"Thành phố bọt biển" chống nóng và mưa bão

ANTĐ - Những đợt nắng nóng và mưa bão ở Thủ đô của nước Đức đã trở nên phổ biến do tác động của biến đổi khí hậu. Ứng phó với thực trạng này, các chuyên gia đề ra giải pháp biến thành phố Berlin thành một “đô thị dạng miếng bọt biển”, với những mái nhà ngập tràn màu xanh lá cây và nhiều vùng đất ngập nước.

Cư dân Berlin được khuyến khích phủ xanh không gian sống
để đối phó với khí hậu ngày càng nóng lên

Đô thị trở nên dễ sống hơn

Cây và mái hiên giúp cung cấp bóng mát; mái nhà phủ rêu và cỏ xanh mướt; nhà có sơn màu sáng để không hấp thụ nhiệt; mặt đường có khả năng chịu nhiệt đặc biệt để ngăn ngừa việc chảy nhựa vào những ngày nắng nóng; quy hoạch những vùng trũng trữ nước trong các trận mưa lớn… Đó là một số điểm nổi bật trong hàng chục giải pháp can thiệp nhằm thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu mà các chuyên gia mới đề xuất với thành phố Berlin, mục tiêu là biến đô thị này trở nên dễ sống hơn trong nhiều thập kỷ tới.

Ý tưởng thiết kế đô thị này đã thu hút sự chú ý của Thượng nghị viện Berlin, cơ quan quản lý thành phố và được công bố cuối tháng 7-2016 với tên gọi “StEP Klima KONKRET”. Kể từ năm 2007, Berlin đã quan tâm đáng kể đến việc lập ra mô hình cảnh quan thành phố do tác động của biến đổi khí hậu và hiện giờ, những bước đi thực tế theo hướng thích ứng dài hạn đã hình thành.

Một số nước chịu tác động của biến đổi khí hậu mạnh hơn nhiều so với Đức, nhưng nước Đức cũng đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục năm 2003 khiến hàng chục người tử vong, trong khi lũ lụt do mưa lớn ngày càng phổ biến trong những năm gần đây. Ông Heike Stock, quan chức thành phố phụ trách chương trình nói trên nhấn mạnh, quản lý nước sẽ là chìa khóa để giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường đô thị.

“Chúng tôi sử dụng thuật ngữ “đô thị bọt biển” bởi quan trọng nhất là tránh bao phủ mặt đất bằng bê tông hay nhựa đường quá nhiều. Chúng tôi muốn bề mặt thấm được nước ở bất cứ nơi nào có thể. Ví dụ, mái nhà trồng rêu hoặc cỏ có thể hấp thụ nước khi mưa, sau đó nước dễ dàng bốc hơi đồng thời cũng tạo ra hiệu ứng làm mát.

Cùng với đó, khu vực đỗ xe và dải phân cách có thể cải tạo lại để cho phép trữ nước. Một số ao, khu đất ngập nước cũng như các công viên và không gian xanh có thể giữ lại nước mưa, một phần sau đó bốc hơi và được giải phóng dần dần chứ không phải là đột ngột đổ vào sông hồ của Berlin”. Theo phân tích của ông Heike Stock, điều đó còn góp phần bảo vệ chất lượng nước sông hồ vì dòng chảy đột ngột của tất cả các loại đất đô thị bị cuốn vào nước bề mặt khiến nước sông hồ bị quá tải với chất dinh dưỡng và mất đi nguồn ôxy vốn có.

Làm việc với từng dự án bất động sản

Vậy khuyến nghị của các chuyên gia sẽ áp dụng trên thực tế như thế nào? “Thành phố sẽ sử dụng quyền hạn của mình để đàm phán với các nhà phát triển bất động sản về chi tiết của những dự án thuộc diện cấp phép theo quy hoạch để khuyến khích tính năng thích nghi với khí hậu. Chúng tôi thực sự không muốn có các tòa nhà mới mà không thích nghi với thời tiết ngày càng nóng hơn. Vì trong tương lai gần, các khu nhà đó sẽ quá tải điện vì dùng quá nhiều máy điều hòa không khí”. 

Xanh hóa các tòa nhà mới xây là một phần giải pháp, nhưng do mật độ xây dựng ở Berlin đã tương đối cao nên cơ hội được cho là nằm ở phần cải tạo, trang bị thêm cho các tòa nhà hiện có. Ví dụ, nếu mái tòa nhà đã đến lúc cần phải cải tạo, người ta có thể kết hợp các tấm pin mặt trời với vườn xanh cùng với khoảng không gian dành cho cư dân. Điều đó sẽ tăng giá trị của khu bất động sản, làm cho nó hấp dẫn hơn đối với người thuê hoặc người mua.

Hiện Berlin đã rất thành công trong chiến dịch trồng cây xanh, mở các cuộc thi thiết kế công trình xanh và cùng với nhiều chương trình trợ cấp khác, các nhà quản lý tin rằng những giải pháp nhằm chống biến đổi khí hậu sẽ ngày càng được hiện thực hóa.