Tiêm kích MiG-35 của Nga trước nguy cơ trở thành ‘quả bom xịt lớn nhất’

ANTD.VN - Tiêm kích MiG-35 bị giới truyền thông nhận xét nhiều khả năng đã trở thành "quả bom xịt lớn nhất" của Không quân Nga.

Điều gì xảy ra với tiêm kích MiG-35 của Nga, khi chiếc tiêm kích thế hệ 4++ sở hữu những tính năng "độc nhất vô nhị" này không tìm được đơn hàng trong nước cũng như xuất khẩu.

Câu hỏi hóc búa này xuất hiện kể từ năm 2020 khi người Nga chỉ đặt mua 6 chiếc máy bay vào thời điểm đó. Chương trình MiG-35 giống như một "quả bom xịt" không tạo được tiếng vang trong nước hoặc thị trường xuất khẩu.

MiG-35 dựa trên thiết kế của MiG-29, cụ thể là hai biến thể K và M, nó thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2016. MiG-35 là một tiêm kích đa năng có thể chiếm ưu thế trên không, đánh chặn máy bay chiến đấu đối phương, tấn công mục tiêu mặt đất và thực hiện vai trò trinh sát.

Chiếc tiêm kích này tự hào có một mảng phá quét điện tử chủ động đi kèm cảm biến quang điện tử tinh vi với khả năng theo dõi nhiều mục tiêu trên không, trên biển và trên mặt đất.

Được trang bị 2 động cơ phản lực cánh quạt RD-33MK, MiG-35 có tốc độ tối đa Mach 2,25 và trần bay 18 km. Theo Rosoboronexport, các động cơ hiện đại mang lại khả năng cơ động cao và được tích hợp khả năng tự chẩn đoán sự cố.

Buồng lái của MiG-35 đã được cập nhật, bao gồm 3 màn hình tinh thể lỏng màu và hiển thị thông số trên mũ bay phi công, có hệ thống cảnh báo tiếp cận tên lửa với tầm bao quát 360 độ. Máy bay có khả năng tác chiến điện tử tùy chọn gây nhiễu radar của đối phương.

MiG-35 có thể sử dụng các loại vũ khí hiện đại bao gồm tên lửa không đối không RVV-SD - một phiên bản cập nhật của R-77 và tên lửa không đối đất Kh-38, ngoài ra bom dẫn đường chính xác và bom rơi tự do cũng có thể được thả.

Với tất cả những đặc điểm đáng ghen tị này, MiG-35 lẽ ra phải thống trị bầu trời Ukraine hoặc trở thành một "bom tấn" trên thị trường xuất khẩu - hoặc cả hai, nhưng điều đó đã không xảy ra.

Ấn Độ và Ai Cập quan tâm đến MiG-35 nhưng cuối cùng không mua. Chiếc tiêm kích đang đối đầu với sự cạnh tranh đáng kể từ chiếc Rafale của Pháp; các tiêm kích F/A-18, F-16 và F-15 của Mỹ, cũng như hai loại chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon và Saab Gripen từ Anh và Thụy Điển.

Argentina, Bangladesh và Malaysia cũng đã tỏ ý quan tâm, nhưng cũng không rõ ràng. Sẽ là hợp lý nhất đối với Malaysia khi họ đã có kinh nghiệm khai thác chiếc Fulcum.

Song dù Malaysia có MiG-29, nhưng họ không thể mua phụ tùng thay thế từ Nga và chúng rất tốn kém khi hoạt động. Những chiếc MiG-35 cũng dễ rơi vào tình trạng tương tự đối với quân đội nước này.

MiG-35 cũng không có thành tích chiến đấu, vì nó là một máy bay mới. Trong khi đó, đối thủ F-16 đã đạt được thành công trong nhiều thập kỷ và rẻ hơn MiG-35. Các nước cũng lo lắng về việc mua phụ tùng thay thế từ Nga do nhiều nhà cung cấp đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế.

Sự phát triển của MiG-35 ban đầu là dấu hiệu tốt khi nó cố gắng thâm nhập vào thị trường xuất khẩu mở, cung cấp thêm lựa chọn cho khách hàng. Một vài thông số kỹ thuật mạnh mẽ, đặc biệt khi nói đến radar và cảm biến cùng với động cơ được xem là lợi thế.

Tuy nhiên như đã đề cập bên trên, bảo trì luôn là vấn đề lớn đối với một máy bay chiến đấu mang theo nhiều phụ kiện hiện đại. Khách hàng không ai muốn phải bỏ ra một số tiền lớn để rồi lại phải lo lắng về khí tài mình mua.

Một vấn đề khác đối với tương lai của MiG-35 là sự xuất hiện của Su-57 và Su-75 - những máy bay chiến đấu có đặc tính tàng hình. Vì vậy, MiG-35 có một tương lai đầy thách thức ở phía trước - chưa sẵn sàng để sử dụng trong nước hoặc tăng trưởng trên thị trường xuất khẩu.