Thức quà mùa đông ở thành phố nghìn năm tuổi

ANTD.VN - Mùa đông - người ta thường gọi là mùa “ăn gì cũng thấy ngon” thì hãy cùng nhau dạo quanh phố phường, thưởng thức chè sắn nóng, bánh trôi tàu, cháo sườn, bánh đúc nóng...

Hà Nội bốn mùa thời tiết rõ rệt, bốn mùa ẩm thực cũng rõ rệt

Hà Nội bốn mùa thời tiết rõ rệt, bốn mùa ẩm thực cũng rõ rệt. Mùa xuân mưa phùn ngồi cắn từng hạt ngô nướng, mùa hè nắng nóng ăn cốc chè đỗ đen, mùa thu đưa nhau đi ăn nem chua nướng, ốc luộc, mùa đông - đặc biệt là mùa đông - người ta thường gọi là mùa “ăn gì cũng thấy ngon” thì hãy cùng nhau dạo quanh phố phường, thưởng thức chè sắn nóng, bánh trôi tàu, cháo sườn, bánh đúc nóng...

Sáng chủ nhật cuối tháng 11 se lạnh, co ro trong chiếc áo rét phóng xe máy thật nhanh đỗ xịch trước quán phở bò quen thuộc, gọi một bát nạm gầu nghi ngút khói. Nói gì thì nói, phàm là người Hà Nội ai cũng có cho mình một quán phở quen thuộc, đôi khi là khẩu vị, chứ chưa hẳn hàng phở đó đã là chuẩn ngon. 

Thứ quà sáng ở Hà Nội được nhiều người chọn lựa nhất là phở, sau đến bún riêu và bún ốc. Người Hà Nội có một nét rất đáng quý, đó là quý trọng và gìn giữ những nét văn hóa đẹp từ thời xưa đến tận bây giờ. Bún riêu, bún ốc là những món ăn dân dã của vùng châu thổ sông Hồng xưa. Nhiều quán bún riêu, bún ốc, có nơi chỉ là gánh rong nhưng nay trở nên nổi tiếng Hà thành, nếu ai muốn ăn thì cũng chỉ tìm về đúng nơi đó.

Quà chiều ở Hà Nội vào mùa đông thì có gì? Có thể là bánh đúc nóng, bánh trôi tàu cũng nóng hổi. Không biết hai món ăn này du nhập vào Việt Nam từ khi nào, hình thành và phát triển ra làm sao, nhưng cứ mùa đông có những góc phố thơm nức mùi gừng quyện với mật mía. Mỗi bánh trôi tàu gồm 2-3 viên bánh nhân vừng đen và nhân đỗ xanh chan nước gừng thơm, mùa đông lạnh lẽo, chỉ thưởng thức vài miếng thôi đã thấy ấm áp ùa về.

Nếu thực khách muốn ấm bụng hơn thì có cháo sườn, vẫn hình ảnh đơn sơ từ đôi quang gánh, mấy cái bát chiết yêu, cái muôi nhôm, cái khăn bông lót hoa văn con công để ủ nóng cháo. 

Cái âm thanh khiến ta không thể quên được phát ra từ cái kéo cắt quẩy của người bán hàng, bát cháo đã được múc ra nóng bốc khói nghi ngút, vẫn phải kiềm chế cơn đói đã lên đến đỉnh điểm. Và rồi tiếng kéo va vào quẩy giòn kêu “sồn sột”, nhìn những miếng quẩy vàng ươm nằm trên mặt cháo, rắc tí ớt bột hạt tiêu, vừa cầm thìa cháo thổi phù phù cho khỏi bỏng. Hình ảnh tuổi thơ đơn sơ mộc mạc bỗng ùa về.

Nhớ lại những ngày thơ ấu, đạp xe đi học hay những buổi chiều tan học rồng rắn nhau qua đường, dừng xe ở hàng quẩy nóng. Líu ríu hỏi nhau ăn quẩy hay bánh gối, tranh nhau lấy nước chấm nhiều đu đủ để ăn kèm. Giữa mùa mưa phùn gió bấc ở Hà Nội mà chị bán quẩy, trán mướt mải mồ hôi, ngồi cạnh chảo dầu, tay thoăn thoắt vắt bột thả vào chảo.

Lũ chúng tôi đứa nào cũng thích thú ngắm những miếng bột con nở dần trong chảo dầu sôi sùng sục, rồi trở vàng, đều dần đều dần đến thẫm màu. Một cậu nhóc phụ việc nhanh tay vớt hết mẻ quẩy đổ lên rá nhôm to lót giấy pơ-luya rồi sắp 10 chiếc một ra đĩa. Quẩy nóng giòn hôi hổi, nước chấm chua ngọt pha tương ớt cay nồng đến xé lưỡi ăn với đu đủ ngâm mắm làm đứa nào đứa nấy xuýt xoa vì thỏa cơn đói buổi chiều tan học...

Buôn có bạn bán có phường, đó là nét văn hóa ẩm thực của Hà Nội, đã là nhà hàng thì cả phố nhà hàng, đã là ăn vặt thì cả khu ăn vặt, mà tôi hay nôm na gọi là “buffet vặt”, tay cầm một trăm nghìn dạo phố thôi là tự tin no bụng.

Ngồi đợi cô chủ quán bán hết lượt khách này đến lượt khách khác để vét cháy bánh đúc nóng mà hơn mong mẹ về chợ, xúc thêm thìa thịt băm xào mộc nhĩ, ít hành khô và rau mùi thái nhỏ đặt lên trên, nghĩ mà có thể ăn vài ba bát cho bõ công đợi.

Đánh chén hết bát bánh đúc, lại lê la sang hàng bên cạnh, nào nem chua nướng, ốc luộc, món nào cũng nóng hổi, hấp dẫn. Nhiều người cho rằng Hà Nội cái gì cũng đắt, nói không ngoa chứ bát ốc cả trăm nghìn, vì sao thì ai cũng hiểu là người Hà Nội kén ăn, nếu không ngon thì sẽ không bao giờ có khách, nên ốc cũng phải chọn từng con béo ngậy, cắn ngập răng.

Lang thang phố chiều tối, vẫn đâu đó thấy cảnh gánh chè sắn nóng hổi vừa đi vừa rao “ai chè sắn đây”, tinh tế và có thời gian hơn thì có trứng đánh kem với đậu xanh. Nói về trứng đánh kem, bao nhiêu ký ức tuổi thơ lại ùa về những năm 1980. Trứng đánh ngày xưa chỉ đơn giản đánh với đường với dụng cụ đánh tự làm bằng đũa, cứ vê đi rồi vê lại, có điều kiện hơn thì đánh với mật ong.

Giờ đa phần đánh bằng máy tự tạo, hoặc sáng tạo thì dùng bằng quạt con cóc, chế cái phới đánh trứng vào. Cảm nhận về kem đánh trứng đậu xanh ở Hà Nội ăn rất ngậy, trứng sánh dẻo quánh, đặc biệt không bị tanh của trứng, đậu xanh được đánh kĩ nên tan trong miệng, không bị gợn một chút nào từ xác đậu, khi ăn đến cuối cốc mới cảm nhận có chút đậu xanh lợn cợn trong miệng…

Cứ thế thôi là ngoảnh đi ngoảnh lại, mùa đông Hà Nội đã qua từ lúc nào…

Tin đọc nhiều