Sự tiến bộ về y tế, giáo dục dành cho trẻ em đang bị đe dọa do dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, hầu hết các quốc gia, đặc biệt là các nước nghèo đã từng bước đạt được kết quả trong việc cải thiện giáo dục và y tế trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, những diễn biến xấu về đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang ngày một đe dọa sẽ “xóa sổ” những tiến bộ đạt được trong thập kỷ qua về cải thiện hệ thống y tế và giáo dục cho trẻ em, đặc biệt tại các nước nghèo nhất.
Đại dịch Covid-19 đe dọa những tiến bộ đạt được trong thập kỷ qua về cải thiện hệ thống y tế và giáo dục cho trẻ em tại các nước nghèo

Đại dịch Covid-19 đe dọa những tiến bộ đạt được trong thập kỷ qua về cải thiện hệ thống y tế và giáo dục cho trẻ em tại các nước nghèo

Một tỷ trẻ em không được đến trường do dịch Covid-19

Mối đe dọa về những tiến bộ và thành tựu đạt được dành cho trẻ em trong suốt thập kỷ qua được Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá dựa vào Chỉ số vốn con người (HCI) năm 2020 (được thực hiện từ năm 2018, HCI năm 2020 bao gồm số liệu thống kê của 174 nước, chiếm 98% dân số thế giới). Báo cáo cho thấy hầu hết các quốc gia, đặc biệt là các nước nghèo, đã từng bước đạt được kết quả trong việc cải thiện giáo dục và y tế trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Mặc dù vậy, World Bank cho rằng, một trẻ em sống ở đất nước có thu nhập thấp có thể sẽ chỉ đạt được 56% HCI so với một đứa trẻ được tiếp cận với hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe đầy đủ. HCI bao gồm kiến thức, kỹ năng và sức khỏe mà con người tích lũy được trong suốt cuộc đời, giúp con người nhận ra tiềm năng của mình như là thành viên hữu ích cho xã hội. HCI cũng là công cụ đo mức sống mà một đứa trẻ được sinh ra ngày nay hy vọng có thể đạt được vào năm 18 tuổi. HCI đặc biệt quan trọng đối với tương lai kinh tế và tài chính của một quốc gia, cũng như sự thịnh vượng của xã hội.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank) David Malpass cho rằng, tình trạng mất cân bằng HCI trong trẻ em đang gia tăng và một trong những bằng chứng cho thấy điều này là thế giới hiện có khoảng 80 triệu trẻ em không được tiêm chủng mở rộng cần thiết. “Chúng tôi nghĩ hơn 1 tỷ trẻ em không được đến trường do dịch bệnh Covid-19 và tất cả các em có thể sẽ mất 10.000 tỷ USD thu nhập trong suốt cuộc đời sau này. Ngoài việc cảnh báo tình trạng trẻ em gái sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất cân bằng giới, các quốc gia cần chú trọng đầu tư nhiều hơn vào giáo dục” - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank) David Malpass nhấn mạnh.

40 triệu trẻ em đã bỏ lỡ chương trình giáo dục mầm non

“Hiện có ít nhất 40 triệu trẻ em đã bỏ lỡ chương trình giáo dục mầm non do các biện pháp hạn chế mà nhiều nước đã triển khai nhằm phòng chống sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang khiến cuộc khủng hoảng chăm sóc trẻ em trên toàn cầu lâm vào tình trạng tồi tệ hơn” - Người đứng đầu Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) - Henrietta Fore đã đưa ra cảnh báo trên sau khi một nghiên cứu của Liên hợp quốc cho thấy có ít nhất 40 triệu trẻ em đã bỏ lỡ chương trình giáo dục mầm non do các biện pháp hạn chế mà nhiều nước đã triển khai nhằm phòng chống sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

“Chúng tôi nghĩ hơn 1 tỷ trẻ em không được đến trường do dịch bệnh Covid-19 và tất cả các em có thể sẽ mất 10.000 tỷ USD thu nhập trong suốt cuộc đời sau này. Ngoài việc cảnh báo tình trạng trẻ em gái sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất cân bằng giới, các quốc gia cần chú trọng đầu tư nhiều hơn vào giáo dục”.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank) David Malpass

Nghiên cứu của Liên hợp quốc công bố có nội dung như chăm sóc và giáo dục trẻ em trên toàn cầu, phân tích về hậu quả của việc đóng cửa hàng loạt các dịch vụ an sinh thiết yếu dành cho trẻ em do đại dịch Covid-19. Theo nghiên cứu, việc đóng cửa các trường học đã khiến các bậc phụ huynh phải tìm cách cân bằng giữa việc chăm sóc con cái với công việc được trả lương, tình huống này làm gia tăng gánh nặng đối với phụ nữ vốn là người dành thời gian chăm sóc con cái và làm việc nhà nhiều hơn 3 lần so với nam giới. Ở những nước nghèo hơn, việc đóng cửa đã khiến cuộc sống của nhiều gia đình có trẻ nhỏ trở nên khó khăn hơn khi mà trường học là nơi cung cấp một loạt các dịch vụ bao gồm dinh dưỡng, phát triển các kỹ năng xã hội, cảm xúc và nhận thức.

