Tên gọi Kẻ Chợ có từ bao giờ?

ANTD.VN - Trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ Hà Nội và sách của các tác giả phương Tây viết về Đàng Ngoài và Thăng Long gọi Hà Nội xưa là Kẻ Chợ. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cũng dùng từ Kẻ Chợ khi nói hay viết thay cho Thăng Long hay Hà Nội xưa. Vậy tên Kẻ Chợ có từ bao giờ?

Kẻ Chợ là từ ghép gồm kẻ và chợ. Kẻ là từ cổ chỉ một vùng đất, một khu vực có những nghề giống nhau nhưng thường nằm ở ven kinh đô. Ca dao Hà Nội xưa có câu:

“Hỡi cô thắt lưng bao xanh

Có về Kẻ Vẽ với anh thì về

... 

Kẻ Vọng khéo ngọc khéo ngà 

Đưa đem đi bán cho nhà giầu sang

Kẻ Lủ thì bán bỏng rang

Trên  ô Hàng Đậu lắm hàng nhiều thay

...”. 

Hay “Rượu Kẻ Mơ, cờ Mộ Trạch” (rượu Kẻ Mơ ngon nổi tiếng như dân Mộ Trạch ở Hải Dương đánh cờ cao), “Ta là Kẻ Láng có nghề trồng rau”. Ngoài ra còn rất nhiều địa danh khác bắt đầu bằng Kẻ như: Kẻ Cót (nay thuộc phường Yên Hòa), Kẻ Giàn (nay thuộc phường Xuân Đỉnh), Kẻ Vẽ (nay thuộc phường Đông Ngạc)... Đó là chữ kẻ còn chữ chợ?

Tên gọi Kẻ Chợ có từ bao giờ? ảnh 1Cái tên Kẻ Chợ có từ rất lâu trước khi người phương Tây vào Hà Nội

Trong ghi chép của nhà thám hiểm hàng hải người Bồ Đào Nha P.Y Manguin thì năm 1523, phái bộ Bồ Đào Nha Duarté Coelho đã tiếp xúc với “triều đình của vương quốc Cacho (Kẻ Chợ)”. Theo học giả Trần Kinh Hòa, tên Cacho lần đầu xuất hiện ở cuốn “Da Asia” (Về châu Á) năm 1550 của Barros người Bồ Đào Nha. Đến thế kỷ XVII, tên này xuất hiện phổ biến trong các tư liệu phương Tây với những biến âm: Cachao, Cacho, Catchou, Checio, Chéce, Kacho, Kichou… Như vậy tên Kẻ Chợ xuất hiện đầu tiên vào thế kỷ XVI trong sách của các tác giả người phương Tây. Song họ không thể tự nghĩ ra từ này và chắc chắn nó phải tồn tại trong dân chúng Thăng Long trước khi họ đến. 

Kinh đô Thăng Long không chỉ là đầu não chính trị nơi có vua quan mà kinh đô còn là đầu não kinh tế, nơi có người dân làm ra của cải vật chất nộp thuế nuôi sống vua quan. Để mua bán, trao đổi hàng hóa kinh đô  phải có chợ. Chợ xuất hiện ở Thăng Long từ rất sớm. Năm 1035, Vua Lý Thái Tông đã “mở chợ Tây Nhai với hành lang dài” (tương ứng với chợ Ngọc Hà ngày nay). Từ thời Lý đến Trần, chợ ngày càng nhiều hơn để đảm bảo cho đời sống dân sinh của 61 phường ở kinh thành. Trong bài viết in ở cuốn “Văn học nghệ thuật Thủ đô 30 năm phát triển và định hướng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” xuất bản năm 1996, Giáo sư Trần Quốc Vượng nhận định: “Cho đến thế kỷ XVI, chỉ có Thăng Long mới được gọi là Kẻ Chợ còn tất cả các vùng miền khác gọi là Kẻ Quê”.

Thế kỷ XVII, dân các làng có nghề thủ công nhập cư vào Thăng Long lập cơ sở sản xuất, vì thế Thăng Long ngày đông đúc nên mạng lưới chợ cũng phát triển nhanh chóng đáp ứng nhu cầu dân sinh và giao thương hàng hóa. Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú đã kể ra 8 chợ ở Thăng Long gồm: Chợ Cửa Đông, chợ Cửa Nam, chợ Huyện, chợ Đình Ngang, chợ Bà Đá, chợ Văn Cử, chợ Bác Cử và chợ Ong Nước.  

