Phần Lan có quân đội mạnh cỡ nào khi cân nhắc gia nhập NATO?

ANTD.VN -  Hơn 3.000 binh sĩ Phần Lan đang tham gia cuộc tập trận kéo dài hai tuần với các thành viên NATO trong lúc quốc gia Bắc Âu cân nhắc gia nhập liên minh quân sự này, bất chấp sự phản đối của Nga.

Diễn tập Arrow 22, được tổ chức từ ngày 2-13/5 tại Phần Lan, là một trong chuỗi hoạt động chung giữa các thành viên NATO và đồng minh kéo dài từ mùa xuân đến mùa hè. Đây cũng là dịp để quân đội Phần Lan cọ sát, nâng cao sức mạnh tác chiến.

Trong số này có cuộc diễn tập tên lửa và không quân trên đất liền lớn nhất thế giới tại Ba Lan và các nước vùng Baltic dự kiến diễn ra vào tháng 6.

Hơn 3.000 lính Phần Lan tham gia tập trận cùng hàng trăm binh sĩ Mỹ, Anh, Estonia và Latvia tại Arrow 22.

Hoạt động được đánh giá có thể là màn dạo đầu cho thay đổi địa chính trị lớn tại Bắc Âu trong bối cảnh Phần Lan và nước láng giềng Thụy Điển nhiều khả năng nộp đơn gia nhập NATO trong vài tuần tới.

Diễn tập Arrow 22 được tổ chức tại các khu rừng thông của Phần Lan, liên quan đến phát triển các đơn vị cơ giới phản ứng nhanh, cũng như cho phép quân đội quốc gia Bắc Âu làm quen với các hệ thống của NATO.
Mỹ điều khoảng 100 binh sĩ và 15 xe thiết giáp Stryker tham gia diễn tập Arrow 22 với các tân binh của Phần Lan.
Phần Lan sở hữu lực lượng quân đội tinh nhuệ với nhiều vũ khí, trang bị hiện đại và chính sách huy động lực lượng linh hoạt.
Quân đội Phần Lan có 280.000 binh sĩ thường trực và khoảng 900.000 quân dự bị, được đánh giá là một trong các lực lượng vũ trang lớn nhất châu Âu tính theo bình quân đầu người.

Phần Lan đang nâng cấp lực lượng không quân với thương vụ mua 64 tiêm kích F-35 trị giá 8,8 tỷ USD được công bố hồi tháng 2.

Không quân Phần Lan được xếp thứ 48 trên thế giới, với tổng cộng 200 máy bay quân sự các loại trong biên chế, trong đó có 55 tiêm kích hiện đại.
Không quân Phần Lan sở hữu nhiều tiêm kích F-18 C/D Hornet mua của Mỹ, máy bay huấn luyện Hawk Mk 51, Mk 51A, Mk 66 của Anh.
Vận tải cơ C-295M của không quân Phần Lan diễn tập hạ cánh trên đường cao tốc. Không quân Phần Lan hiện biên chế ba chiếc C-295M mua của Tây Ban Nha.
Phần Lan cũng sở hữu dòng trực thăng hiện đại H225 Super Puma. Hình ảnh lính đặc nhiệm Phần Lan thực hành đổ bộ từ trực thăng trong một cuộc diễn tập năm 2015.
Với đường bờ biển dài 1.250 km, Phần Lan xây dựng lực lượng hải quân thiên về phòng thủ, với lực lượng chủ yếu là các tàu tuần tra, tàu tên lửa.
Phần Lan đang sở hữu dòng xe tăng Leopard cực mạnh do Đức sản xuất, nước này hiện đang biên chế hai biến thể là Leopard 2A4 và Leopard 2A6.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto có thể công bố ý định gia nhập NATO sớm nhất vào ngày 12/5.

Hiện chưa rõ liệu Thụy Điển có động thái tương tự không, dù quốc hội nước này gần đây cho biết sẽ rà soát chính sách an ninh quốc gia và xem xét các mặt lợi, hại của phương án gia nhập NATO trước khi đưa ra quyết định.

Một số nguồn tin trước đó nói rằng hai nước sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO cùng thời điểm. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto tuần trước cho hay đất nước ông có thể nộp đơn xin gia nhập NATO mà không cần chờ nước láng giềng.

Nga ngày 11/4 cảnh báo, nếu Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ chính sách không liên minh quân sự trong nhiều thập kỷ và gia nhập NATO, Nga sẽ buộc phải khôi phục cán cân quân sự bằng cách tăng cường phòng thủ tại khu vực Baltic, trong đó có triển khai vũ khí hạt nhân tới đây.

Phần Lan có đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga. Họ trở thành nước trung lập thông qua hiệp ước hữu nghị với Liên Xô năm 1948, với kỳ vọng ngăn tái diễn cuộc chiến tranh Phần Lan - Liên Xô năm 1939.

Tuy giành chiến thắng chung cuộc, nhưng Liên Xô đã phải trả một cái giá rất đắt. Liên Xô huy động vào cuộc chiến này quân số rất lớn, nhưng họ đã bị thương vong khoảng 200.000 người sau 100 ngày chiến đấu.

Nhiều nguồn tin khác còn cho biết, có thể Liên Xô đã tung ra tới 1 triệu quân và thiệt hại lên tới 300.000 lính thương vong.

Phía Phần Lan tối đa chỉ có 300.000 quân và thiệt hại khoảng 70.000 lính trong đó có khoảng 26.000 lính thiệt mạng sau cuộc chiến tranh khốc liệt này.
Xuyên suốt thời Chiến tranh Lạnh, quốc gia Bắc Âu duy trì tôn chỉ không liên kết, bất chấp sức ảnh hưởng từ cả hai khối do Liên Xô và Mỹ dẫn đầu.
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Phần Lan dần chuyển trọng tâm đối ngoại sang phương Tây, đánh dấu với quyết định gia nhập EU năm 1995.
Thụy Điển cũng chọn hướng đi tương tự sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, gia nhập EU vào năm 1995 và tăng cường hợp tác với NATO.

Thụy Điển đã tránh tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào trong hơn 200 năm qua. Trước khi chiến sự tại Ukraine bùng phát, lần gần nhất Thụy Điển gửi viện trợ vũ khí ra nước ngoài chính là trong cuộc chiến Phần Lan - Liên Xô năm 1939.