Nghịch lý đói nghèo

ANTĐ - Thế giới đang chứng kiến một nghịch lý đói nghèo ngày càng trầm trọng. Đó là môi trường và hệ sinh thái ngày càng bị huỷ hoại và cạn kiệt, trong khi nhu cầu lương thực, thực phẩm lại đang tăng nhanh.

Nước ngày càng trở nên khan hiếm ở quốc gia châu Phi Somalia

Dân số thế giới sẽ vượt ngưỡng 7 tỷ người vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 tới và sẽ tăng lên 10 tỷ người vào năm 2050. Điều đó có nghĩa là nhu cầu lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo cuộc sống cho con người cũng phải gia tăng tương ứng.

Muốn đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm của 7 tỷ người và tăng lên thêm 3 tỷ nữa thì thế giới phải sản xuất ra nhiều hơn nhu yếu phẩm không thể thiếu này. Thế nhưng, theo các đánh giá của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của LHQ (FAO) cũng như Chương trình môi trường LHQ (UNEP), thì việc nâng cao sản lượng lương thực và thực phẩm của thế giới đang gặp phải những thách thức nghiêm trọng.

Trong đó, một trong những thách thức lớn nhất là biến đổi khí hậu đang huỷ hoại môi trường sống cũng như diện tích đất trồng trọt và chăn nuôi của thế giới. Theo báo cáo của UNEP, biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng tình trạng khan hiếm nước vì nó làm thay đổi lượng mưa và tần suất các trận mưa, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Theo UNEP, tình trạng thiếu nước và suy thoái đất là hạn chế lớn nhất đối với việc sản xuất lương thực ở các khu vực đất khô, nơi cư trú của hơn 30% dân số, 44% các hệ thống canh tác và khoảng 50% vật nuôi của thế giới. 

Chịu tác động nghiêm trọng là một số quốc gia châu Phi đang gánh chịu thảm hoạ "kép" hạn hạn và xung đột vũ trang mà điển hình là Somalia. Thiếu nước có thể làm sản lượng nông nghiệp của châu Phi có thể giảm từ 15-30% vào cuối thế kỷ này. 

Sản lượng lương thực, thực phẩm giảm có nghĩa là nghèo đói gia tăng tương ứng. Nói cách khác cuộc khủng hoảng lương thực, đói nghèo ở nhiều quốc gia châu Phi như Somalia, Kenya, Sudan... sẽ còn trầm trọng hơn trong tương lai.

Mất an ninh lương thực sẽ đẩy thế giới, nhất là những quốc gia đang phát triển ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ, đến trước những hiểm hoạ mất ổn định khôn lường. Vì thế, đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm ngày càng tăng của thế giới đã trở thành một đòi hòi cấp bách.

Trong báo cáo nhan đề "Giải pháp hệ sinh thái đối với nước và an ninh lương thực", UNEP nhận định rằng đầu tư vào các hệ sinh thái có thể giúp nâng cao an ninh lương thực, khả năng đối phó với biến đổi khí hậu và mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho các cộng đồng dân cư nghèo. Theo đó, việc duy trì các hệ sinh thái lành mạnh, có khả năng phục hồi nhanh nhằm đảm bảo có sẵn nước cho nông nghiệp và các dịch vụ sinh thái khác là rất quan trọng đối với an ninh lương thực lâu dài.

Ban các vấn đề xã hội và kinh tế của LHQ (DESA) cũng cho rằng tiến hành một cuộc cách mạng công nghệ Xanh là giải pháp bền vững để đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới cũng như giải quyết nghịch lý đói nghèo. DESA ước tính thế giới cần đầu tư mỗi năm ít nhất 1.900 tỷ USD vào các dự án công nghệ Xanh, trong đó 1.100 tỷ USD dành cho các nước đang phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu về năng lượng và thực phẩm đang gia tăng nhanh tại khu vực này.