Tiêm kích Su-75 Checkmate giúp Nga có một nhóm tác chiến tàu sân bay đầy đủ sức mạnh

ANTD.VN - Tiêm kích Su-75 Checkmate có thể được phát triển theo 3 phiên bản tương tự F-35 Lightning II của Mỹ để sử dụng trên tàu sân bay.

Tiêm kích Su-75 Checkmate được đánh giá là phương tiện khả thi nhất để trang bị cho các tàu sân bay tương lai của Hải quân Nga, bởi sự phù hợp hơn của chúng so với chiếc Su-57 tỏ ra khá cồng kềnh, khó bố trí trên hàng không mẫu hạm cỡ nhỏ.

Phi đội tiêm kích cho các hàng không mẫu hạm tương lai là vấn đề đau đầu của Hải quân Nga. Chiến đấu cơ hạng nhẹ MiG-29K từ lâu đã lỗi thời, trong khi những chiếc Su-33 hạng nặng đã bị ngừng sản xuất.

Một lựa chọn lý tưởng là tiêm kích thế hệ thứ năm Su-57 đơn giản hóa, tuy nhiên nó mới được sản xuất theo lô thử nghiệm nhỏ, bởi vì động cơ Izdeliye 30 chưa được hoàn thiện, không có phiên bản trên hạm và để khởi động một máy bay như vậy cần máy phóng và boong khá dài.

Nói cách khác, Su-57 là một lựa chọn cho hàng không mẫu hạm hạt nhân loại Ulyanovsk có lượng choán nước 80.000 tấn, tức là vấn đề của một tương lai rất xa, khi Nga sẽ khẳng định vai trò cường quốc toàn cầu một cách thực sự.

Trong khi đó, lựa chọn thực tế hơn chính là máy bay chiến đấu đa năng hạng nhẹ thuộc thế hệ thứ năm Su-75. Theo lẽ thường, rõ ràng Checkmate nên đi theo con đường mà tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ đã trải qua.

F-35 có ba phiên bản: F-35A cho Không quân Mỹ, F-35C dành cho Hải quân Mỹ, và F-35B với khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) dành cho Thủy quân lục chiến Mỹ. Việc biến Su-75 thành máy bay đa chế độ sẽ mang lại cho Nga điều gì?

Thứ nhất , trong phiên bản cất cánh và hạ cánh ngang, Checkmate có thể phục vụ cả trong lĩnh vực hàng không cơ bản và hàng không trang bị cho tàu sân bay của hải quân.

Su-75 có thể thay thế tốt các máy bay chiến đấu MiG-29K cũ trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và hàng không mẫu hạm hạng nhẹ đầy triển vọng của Nga, và cũng có thể được xuất khẩu cho Hải quân Ấn Độ.

Thứ hai, trong phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng, Su-75 bố trí trên các tàu đổ bộ đa năng thuộc Dự án 23900 Lavina, cũng như các tàu khác thuộc lớp này vẫn sẽ có hy vọng được chế tạo.

Sự hiện diện của phương tiện tác chiến như vậy sẽ biến tàu đổ bộ tấn công thành hàng không mẫu hạm hạng nhẹ, có thể được sử dụng như một phương tiện hỗ trợ trên không cho thủy quân lục chiến hoặc hộ tống một đoàn vận tải quân sự.

Thứ ba, phiên bản này của Su-75 - nếu cần thiết có thể được đặt trên boong của các tàu container lớn, biến chúng thành tàu sân bay tự chế nhằm đáp ứng tình huống khẩn cấp.

Ý tưởng này tỏ ra rất có ích trong Chiến tranh Falklands, khi Vương quốc Anh phải gửi tất cả các máy bay và hạm đội sẵn sàng chiến đấu của mình đi nửa vòng trái đất, tiêm kích Harrier cất cánh từ tàu container lớn đã góp phần vào thất bại của Argentina.

Nếu tiêm kích Su-75 có thể cất cánh không chỉ rút ngắn mà còn theo kiểu thẳng đứng thuần túy, nếu cần, chúng có thể được đặt trên các tàu dân sự được huy động, với việc gia cường boong của chúng bằng lớp phủ chịu nhiệt.

Tất nhiên trong các trận hải chiến chống lại hạm đội tàu sân bay đích thực, máy bay VTOL sẽ không có quá nhiều lợi ích, ngoại trừ khả năng bảo vệ hạm đội, nhưng chúng sẽ hoàn thành nhiệm vụ yểm trợ trên không cho các cuộc tấn công đổ bộ

Do đó, việc biến tiêm kích Su-75 Checkmate thành tiêm kích đa chế độ sẽ cho phép Nga có được một hạm đội tàu sân bay với chi phí tương đối thấp nhưng rất hiệu quả, đủ sức thách thức Hải quân Mỹ trên các đại dương.