ đô Paris một tài khoản Twitter với tên No Context French đăng tải. Hình ảnh này đã thu hút hàng triệu lượt xem rồi lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội khi người xem chia sẻ tới bạn bè, người thân mà không biết đó là hình ảnh deepfake.

Những bức ảnh deepfake về Tổng thống Emmanuel Macron được tạo ra bởi Midjourney. Trong khi các công cụ AI như Midjourney hay Stable Diffusion có thể cho ra đời những bức ảnh như thật trong vòng 5 phút thay vì 30 phút khi sử dụng phần mềm photoshop, hơn thế có thể tạo ra những bức hình khó có thể phân biệt đâu là thật, đâu là giả.

Đồng sáng lập tổ chức điều tra độc lập Bellingcat đã sử dụng Midjourney để tạo ra ảnh deepfake cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị bắt. Những hình ảnh giả do công nghệ deepfake từ AI cho thấy cảnh ông Donald Trump chống cự lại cảnh sát; một số ảnh giả khác lại cho thấy hình ảnh ông chạy khỏi cảnh sát. Mọi chi tiết trong những bức hình đó chân thực đến nỗi chỉ sau 2 ngày ngắn ngủi, đã có 5 triệu lượt xem, thậm chí nhiều người tin tưởng rằng đây là ảnh thật dù nói rõ trong thông tin đăng những bức hình là giả.

Tổ chức NewsGuard ở New York (Mỹ) chuyên theo dõi thông tin sai lệch nhấn mạnh, AI đang đưa việc sản xuất và lan truyền tin giả lên cấp độ mới, khi có thể tạo nội dung sai lệch về bầu cử, chiến tranh, thiên tai với tốc độ nhanh và rất khó phân biệt với thông tin thật. Theo đó, kể từ tháng 5-2023, các website chứa bài viết sai sự thật do AI tạo đã tăng hơn 1.000%.

Từ tác động của tin giả trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, báo cáo của WEF cho rằng nạn tin giả do AI càng đáng lo hơn trong bối cảnh gần 3 tỷ người, tương đương gần 50% dân số trưởng thành trên toàn cầu, sẽ tham gia bỏ phiếu tại các cuộc bầu cử trong năm 2024. Trong đó có nhiều cuộc bầu cử mà kết quả của nó tác động lớn tới tình hình các khu vực và thế giới như các cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ, Nga, Nam Phi, Mexico… hay bầu Quốc hội, lựa chọn Thủ tướng ở Ấn Độ.

Đồng tác giả “Báo cáo Rủi ro toàn cầu 2024”, bà Carolina Klint nhận định, AI có thể tạo lập các mô hình nhằm tác động đến số lượng lớn các cử tri theo cách thế giới chưa từng thấy, đồng thời cho biết các chuyên gia đang theo dõi sát vấn đề này để đưa ra những đánh giá kịp thời. Cũng theo bà Carolina Klint, những đột phá về AI sẽ đặt ra khó khăn rất lớn cho những tổ chức, thực thể vốn đang phải chật vật ứng phó với những mối đe dọa ngày càng gia tăng do thông tin giả mạo và những tính toán sai lầm gây ra.

Giám đốc điều hành WEF Saadia Zahidi lo ngại, một trật tự toàn cầu bất ổn do sự phân cực và mất an ninh, những tác động ngày càng trầm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan và sự bất ổn kinh tế đang khiến những rủi ro ngày càng tăng - trong đó có thông tin gây hiểu lầm và tin giả - lan rộng hơn. Bà Saadia Zahidi kêu gọi, các nhà lãnh đạo trên thế giới phối hợp giải quyết các cuộc khủng hoảng ngắn hạn, cũng như đặt nền móng cho tương lai bền vững, toàn diện và có khả năng phục hồi tốt hơn. Trong khi đó, nhóm tác giả thực hiện báo cáo của trên nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo cần tập trung vào hợp tác toàn cầu cũng như thiết lập các biện pháp bảo vệ trước những rủi ro mới nổi có thể gây tác động tiêu cực nhất.