"Đừng lo lắng" - làng thanh niên thế hệ mới ở Hàn Quốc

ANTD.VN - Nhiều người ở Hàn Quốc cảm thấy áp lực lớn để thành công trong một xã hội cực kỳ cạnh tranh, nơi thất bại hiếm khi được chấp nhận. Và ngôi làng “Đừng lo lắng” lập ra nhằm thay đổi điều đó, bằng cách khiến những người trẻ Hàn Quốc mệt mỏi với cuộc sống ở thành phố lớn có thể tìm ra hướng đi mới cho cuộc đời mình.

Mokpo, ở mũi phía Tây Nam của bán đảo Triều Tiên, là nơi cách xa Thủ đô Seoul nhộn nhịp. Mặc dù trong lịch sử là một trung tâm giao thông và công nghiệp lớn, thành phố cảng gồm 230.000 người này đã mất đi phần lớn sự nổi tiếng trước đây và hiện đang có rất nhiều tòa nhà bỏ hoang.

Nhưng điều này khiến nó trở thành địa điểm hoàn hảo để doanh nhân 33 tuổi Hong Dong-woo bắt đầu gây dựng “Làng đừng lo lắng” - nơi dành cho những người trẻ Hàn Quốc kiệt sức vì sống ở thành phố lớn hoặc đang đi tìm ý nghĩa cuộc đời.

"Đừng lo lắng" - làng thanh niên thế hệ mới ở Hàn Quốc ảnh 1Nhóm cư dân đầu tiên của làng “Đừng lo lắng” ở Mokpo, Hàn Quốc năm 2018

Môi trường lý tưởng

Sau khi chuyển đến Mokpo vào năm 2017, Hong Dong-woo bắt đầu công việc tạo ra cộng đồng thanh niên tương lai của mình, lấy cảm hứng từ những người bạn mà anh có dịp đồng hành. “Những phong cảnh đẹp hoặc địa điểm tham quan mới không phải là lý do khiến mọi người đăng ký tham gia hành trình này. Thay vào đó, họ muốn chia sẻ với ai đó rằng họ đang vật lộn với cuộc sống”.

Qua khảo sát, văn hóa tham công tiếc việc nổi tiếng của Hàn Quốc, nơi người lao động có số giờ làm việc dài nhất thế giới - có thể gây tổn thương cho thế hệ trẻ, khi tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho những người ở độ tuổi từ 10 đến 39.

Nhiều người cảm thấy phải chịu áp lực lớn để thành công và mặc dù điều này được cho là đã giúp Hàn Quốc trở thành cường quốc kinh tế như ngày nay, nó cũng đã tạo ra một xã hội cực kỳ cạnh tranh, nơi thất bại hiếm khi được chấp nhận. Đó cũng là lý do thúc đẩy Hong Dong-woo gây dựng “Làng đừng lo lắng”, nơi dành cho những người trẻ Hàn Quốc dưới 39 tuổi cần nghỉ ngơi, rút khỏi cuộc sống hối hả và nhộn nhịp của thành phố lớn.

Cơ sở này ban đầu được đặt tại một tòa nhà bỏ hoang do chủ nhà tự nguyện quyên góp, dần dần họ sớm có được 2 không gian khác nhờ nguồn tài trợ từ một chương trình của chính phủ.

Đến là muốn ở lại

Với một khoản phí chỉ 200.000 won (172 USD) và được hoàn trả sau khi khóa học 6 tuần hoàn tất, 30 người có thể ở lại làng cùng lúc, nghỉ ngơi, phục hồi, kết nối và học tập. Những kỹ năng mà họ có được trong thời gian ở nơi này đã giúp một số người tiếp tục công việc kinh doanh riêng ở Mokpo, bao gồm một nhà hàng chay, một quán cà phê và một xưởng thủ công.

Trên thực tế, trong số 76 cư dân tới làng kể từ khi nó mở cửa vào năm 2018, 31 người không bao giờ rời đi, họ bắt đầu kinh doanh riêng hoặc tìm công việc ở địa phương.

Lee Jin-ah, 36 tuổi, đã quyết định biến Mokpo thành ngôi nhà mới của cô sau 6 tuần ở lại. Từng là người quản lý của một cửa hàng tạp hóa ở ngoại ô Seoul, hiện Lee Jin-ah đang làm nhân viên tài chính cho Không gian công cộng trống - tổ chức đứng đằng sau “Làng đừng lo lắng” kiếm tiền bằng cách tạo ra các nội dung kỹ thuật số, tổ chức các chuyến tham quan có hướng dẫn và chia sẻ lợi nhuận với các cư dân cũ khi họ vay vốn kinh doanh. 

“Một ngày nọ, tôi đột nhiên tự hỏi tại sao phải đợi đến khi nghỉ hưu để thực hiện ước mơ của mình? Ở Seoul, mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn và tôi không có tiền để làm những việc tôi muốn làm, nhưng ở đây, mọi thứ có giá cả phải chăng hơn và không cần nhiều thứ để tiêu”, Lee nói. Đó không chỉ là sự tự do tài chính mà Lee ấp ủ, cô cũng cảm thấy không còn lo lắng và chịu áp lực giống như sống ở một thành phố lớn như Seoul.

Ngay cả Hong Dong-woo, người sáng lập của Không gian công cộng trống cũng muốn được gọi bằng biệt danh thân mật, chứ không cần dùng đến cách xưng hô trịnh trọng như bên ngoài. “Chúng ta sống trong một xã hội nơi bạn không thể tự tin nếu không có một công việc phù hợp với tiêu chuẩn của xã hội. Nhưng trong làng chúng tôi, mọi thứ cho thấy những gì bạn muốn làm đều tốt cả, còn hơn là phải làm những điều xã hội muốn”.