Thêm xe phóng đạn S-300 Ukraien bị binh lính Nga dùng súng máy bắn nổ
Việt Hùng
ANTD.VN - Video được nhóm ủng hộ Nga chia sẻ cho thấy binh sĩ tiếp tục dùng súng máy bắn nổ xe phóng đạn S-300 của Ukraine, nhưng từ khoảng cách xa hơn trước đó.
"Thêm một xe phóng đạn S-300 của quân đội Ukraine bị phá hủy theo cách đã biết", tài khoản Voenacher ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine viết trên ứng dụng Telegram hôm 9/7.
Trong video, binh sĩ mặc quân phục dã chiến và đội mũ chống đạn dán quốc kỳ Nga nhắm súng máy PKM về phía xe chở đạn kiêm bệ phóng của hệ thống S-300 từ khoảng cách khá xa.
Người này bắn 4 loạt đạn trước khi chiếc xe phát nổ, khiến người quay phim nằm xuống để tránh mảnh văng.
Thời gian và địa điểm quay video lính Nga bắn nổ xe phóng S-300 thứ hai không được tiết lộ.
Hình ảnh này được công bố ba ngày sau video tương tự, trong đó lính Nga bắn nổ một xe phóng đạn S-300 Ukraine ở khoảng cách rất gần.
Không rõ những xe phóng S-300 này bị lực lượng Nga kiểm soát được hay do quân đội Ukraine bỏ lại chiến trường.
OSINTtechnical, tài khoản chuyên theo dõi tình hình chiến sự tại Ukraine, chia sẻ trên Twitter rằng đây không phải là cách an toàn để phá hủy một bệ phóng tên lửa S-300.
Tyler Rogoway, chuyên gia quân sự tại trang War Zone của Mỹ, cũng đồng tình với nhận định này.
Xe phóng trong video mang ít nhất ba ống phóng đạn, mỗi quả được trang bị đầu nổ phá mảnh nặng 130-150 kg, cùng lượng nhiên liệu cho phép chúng bay xa đến 150 km.
Những quả đạn có thể gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí khiến binh sĩ thiệt mạng, nếu họ ở quá gần vụ nổ.
Hiện chưa rõ viên đạn PKM trúng vào đâu khiến bệ phóng tên lửa S-300, vốn có độ ổn định cao, phát nổ dữ dội như vậy.
Không loại trừ khả năng xe phóng S-300 đã được cài thuốc nổ và kích hoạt cùng lúc với phát đạn súng máy, hoặc súng máy bắn vào khối thuốc nổ được đặt sẵn để tạo nên vụ nổ phá hủy.
Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine chưa bình luận về các video lính Nga dùng súng máy bắn nổ xe mang phóng tên lửa S-300.
Hiện không có số liệu chính xác về số hệ thống S-300 Ukraine còn khả năng vận hành.
Nước này biên chế các tổ hợp S-300PT, S-300PS sản xuất từ thời Liên Xô cho lực lượng phòng không, cùng phiên bản S-300V cho lục quân với khả năng chống tên lửa đạn đạo.
Giới chuyên gia ước tính Ukraine có khoảng 6 hệ thống S-300 với 36 xe chở đạn kiêm bệ phóng ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu trong giai đoạn 2004-2014.
Căng thẳng leo thang với Nga khiến Ukraine vội vã sửa chữa và đưa vào sử dụng nhiều tổ hợp S-300, với ít nhất 4 khẩu đội được đại tu trong giai đoạn 2014-2015.
Ít nhất 34 xe chở đạn kiêm bệ phóng bị bỏ lại Crimea khi lực lượng Nga tiến vào kiểm soát bán đảo này đầu năm 2014.
Quân đội Nga cũng phá hủy hàng chục xe phóng đạn và đài radar của các tổ hợp S-300 Ukraine trong hơn 4 tháng chiến sự.
Tuy nhiên sau đó Slovakia thông báo chuyển tên lửa S-300 cho Ukraine, đổi lại họ sẽ nhận được sự bảo vệ từ tên lửa Patriot của NATO.
"Tôi xác nhận Slovakia đã cung cấp một tổ hợp phòng không S-300 cho Ukraine. Họ đang bảo vệ đất nước có chủ quyền của mình và chúng tôi cũng vậy", Thủ tướng Slovakia Eduard Heger đăng trên Twitter ngày 8/4.
Thủ tướng Heger cho biết năng lực phòng thủ của Slovakia đã được đảm bảo, đồng thời khẳng định "trao tặng tổ hợp S-300 không có nghĩa là Slovakia đã trở thành một phần trong xung đột vũ trang tại Ukraine".
Ông Heger đưa ra tuyên bố trên sau khi NATO triển khai tổ hợp phòng không Patriot tới Slovakia để bổ sung năng lực phòng thủ cho quốc gia Đông Âu, trong bối cảnh Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Slovakia, thành viên NATO có đường biên giới dài 98 km với Ukraine, sở hữu một hệ thống phòng không S-300 sản xuất từ thời Liên Xô và được chuyển giao sau khi Tiệp Khắc tan rã năm 1993.
Slovakia và Bulgaria, hai thành viên NATO sở hữu S-300, từng tỏ ý sẵn sàng chuyển giao tổ hợp này cho Ukraine song yêu cầu liên minh phải cung cấp giải pháp phòng không thay thế phù hợp như tên lửa Patriot.
Một tổ hợp S-300 gồm 6 xe chở đạn kiêm bệ phóng (TEL), mỗi xe mang được tối đa 4 đạn, cùng xe chỉ huy và radar các loại. Radar điều khiển hỏa lực 30N6E2 có thể dẫn bắn cho 12 tên lửa cùng lúc nhằm vào 6 mục tiêu riêng rẽ với tầm bắn tối đa 195 km.
Liên Xô bắt đầu đưa S-300 vào biên chế từ năm 1978, hiện có gần 20 quốc gia trên thế giới sở hữu tổ hợp phòng không này. Nga sở hữu tất cả các phiên bản S-300 với khoảng 2.000 bệ phóng.