"Thi đàn Hương nắng" - sân chơi của những người chiến sĩ có tâm hồn đậm chất thơ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Thi đàn Hương nắng” là sân thơ với thành viên là những sĩ quan hưu trí của Công an Thành phố Hà Nội. Tới giờ, sân chơi này đã ra đời được ngót nghét hơn chục năm, là ngôi nhà thơ ca chung của 33 thành viên. Cũng trong chặng đường này, 8 tập thơ đã được xuất bản, giới thiệu tới bạn đọc gần xa hơn 1000 bài thơ gửi gắm những tâm tư tình cảm và tiếng lòng của những sĩ quan hưu trí nguyện suốt đời “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Nhắc đến sự ra đời của “Thi đàn Hương nắng”, Đại tá Đinh Xuân Bình – nguyên Trưởng phòng Công tác chính trị CATP Hà Nội, Phó Chủ nhiệm CLB Sĩ quan hưu trí CATP Hà Nội kể, cách đây 11 năm, cận kề kịp kỷ niệm ngày truyền thống của lực lượng CAND Việt Nam, các “cụ” trong CLB Sĩ quan hưu trí CATP Hà Nội rủ nhau tập hợp một số người yêu thơ lại, gọi nôm na là tổ thơ. Tổ thơ này ban đầu chỉ có chưa đầy chục người, sau đó dần dần mở rộng khi phát hiện ra có rất nhiều “cụ” yêu thơ, làm thơ hay.

Vậy là từ tổ thơ, nhóm các “cụ” yêu thơ thành lập nên câu lạc bộ thơ lấy tên là “Thi đàn Hương nắng”, con số thành viên tính đến giờ cũng lên tới 33 thành viên, trong đó có 3 người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, 7 người là hội viên Hội nhà văn Hà Nội. Tất cả đều có năng khiếu cảm thụ văn học và khả năng sáng tác thơ ca. Có những thành viên của Thi đàn hiện giờ đã ở tuổi xưa nay hiếm như tác giả Đào Đức Ninh – nguyên trưởng Công an quận Hoàn Kiếm năm nay 84 tuổi; tác giả Nguyễn Việt Cường – nguyên trưởng Công an quận Hai Bà Trưng năm nay 75 tuổi… Đáng chú ý có tác giả Lôi Vũ – hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trước kia từng công tác tại Công an quận Đống Đa, có nhiều ấn phẩm thi ca riêng được xuất bản, là gương mặt có tiếng nói trên thi đàn Việt Nam.

Nói thêm về “Thi đàn Hương nắng”, Đại tá Đinh Xuân Bình cho biết, kể từ khi ra đời, câu lạc bộ này đều đặn duy trì những buổi sinh hoạt chung để hội viên có dịp ngâm nga những sáng tác của mình, lắng nghe những ý kiến góp ý của mọi người dành cho những “đứa con tinh thần” ấy. Rồi hàng tháng cả Thi đàn lại bình chọn ra một số học viên có tác phẩm được xuất bản để bàn luận, trao đổi, rút kinh nghiệm sáng tác. Đặc biệt, Thi đàn còn thường xuyên tổ chức giao lưu thơ văn với các Câu lạc bộ (CLB) khác như: CLB thơ “Hoa giữa đại ngàn” của Câu lạc bộ sĩ quan hưu trí Bộ công an, CLB thơ “Hồ Gươm” của quận Hoàn Kiếm, Hội văn học nghệ thuật của Hội nhà văn Hà Nội…

Cùng với đó, mỗi năm Thi đàn cũng tổ chức một vài buổi đi thực tế, tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, di tích Cách mạng…để các hội viên có cơ hội gắn kết hơn với nhau, đồng thời có cảm hứng sáng tác thi ca. Không chỉ vậy định kỳ hàng năm, Thi đàn cũng mời các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình lý luận văn học nổi tiếng đến để nói chuyện với các hội viên, chia sẻ kinh nghiệm sáng tác và phê bình văn chương. Đó là những hoạt động mang tính chất giao lưu sinh hoạt chuyên môn. Còn ngoài cuộc sống đời thường, các hội viên cũng trở thành người thân của nhau, chia sẻ những vui buồn, thăm hỏi lúc ốm đau, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn…

Ngày này năm ngoái, cũng vào những tháng Tám lịch sử, tập thơ chung thứ 8 của Thi đàn ra đời, cũng là ấn phẩm kỷ niệm 10 năm thành lập Thi đàn (11/7/2011 – 11/7/2021). Tập thơ được giới thiệu là món quà tri ân của 31 tác giả, gồm 152 bài thơ được tuyển chọn có nội dung ca ngợi đất nước, ca ngợi Đảng, ngành Công an, quê hương và con người trong cuộc sống yên bình thời nay.

Nghe thì có vẻ mô phạm, nhưng lật giở từng trang sách mới thấy ngỡ ngàng bởi hóa ra những người lính Công an nhân dân một thời sau khi làm tròn nhiệm vụ “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” thì khi trở về đời thường cũng có tâm hồn đậm chất thơ, bay bổng và lãng mạn. Hơn thế, dù đã ở tuổi xế chiều thì họ vẫn cứ đau đáu suy tư, tràn đầy nhiệt huyết và khát vọng yêu đời: “Anh đã giao em cả cuộc đời/ Còn gì hơn nữa hỡi yêu ơi/ Gìn giữ nâng niu hơn báu vật/ Dẫu cho vật đổi hoặc sao dời” (tác giả Trang Nam Anh); “Ôi thời gian, ôi xê dịch/ Trăm năm chỉ mấy con đường/ Hình như ái tình cũng thế/ Loanh quanh lại về một phương” (tác giả Trọng Nghĩa), “Mùa xuân như vẫn gọi tên/ Mắt biêng biếc mắt, trầu têm thắm trầu/ Bưởi thơm gợi nhớ hương cau/ Mùa vui trước gọi mùa sau sum vầy” (tác giả Trần Khánh Toàn)…

Nếu không nói ra thì chẳng ai ngờ những cây viết trong “Thi đàn Hương nắng” trước kia có người từng làm điều tra viên, cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông…Có lẽ vì vậy mà dường như thấp thoáng sau những vần thơ vẫn là tinh thần trách nhiệm của những người chiến sĩ Công an muốn gửi gắm lại cho thế hệ cháu con sau này: “Con hãy nâng màu phù sa lên ngang trái tim/ Nghe nhịp trống đồng từ cổng trời vọng lại/ Sẽ thấy máu cha ông bao đời rỉ mãi/ Thấm rừng cây, ngon cỏ trầm hùng(tác giả Trần Kim Anh).

Hơn một thập kỷ trôi qua, “Thi đàn Hương nắng” kết nạp được thêm nhiều cây viết mới, song cũng có những cây viết vì tuổi cao sức yếu nên đã đi xa, cũng có những người vì lý do sức khỏe nên không thể tham gia sinh hoạt nữa. Song dòng chảy thi ca vẫn được tiếp nối với bản sắc rất riêng – bản sắc của những người chiến sĩ có tâm hồn đậm chất thơ.