Rủi ro chồng chất, châu Âu đối mặt với nguy cơ suy thoái

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hiếm có khi nào châu Âu phải đối mặt cùng một lúc với nhiều cuộc khủng hoảng đến như vậy. Nắng nóng, cháy rừng, thiếu nước sinh hoạt, khủng hoảng năng lượng đang khiến nguy cơ suy thoái của khu vực này hiện rõ.

Một mùa hè đỏ lửa

Kể từ ngày 7-8, đợt nắng nóng gay gắt nhất trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng đến hầu hết các nước châu Âu, với nhiệt độ tại nhiều nước lên mức cao kỷ lục, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và sức khỏe. Ở Italia, đã có tới 19 thành phố được đặt trong tình trạng báo động đỏ. Điều này có nghĩa nhiệt độ và điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của những người khỏe mạnh. Viện Khoa học khí quyển và khí hậu thuộc Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Italia cho biết, năm 2022 có thể là năm nóng nhất và khô hạn nhất ở nước này kể từ năm 1800.

Ở Anh, nhiệt độ được ghi nhận ở mức cao nhất mọi thời đại là 40 độ C, thậm chí có thời điểm hơn 40 độ C. Vùng Brittany ở Pháp cũng ghi nhận mức nhiệt tương tự trong những ngày qua. Nhiều nơi ở châu Âu, từ Tây Ban Nha đến Đức, nhiệt độ cao trái với quy luật, lên tới 40-43 độ C. Tây Ban Nha có mức nhiệt cao kỷ lục 47,3 độ C tại thị trấn Montoro.

Do nắng nóng, hơn một nửa lãnh thổ của Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 nước có nguy cơ bị hạn hán, do thiếu mưa và nhiệt độ cao như thiêu đốt. Mực nước sông Danube chảy ngang châu Âu đo được ở một số điểm giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 100 năm. Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo biến đổi khí hậu có thể khiến một nửa số lưu vực sông ở EU có nguy cơ thiếu nước vào năm 2030.

Thời tiết khô nóng bất thường đã gây ra cháy rừng ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Italia, Hy Lạp và nhiều nơi khác. Hệ thống thông tin về cháy rừng của EU (EFFIS) ghi nhận, trong 7 tháng đầu năm nay, tổng diện tích rừng bị cháy tại EU là hơn 600 nghìn ha, bỏ xa mức trung bình 158 nghìn ha trong giai đoạn tham chiếu 2006 - 2021. Cháy rừng khiến hàng chục nghìn người trên khắp châu Âu buộc phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán. Nắng nóng và thiếu nước đã khiến nhiều người ở châu Âu tử vong do sốc nhiệt. Trong đợt nắng nóng hồi tháng 7 vừa qua, hơn 1.700 người ở bán đảo Iberia, gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đã thiệt mạng do vượt quá mức chịu đựng của con người.

Mặc dù chưa có dữ liệu toàn diện, song các báo cáo được truyền thông đăng tải ước tính, thời tiết khô, nóng khiến sản xuất nông nghiệp tại các nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thiệt hại lên tới hàng tỷ euro. Tại Hy Lạp, Pháp và Italia, thời tiết khắc nghiệt được cho là làm giảm sản lượng dầu ôliu, dẫn đến giá tăng vọt. Tại Pháp, sản lượng rượu trong năm 2022 có thể bị ảnh hưởng cả về số lượng và chất lượng, trong khi sản lượng ngô và thức ăn chăn nuôi tại Italia cũng giảm.

Nắng nóng còn tác động tới ngành du lịch vốn đang vật lộn để phục hồi sau tác động của đại dịch Covid-19. Sau đợt dịch Covid-19, mùa hè năm nay được hy vọng sẽ là mùa du lịch lớn nhất châu Âu kể từ năm 2019. Song thời tiết nắng nóng đã cản trở mục tiêu này. Theo ông Stefano Brindisi, Giám đốc điều hành Công ty lữ hành Expedia, có mạng lưới ở hầu hết các quốc gia châu Âu, nắng nóng đã khiến nhiều du khách trì hoãn kế hoạch hoặc thay đổi điểm đến. Ông Stefano Brindisi khẳng định, thời tiết khắc nghiệt đang cản trở đà phục hồi của ngành công nghiệp không khói châu lục này.

Triển vọng kinh tế u ám

Không chỉ đối mặt với thiên tai, châu Âu còn đứng trước nguy cơ khủng hoảng năng lượng, dẫn tới suy thoái kinh tế. Trong bối cảnh Nga có thể chặn nguồn cung khí đốt để “trả đũa” các lệnh trừng phạt của châu Âu liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine, khu vực này có thể thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng.

Trong tháng 7, nguồn cung khí đốt qua đường ống dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) đến Đức đã giảm tới 60%. Với khả năng cung cấp 55 tỷ m3 khí đốt/năm cho châu Âu, chiếm khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga, Nord Stream 1 có vai trò đặc biệt quan trọng với châu Âu, nhất là với nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức.

Mặc dù, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga sẽ hoàn thành tất cả các nghĩa vụ của doanh nghiệp này với châu Âu. Song căng thẳng giữa Nga và EU có thể dẫn đến gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga, mà tranh cãi về vấn đề các tuabin của Nord Stream 1 là bằng chứng mới nhất. Giới quan sát không loại trừ kịch bản Mátxcơva có thể cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt tới châu Âu để gây sức ép buộc EU phải giảm bớt hoặc gỡ bỏ các lệnh cấm vận.

Trong bối cảnh đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt, các quốc gia dễ bị tổn thương bao gồm Slovakia, Cộng hòa Czechvà Hungary có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Với Đức, thiệt hại về kinh tế có thể lên tới 220 tỷ euro (225 tỷ USD) trong hai năm tới.

Thực tế hiện nay, dinh Tổng thống Đức tại Thủ đô Berlin đã không còn được thắp sáng vào ban đêm. Thành phố Hanover của nước này cũng đang tắt vòi nước ấm tại các bể bơi và phòng tập. Nhiều thành phố trên khắp nước Đức đang chuẩn bị khu sưởi ấm để giúp người dân giữ ấm vào mùa đông sắp tới... Ở miền Đông nước Pháp, hàng chục ngôi làng đã phải tắt đèn đường vào lúc nửa đêm. Còn Warsaw, Thủ đô của Ba Lan, thì phải trợ cấp cho các hộ gia đình thay thế bếp đốt dùng nhiên liệu hóa thạch.

Tất cả những khó khăn trên khiến triển vọng kinh tế châu Âu u ám. Các nhà phân tích cho rằng, kinh tế châu Âu, chiếm gần 1/5 sản lượng kinh tế của thế giới, đang phải đối mặt với bài kiểm tra khó khăn nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hơn 2 năm trước.

Giống như Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác, châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, gây tổn hại cho người tiêu dùng và có khả năng đẩy nhanh sự kết thúc giai đoạn bùng nổ chi tiêu. Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) đã công bố mức lạm phát tháng 7 của khu vực đồng euro với kỷ lục mới là 8,9%. Tại Đức, lạm phát trong tháng 7 là 7,5%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Còn ở Tây Ban Nha, lạm phát lên cao nhất 38 năm, ở mức 10,8%. EC dự báo kinh tế kinh tế EU sẽ tăng trưởng 2,7% năm 2022 và 1,5% vào năm 2023. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cảnh báo châu Âu có thể rơi vào suy thoái cuối năm nay hoặc đầu năm tới bởi những rủi ro chồng chất.