NSND Thúy Mùi: "Văn nghệ sĩ chúng tôi rất buồn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, văn nghệ sĩ chúng tôi rất buồn vì đây là một tổn thất rất lớn của đất nước nhưng chính cũng là một thiệt thòi, mất mát đối với văn học nghệ thuật. Bởi Tổng Bí thư là người am hiểu tường tận về văn học nghệ thuật và khi Tổng Bí thư chỉ đạo, định hướng, tất cả các văn nghệ sĩ đều vô cùng ngưỡng mộ vì rất đúng và rất trúng", NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam cho biết .

Trong ký ức của NSND Thúy Mùi, khi còn làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường đến thăm các đơn vị nghệ thuật, để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các nghệ sĩ trong suốt quá trình làm nghề, trong đó có Nhà hát Chèo Hà Nội.

Khi đến, bác hỏi “Các nghệ sĩ có sống được bằng nghề không?” Các nghệ sĩ cho biết, họ sống được bằng nghề, rất may mắn không phải đi làm nghề khác nhưng cũng khó khăn và vất vả để bám trụ với nghề. Bác xúc động khi nghe được những chia sẻ chân thành đó và động viên NSND Thúy Mùi – khi đó đang làm giám đốc nhà hát cần lo được đời sống cho các văn nghệ sĩ. Bác nói: “Anh em ổn định được đời sống thì mình chỉ đạo gì người ta cũng nghe. Để làm được điều này, người lãnh đạo phải cố gắng rất nhiều”.

NSND Thúy Mùi (ngoài cùng bên trái) vinh dự khi nhiều lần được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

NSND Thúy Mùi (ngoài cùng bên trái) vinh dự khi nhiều lần được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Những lời động viên, chia sẻ của bác đã khích lệ giám đốc nhà hát Chèo Hà Nội năng động hơn, sáng tạo hơn. Và quả thật, sau đó, nhà hát Chèo Hà Nội đã là một đơn vị đoàn kết, phát triển rất mạnh, trở thành một đơn vị nghệ thuật hàng đầu của Thủ đô. Tại Hội nghị kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh giao nhiệm vụ cho NSND Thúy Mùi làm người đại diện cho văn nghệ sĩ phát biểu. NSND Thúy Mùi đã rất lo lắng vì phát biểu trước Tổng Bí thư mà lại kêu ca về những khó khăn bất cập. Nhưng rồi lại nghĩ, không gì bằng chúng ta nói thật. Khi phát biểu xong, Tổng Bí thư đã khen ngợi bởi thay vì kể những thành tích chúng ta nên nói thẳng về những khó khăn, tồn tại.

Lúc về, bác vẫy NSND Thúy Mùi lại, nắm tay nói: "Bài phát biểu rất đúng với thực tế mà Đảng và Nhà nước cần quan tâm". Nhưng câu tiếp theo mới làm nghệ sĩ chèo nổi tiếng bất ngờ: "Riêng Thúy Mùi là một trong những nghệ sĩ hết sức năng động. Thúy Mùi không được nghỉ mà phải tiếp tục cống hiến nhé". Lúc ấy, NSND Thúy Mùi vừa nghỉ hưu được 1-2 tháng, chỉ mới về làm Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật truyền thống sân khấu Việt Nam. Khi Tổng Bí thư nói như vậy, chị hiểu đây là cách nói bác giao nhiệm vụ cho nữ nghệ sĩ tiếp tục cống hiến cho văn học nghệ thuật. Đấy cũng là niềm vinh dự đối với riêng cá nhân NSND Thúy Mùi được Tổng Bí thư nhớ tới và căn dặn.