Chợ ở Thăng Long không chỉ bán nông, lâm sản từ các vùng mang đến mà các chợ còn bán nhiều hàng hóa khác và chuyên buôn bán một mặt hàng: 

Bán mít chợ Đông

Bán hồng chợ Tây

Bán mây chợ Huyện

Bán quyến (lụa) chợ Đào (Hàng Đào).

Sau đó dần dần xuất hiện thêm các chợ khác chỉ bán một mặt hàng, từ đó ra đời từ phố (nghĩa là cửa hàng) và các phố Hàng.  

Địa điểm họp chợ thường ở nơi có bãi đất rộng, cửa thành, cửa sông và hai bên sông Tô Lịch, những vị trí thuận tiện cho đi lại. Vì chợ ở Thăng Long thường họp ở bến sông nơi có cầu tàu nên xuất hiện cụm từ “chợ búa” (búa nghĩa là cầu tàu) và cụm từ này dùng để chỉ chợ nói chung trong đó cũng là nơi chợ họp ở bến sông. 

Trong cuốn “Lịch sử Hà Nội”, tác giả Philippe Papin viết: “Chợ thường họp ở cạnh các cửa ô xung quanh tường thành Kẻ Chợ. Từ năm 1749, khi xây dựng bức tường Đại đô và có thêm 8 cửa ô thì số lượng chợ tăng thêm”. Về thời gian họp chợ, sứ Trung Quốc sang Việt Nam đời Trần là Trần Cương Trung ghi: “Chợ cứ hai ngày họp một lần”. Tuy nhiên, thời gian họp chợ trong sách của các nhà thám hiểm, nhà buôn hay nhà truyền giáo phương Tây không thống nhất.

W.Dampier đến Thăng Long năm 1688 trong cuốn “Du hành và khám phá” cho rằng: “Ở Kẻ Chợ, chợ họp trong tất cả mọi ngày”. Song Samuel Baron, (có cha là thương nhân Hà Lan làm ở thương điếm Hà Lan tại Thăng Long, mẹ là người Thăng Long) từng sống ở Thăng Long mấy chục năm, trong cuốn “Mô tả vương quốc xứ Đàng Ngoài” xuất bản năm 1683 viết: “Chợ ở Kẻ Chợ mỗi tháng có hai phiên” (ngày rằm và mùng một). Còn Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tùy bút” thì cho rằng ở kinh kỳ “phiên chợ là các ngày 1, 6, 11, 14, 15, 21, 26, 30” (một tháng 8 phiên)”. 

Vậy tên Kẻ Chợ xuất hiện khi nào? Ngược thời gian, Thăng Long thời Lý, Trần  nằm ở gần  khu vực hồ Tây hiện nay. Đến triều Lê, kinh thành được mở rộng về phía Đông khi đê chắn lũ sông Hồng cũ (tương ứng từ phố Hàng Than theo Hàng Giấy, Hàng Đường xuôi xuống phố Lê Thái Tổ ra Bà Triệu xuống phố Nguyễn Du ngày nay) bị phá bỏ làm đê mới (tương ứng với phố Nguyễn Hữu Huân chạy xuống phố Đinh Tiên Hoàng ngày nay).

Đời Vua Lê Thái Tông, ông vua này đã cho mở chợ Cửa Đông (nằm ở cửa phía Đông của kinh thành), dân gọi là chợ Đông Thành. Chợ họp từ cửa sông Tô Lịch tiếp giáp với sông Hồng, họp cả trên hai bờ sông và là chợ lớn nhất Đại Việt với đủ loại hàng hóa. Phạm Đình Hổ đã mô tả “Chợ đông đúc với hàng quán chen chúc sát đến bên đền Bạch Mã, rất huyên náo”. Trong sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi đã nói đến khu vực này là chợ lớn vì thế có thể tên Kẻ Chợ xuất hiện trong dân từ thời Lê vào thế kỷ XV. Tên Kẻ Chợ ban đầu chỉ để gọi riêng khu buôn bán để phân biệt với khu Hoàng thành của Vua Lê. Dần dần tên Kẻ Chợ được dùng chung cho cả kinh thành Thăng Long.   

Tin đọc nhiều