Nghiên cứu của Liên hợp quốc cho thấy tại 54 nước có mức thu nhập thấp và trung bình, có khoảng 40% trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 5, không được hỗ trợ phát triển các kỹ năng xã hội, cảm xúc và nhận thức từ người lớn trong gia đình. Sự lựa chọn duy nhất của hàng triệu cha mẹ, đặc biệt là phụ nữ làm việc ở khu vực không chính thức và không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, là mang con tới nơi làm việc. Hiện có hơn 90% phụ nữ tại châu Phi và gần 70% phụ nữ tại châu Á làm những công việc không chính thức. Thông qua báo cáo trên, UNICEF kêu gọi đảm bảo quyền của mọi trẻ, đó là được hưởng dịch vụ chăm sóc chất lượng và phù hợp, từ lúc sinh ra cho đến những nằm đầu đời ngồi trên ghế nhà trường.

90-117 triệu trẻ em rơi vào nghèo đói

Tổ chức Bảo vệ trẻ em (Save the Children) cảnh báo, đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang gây ra tình trạng khẩn cấp về giáo dục chưa từng thấy với 9,7 triệu trẻ em. Tổ chức từ thiện Save the Children có trụ sở tại Anh dẫn số liệu của Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cho thấy, khoảng 1,6 tỷ thanh thiếu niên và trẻ em trên toàn thế giới đã không thể đến trường do các biện pháp không chế dịch bệnh, tương đương với 90% số học sinh, sinh viên trên toàn thế giới. Tổ chức này nhấn mạnh đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người, chương trình giáo dục của cả một thế hệ trẻ em trên toàn cầu bị gián đoạn. Bên cạnh đó, khủng hoảng kinh tế có thể đẩy 90-117 triệu trẻ em rơi vào nghèo đói, khiến các em không thể nhập học. Trong bối cảnh có nhiều thanh thiếu niên buộc phải làm việc, hay các em gái buộc phải kết hôn sớm để hỗ trợ gia đình, điều này có thể dẫn đến 7-9,7 triệu trẻ em phải bỏ học lâu dài.

Trong khi đó, Save the Children cảnh báo đến cuối năm 2021, cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt 77 tỷ USD cho ngân sách giáo dục tại những quốc gia có thu nhập vừa và thấp. Người đứng đầu Save the Children Inger Ashing nhấn mạnh khoảng 10 triệu trẻ em có thể không bao giờ quay trở lại trường học được nữa. Đây là tình trạng khẩn cấp giáo dục chưa từng có tiền lệ và các chính phủ cần nhanh chóng đầu tư vào lĩnh vực này.

Tổ chức Save the Children hối thúc các Chính phủ và các nhà tài trợ đầu tư thêm vào kế hoạch giáo dục toàn cầu để giúp trẻ em quay lại trường học khi tình hình trở nên an toàn. Từ nay cho đến lúc đó, các em cần được hỗ trợ học từ xa. Tổ chức này cũng kêu gọi các chủ nợ giãn nợ cho các nước thu nhập thấp, qua đó giúp có thêm 14 tỷ USD cho các chương trình giáo dục. Bà Inger Ashing nhấn mạnh, nếu không sớm giải quyết, cuộc khủng hoảng giáo dục này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của trẻ em. Mục tiêu của Liên hợp quốc về đảm bảo trẻ em trên toàn cầu có thể tiếp cận giáo dục chất lượng vào năm 2030 sẽ bị lùi lại thêm nhiều năm. Theo báo cáo của Save the Children, 12 quốc gia có trẻ em đối mặt với nguy cơ bị tụt hậu về giáo dục gồm

Niger, Mali, Chad, Liberia, Afghanistan, Guinea, Mauritania, Yemen, Nigeria, Pakistan, Senegal và Côte d'Ivoire. Trước khi khủng hoảng xảy ra, ước tính 258 triệu trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn cầu đã không thể đến trường.

“Hiện có ít nhất 40 triệu trẻ em đã bỏ lỡ chương trình giáo dục mầm non do các biện pháp hạn chế mà nhiều nước đã triển khai nhằm phòng chống sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang khiến cuộc khủng hoảng chăm sóc trẻ em trên toàn cầu lâm vào tình trạng tồi tệ hơn”.

Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Henrietta Fore

“Nếu không sớm giải quyết, cuộc khủng hoảng giáo dục này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của trẻ em. Mục tiêu của Liên hợp quốc về đảm bảo trẻ em trên toàn cầu có thể tiếp cận giáo dục chất lượng vào năm 2030 sẽ bị lùi lại thêm nhiều năm. Theo báo cáo của Save the Children, 12 quốc gia có trẻ em đối mặt với nguy cơ bị tụt hậu về giáo dục gồm Niger, Mali, Chad, Liberia, Afghanistan, Guinea, Mauritania, Yemen, Nigeria, Pakistan, Senegal và Côte d'Ivoire”.

Giám đốc điều hành Tổ chức Save the Children Inger Ashing