Người Mỹ gạt chia rẽ chính trị cùng tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố 11-9

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 23 năm trước, 19 tên không tặc tham gia loạt vụ tấn công khủng bố cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người Mỹ. Năm nay, ngày 11-9-2024 rơi vào cao trào của mùa bầu cử Tổng thống và còn một thời điểm đặc biệt quan trọng khác...
Phó Tổng thống Kamala Harris, Tổng thống Joe Biden, Thị trưởng New York Michael Bloomberg, cựu Tổng thống Donald Trump và Thượng nghị sĩ JD Vance tại New York vào ngày 11-9-2024

Phó Tổng thống Kamala Harris, Tổng thống Joe Biden, Thị trưởng New York Michael Bloomberg, cựu Tổng thống Donald Trump và Thượng nghị sĩ JD Vance tại New York vào ngày 11-9-2024

Trong lễ tưởng niệm nạn nhân của thảm kịch khủng bố 11-9 ở New York, Tổng thống Joe Biden, cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris đứng cùng nhau tại khu tưởng niệm được dựng lên tại chân tòa tháp đôi từng là Trung tâm Thương mại Thế giới. Khi đó, hai ứng cử viên Tổng thống Donald Trump và Kamala Harris giáp mặt nhau chỉ vài giờ sau cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên vào tối 10-9.

Ông Donald Trump và ứng cử viên Phó Tổng thống, Thượng nghị sĩ JD Vance đã đến địa điểm nói trên vào khoảng 8h sáng 11-9, trong khi Tổng thống Joe Biden và bà Kamala Harris đến sau đó khoảng nửa giờ. Sau màn bắt tay chào hỏi, các đối thủ đang chạy đua vào Nhà Trắng chỉ đứng cách nhau chừng 1m, ở giữa là ông Biden và Thị trưởng New York Michael Bloomberg. Buổi lễ bắt đầu bằng tiếng chuông và một phút mặc niệm. Trong những năm đầu tiên lễ tưởng niệm tổ chức tại Ground Zero (Vùng số 0), các Tổng thống và quan chức cấp cao đã đọc thơ, một phần Tuyên ngôn Độc lập và các văn bản khác. Nhưng vào năm 2012 Đài tưởng niệm và Bảo tàng Quốc gia ngày 11-9 đã quyết định, buổi lễ sẽ dành cho người thân đọc tên các nạn nhân, còn các chính trị gia chỉ đóng vai trò là những người quan sát. Ở đây, chính trị không phải là mối quan tâm hàng đầu đối với người thân của các nạn nhân như bà Cathy Naughton, người có anh họ Michael Roberts, một trong hàng trăm lính cứu hỏa đã thiệt mạng tại thảm kịch. “23 năm đã qua, chúng tôi muốn mọi người luôn nhớ, luôn nhắc đến tên họ và không bao giờ quên. Vượt qua nỗi đau đến nay vẫn không hề dễ dàng hơn”, bà Cathy Naughton nói.

Vào ngày 11-9 cuối cùng trong nhiệm kỳ và có thể trong cả sự nghiệp chính trị kéo dài nửa thế kỷ, ông Biden đã cùng Phó Tổng thống Kamala Harris đến dự buổi lễ ở Pennsylvania và Lầu Năm Góc, hai địa điểm khác nơi các máy bay thương mại bị rơi sau khi bị thành viên nhóm khủng bố al-Qaeda chiếm giữ vào ngày 11-9-2001. Trong khi đó, ông Donald Trump cũng đến Đài tưởng niệm Chuyến bay 93 gần vùng nông thôn Shanksville, Pennsylvania, nơi một trong những chiếc máy bay bị rơi sau khi các thành viên phi hành đoàn và hành khách cố gắng giành lại quyền kiểm soát từ những kẻ không tặc.

Năm 2001, các cuộc tấn công của 19 kẻ khủng bố vào một số địa điểm mang tính biểu tượng của nước Mỹ đã khiến 2.977 người thiệt mạng và bao gia đình phải chịu tổn thương. Thảm kịch này cũng đã tạo ra sự thay đổi về chính sách đối ngoại của Mỹ, các hoạt động an ninh trong nước và tư duy của nhiều người Mỹ trước đây vốn không cảm thấy dễ bị tấn công bởi những kẻ cực đoan nước ngoài. Tác động của nó lan tỏa khắp thế giới và qua nhiều thế hệ khi Mỹ phản ứng bằng việc đứng đầu “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”, bao gồm trực tiếp tham chiến ở Afghanistan và Iraq, dẫn đến cái chết của hàng trăm nghìn người, trong đó có cả hàng nghìn lính Mỹ.

Di sản của ngày 11-9 tiếp tục phát triển, khi mà ngày này đã được Quốc hội Mỹ đặt là Ngày yêu nước, Ngày phục vụ và tưởng niệm quốc gia. Đến nay, các cộng đồng trên khắp nước Mỹ đã có nhiều hình thức đánh dấu ngày kỷ niệm như tổ chức đặt vòng hoa, treo cờ, diễu hành hay thực hiện các dự án tình nguyện… Vào năm 2008, các thượng nghị sĩ và đối thủ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống khi đó là ông John McCain và Barack Obama đã gạt chính trị sang một bên, cùng nhau đến dự lễ tưởng niệm ở Ground Zero. Ở một số sự kiện, người thân của các nạn nhân lên án sự chia rẽ của người Mỹ, kêu gọi các nhà lãnh đạo ưu tiên an ninh quốc gia và bày tỏ khát vọng hòa bình, mong muốn hành động độc ác được gọi là khủng bố sẽ không bao giờ xảy ra nữa.