- Quận Tây Hồ kiên quyết xử lý vi phạm tại các điểm du lịch, thắng cảnh, di tích
- Nhiều hoạt động hấp dẫn trong Năm Du lịch quốc gia Điện Biên 2024
- Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh và khai mạc mùa du lịch Ba Vì 2024
Lễ tang của ông đã diễn ra vào ngày 28/2 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô.
PGS, TS, VS Hồ Sĩ Vịnh sinh năm 1933, quê quán: xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Là một nhà khoa học được đào tạo bài bản, từng theo học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-1959), nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Tổng hợp Lômônôxốp (Matxcơva) và bảo vệ thành công luận án TS ngữ văn (1985), Hồ Sĩ Vịnh gắn bó cả đời với công việc nghiên cứu. Thoạt tiên, ông làm nghiên cứu viên tại Viện Văn học (1963-1971) rồi cán bộ Viện Nghệ thuật từ 1972 (nay là Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), làm thư ký tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật (sau là Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật) rồi Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật từ 1986-1996. Về hưu, ông vẫn say mê làm công tác khoa học, làm Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam (2000-2006).
Hồ Sĩ Vịnh là nhà nghiên cứu văn hóa tâm huyết, trách nhiệm, có tầm bao quát và kiến thức sâu rộng. Ông đã cho công bố nhiều công trình, bài báo khoa học và xuất bản nhiều đầu sách học thuật có giá trị về văn hóa, văn nghệ, văn học như: Puskin (bút ký chân dung, 1983), M.Gorki với văn nghệ dân gian (1985), Lênin và sự hình thành người nghệ sĩ kiểu mới (1986), Tư duy mới và phẩm chất văn nghệ sĩ (1989),Văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới (2002), Về bản lĩnh văn hóa Việt Nam (2005)…
Với những đóng góp trong hoạt động công tác, Hồ Sĩ Vịnh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao Động hạng Nhất; huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Ông là Viện sĩ Viện hàn lâm nghệ thuật phương Đông, Nga (năm 2002), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1990.
Ông từng giảng dạy tại nhiều trường đại học hàng đầu của Việt Nam, như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Văn hóa Hà Nội và Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
GS, Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh |
Qua 12 chương của cuốn sách "Văn hóa Việt Nam - Những nét đặc sắc", Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh tận dụng mỗi chương để khám phá và phân tích một khía cạnh độc đáo của văn hóa Việt Nam. Tác giả đã giới thiệu về khái niệm văn hóa Việt Nam và nguồn gốc của nó, nêu bật sự đa dạng và độc đáo của văn hóa này, cũng như sự sáng tạo và tác động của nó trong quá trình phát triển.
Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh cũng nghiên cứu về triết học văn hóa và văn hóa hòa giải. Ông tin rằng văn hóa có thể là cầu nối giữa các quốc gia và giúp hòa giải những mâu thuẫn. Ông còn đề xuất một khái niệm mới là "văn hóa hòa giải", tức là sử dụng các giá trị, nguyên tắc và phương pháp của văn hóa để giải quyết các xung đột và tạo ra hòa bình. Viện sĩ đã áp dụng triết học văn hóa vào nghiên cứu văn học Việt Nam, nhằm tìm ra những đặc trưng, giá trị và ý nghĩa của văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá và văn hóa toàn cầu.
Với hơn 30 tác phẩm đã xuất bản, nổi bật là những nhiều đầu sách học thuật mới mẻ và nhiều giá trị, ông đã đóng góp lớn vào lĩnh vực khoa học nhân văn.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ: "Ông là một trí thức dâng hiến trọn đời cho nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật và đã sống một cuộc đời mẫu mực của một trí thức, một nhà văn".